The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Kỹ năng trình bày bài kiểm tra và bài thi

Post by: hn-ams | 03/09/2013 | 2527 reads

Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao mình làm đúng hết kết quả mà không đạt điểm cao hay tuyệt đối? Có bao giờ bạn giải thích rằng mình nắm rất chắc kiến thức mà trình bày không tốt, hay thậm chí là không vượt qua các kỳ thi?

Đừng vội đổ lỗi cho “Học tài thi phận”. Chắc chắn bạn phải xem lại kiến thức và kỹ năng trình bày của mình.

Kỹ năng trình bày bài thi, bài kiểm tra (ở đây gọi chung là kỹ năng trình bày) là kỹ năng sắp xếp, tổng hợp các bước, các quá trình để hoàn thành nội dung yêu cầu đề bài đặt ra hay kết quả cần tìm. Dễ hiểu nhất là từ những hiểu biết, kiến thức của mình, bạn “show” một cách khoa học, xúc tích nhất trên bài thi, kiểm tra để giáo viên chấm bài nhìn đã muốn cho điểm, tất nhiên là đáp án hay nội dung phải đúng rồi.

Kỹ năng trình bày nói chung còn rất quan trọng trong thuyết trình, thảo luận, phát biểu chính kiến… Nó là một trong các kỹ năng mềm quan trọng quyết định rất lớn tới sự thành công trong công việc của bạn sau này. Tuy nhiên, ở đây chúng ta chỉ bàn đến phạm vi kỹ năng trình bày một bài thi hay kiểm tra. Bởi không ít các bạn học sinh đã hối tiếc khi mất đi cơ hội và ước mơ của mình là đỗ đạt vào trường nguyện vọng vì thiếu một ít điểm. Hơn nữa, trong chương trình thi tuyển hiện nay phần trắc nghiệm chiếm một khối lượng không nhỏ. Không phủ nhận lợi ích của hình thức thi đó mang lại. Nhưng cũng phải nhắc đến hạn chế của nó là làm cho học sinh mất hay giảm khả năng trình bày, lập luận.

Chính vì những lý do này, nhằm tránh rủi ro nhỏ nhất gặp phải trên con đường chinh phục giấc mơ của bạn. Cần phải rèn luyện cho mình kỹ năng trình bày bài vở thật tốt song hành với quá trình “tu luyện”. Chúng ta cùng bắt đầu:

Nó có gì khó và cao siêu? Chẳng có gì cả. Bạn chỉ cần chăm chỉ rèn luyện trong suốt quá trình học là đảm bảo chinh phục được những “bức tường” ngăn bạn đến thành công. Trên kinh nghiệm cá nhân mình xin mách nước các điều nên chú ý là:

1. “Trước chiến trận phải trang bị vũ khí”

Nắm chắc kiến thức là cơ sở quan trọng nhất để bạn tự tin “múa võ” trên bài thi. Nếu có cái đầu trống rỗng thì không cần quan tâm đến mình trình bày như thế nào, bắt đầu từ đâu nữa. Lý thuyết đưa ra để học tập tốt, nắm chắc kiến thức thì quá nhiều rồi, ở đây chúng ta sẽ không nhắc lại.

2. “Luyện công thường xuyên”

Ý là bạn sẽ phải trình bày bài vở một cách tích cực, tự giác và thường xuyên. Trước tiên là đọc các lời giải trong các sách tham khảo; rồi tự mình trình bày các bài tập tương tự. Cứ như vậy sẽ giúp bạn có một “form” lời giải cho từng bài. Nhưng cố gắng phải sáng tạo, không được “dập khuôn”.

3. “Không thầy đố mày làm nên” và “Học thầy không tày học bạn”

Hai câu tục ngữ có vẻ mâu thuẫn hoàn toàn nhưng không, cả hai đều đúng tương đối và chúng ta cần biết áp dụng nó như thế nào. Ngày xưa thầy đồ dạy học trò viết chữ “bạo lực” như thế nào các bạn đã biết. Ngày nay chúng mình được bảo vệ bởi “đạo luật phòng chống bạo lực học đường”. Vì vậy, bạn mạnh dạn nhờ thầy cô kiểm tra lời giải của mình để thầy cô uốn nắn. Nếu sai, chắc chắn sẽ không ăn đòn đâu, hơn nữa các thầy cô luôn khuyến khích học trò làm như vậy. Và một điều nữa, cố gắng tạo ra nhóm học tập; qua đó có thể trao đổi bài vở và uốn nắn cách trình bày cho nhau.

4. “Thời thế tạo anh hùng”

Khi bạn đã chuẩn bị chắc kiến thức và kỹ năng trình bày như vậy rồi. Đã đến lúc “múa võ” để hoàn thành và vượt qua các bài kiểm tra, thi cử. Những việc cần thiết trước những ngày thi chúng ta đã nắm rõ. Ở đây là chỉ nhắc đến trong “chiến trận”, cần phải thật bình tĩnh và tỉnh táo. Đọc nhanh, chắc, kỹ đề bài vì đôi lúc có “bom mù” làm ta nhiễu loạn, và nếu “trúng tủ” thì vẫn phải bình tĩnh, làm thật chắc, phân phối các câu hỏi hợp lý.

5. Lời khuyên cuối cùng là

Nếu đã làm xong hết bài thi thì nên đọc soát lại một vài lần. Chịu khó chờ đợi và hạ cái tôi của mình xuống một chút; ra khỏi phòng thi sớm chẳng ai khen mình, chẳng oai gì. Kinh nghiệm rất rất nhiều trường hợp ra sớm rồi; câu than thở quen thuộc là: “giá như”, “ối trời” và “lần sau rút kinh nghiệm”…

Nếu nắm chắc kiến thức là điều kiện cần thì kỹ năng trình bày tốt là điều kiện đủ để bạn trở thành “bá đạo”. Tất nhiên “bá đạo” không phải là mình. Lý thuyết vẫn là lý thuyết và chúng ta cần chia sẻ. Chúc các bạn đạt được ước mơ của mình!

(Theo Trithuctre)