The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Hiệu trưởng trường chuyên Hà Nội Amsterdam: Chuyện nghề và cách dạy con rất đặc biệt!

Post by: webams | 08/03/2024 | 1004 reads

Mặc dù Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam rất nổi tiếng, nhưng hiệu trưởng nhà trường - cô Trần Thùy Dương lại khá kín tiếng về đời tư. Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nữ hiệu trưởng tài giỏi này về truyền thống gia đình, chuyện nghề và cách dạy con đặc biệt…

Hiệu trưởng trường chuyên Hà Nội Amsterdam: Chuyện nghề và cách dạy con rất đặc biệt!

Ngày 13/7/2020, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, ngôi trường top đầu Hà Nội về chất lượng giáo dục, chính thức có hiệu trưởng mới là cô Trần Thùy Dương, trước đó là Phó hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An.

Cô Dương sinh ngày 8/2/1972. Mẹ cô là cô Lê Minh Hoà, giáo viên chuyên Nga nổi tiếng ở Trường PTTH Lý Thường Kiệt và bố là GS. Trần Thống, Trưởng khoa Nga, Trường Đại học Ngoại Ngữ (hiện là Trường Đại học Hà Nội), tác giả của nhiều giáo trình tiếng Nga. Bản thân cô là cựu học sinh Chuyên Nga, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, từng đi du học và tốt nghiệp với 2 ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Nga, cử nhân Luật - Trường Đại học Luật Hà Nội và nhận bằng thạc sĩ giảng dạy tiếng Anh và quản lý ở Anh...

Với cương vị là hiệu trưởng, cô luôn giữ tâm huyết, đam mê với nghề, đưa ra những quyết định vừa cứng rắn vừa mềm mỏng, định hướng phát triển ngôi trường giữ vị trí top đầu Hà Nội nhưng lại giúp học sinh phát triển năng lực theo cách riêng... Với gia đình, cô là một người mẹ gần gũi với con, để con phát triển tự nhiên, tất cả bữa cơm tối đều có mặt mẹ và không vội cho con đi du học. Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, PV báo Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nữ hiệu trưởng đặc biệt này.

Hiệu trưởng trường chuyên Hà Nội Amsterdam: Chuyện nghề và cách dạy con rất đặc biệt!- Ảnh 2.

Chào cô! Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã quá nổi tiếng với nhiều thế hệ học sinh nhưng từ ngày cô làm hiệu trưởng thì trường được biết đến với nhiều hoạt động hơn, gần gũi, thân thiện hơn. Tuy nhiên, ngược lại, thông tin về cô lại rất ít ỏi trên báo chí. Cô có thể chia sẻ về tuổi thơ của cô đã có những kỷ niệm đẹp thế nào trong gia đình có truyền thống về nghề giáo và tiếng Nga?

- Tôi cũng như nhiều bạn học sinh có bố mẹ làm trong ngành giáo dục thời ấy. Môi trường giáo dục đến rất tự nhiên từ năm 3-4 tuổi khi được ngồi dự thính cuối lớp bố mẹ dạy, làm quen với những viên phấn trong giờ ra chơi hay ngồi cạnh bố mẹ xem chấm bài. 

Cá nhân tôi khi học phổ thông cũng có nhiều hoài bão, nhưng tuổi trẻ mà, chưa có căn cứ gì cụ thể. Tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ là giáo viên vì thấy bố mẹ làm giáo viên đã đủ rồi. Sau khi tốt nghiệp ra trường, trải nghiệm nhiều cơ hội khác nhau, tôi lại thấy nghề dạy học phù hợp cá tính, chuyên môn, sở trường của mình. Tôi đã gắn bó với nghề từ lúc ra trường đến nay. Với tôi, dù thời thế thay đổi, dù quan niệm giáo dục thay đổi nhưng đây vẫn là nghề rất cao quý.

Hiệu trưởng trường chuyên Hà Nội Amsterdam: Chuyện nghề và cách dạy con rất đặc biệt!- Ảnh 3.

Nữ hiệu trưởng tài giỏi, đầy tâm huyết với ngôi trường danh tiếng ở Thủ đô. Ảnh: Viết Niệm.

Còn với tiếng Nga, tôi tự hào khi bố tôi là giáo sư hàng đầu, là một trong những người đặt nền móng cho nền Nga ngữ ở Việt Nam. Những năm 70-80, tiếng Nga là ngôn ngữ độc quyền ở Việt Nam. Bản thân tôi học chuyên Nga, khóa thứ 2 của trường Ams, từng đạt giải Nhất học sinh giỏi quốc gia lớp 12 và nhận học bổng du học của Chính phủ dành cho học sinh xuất sắc. 

Sau khi sang Nga, tôi học thêm tiếng Anh. Bố mẹ tôi quan niệm rằng ngôn ngữ là một văn hóa. Khi mà mình đã hiểu biết về một nền văn hóa rồi thì nên đến với ngôn ngữ khác chứ không nên bó gọn trong một ngôn ngữ. Như bố mẹ tôi có xuất phát điểm học tiếng Trung và học thêm tiếng Nga ở Trung Quốc. Có lẽ tình yêu ngoại ngữ cũng xuất phát từ bố mẹ tôi. Tôi đã tốt nghiệp khoa Ngoại ngữ, chuyên ngành Giảng dạy tiếng Anh ở Nga năm 1995.

Lý sao cô lại quyết định quay về Việt Nam trở thành giáo viên trong khi cô có nhiều cơ hội hơn ở nước ngoài với khả năng sử dụng 2 ngoại ngữ này?

- Ở lớp tôi cũng có một số bạn quyết định ở lại vì có những định hướng khác. Gia đình tôi hướng tôi trở về để làm công việc đúng sở trường là dạy tiếng Anh. Lý do thứ 2 vì Việt Nam là quê hương. Dù thời gian đầu trở về cũng khá vất vả nhưng tôi thấy hài lòng với quyết định tại thời điểm đó. 

Hiệu trưởng trường chuyên Hà Nội Amsterdam: Chuyện nghề và cách dạy con rất đặc biệt!- Ảnh 4.

Sau khi du học về, tôi dạy ở Trường Đại học Ngoại ngữ, nơi bố tôi làm trưởng khoa. Vài năm sau, tôi thấy mình phù hợp giảng dạy trong môi trường phổ thông hơn. Có lẽ mỗi người có một sự lựa chọn. Tôi đã chọn và gắn bó với Trường THPT Chu Văn An suốt 21 năm, trong đó có 16 năm là giáo viên chuyên, tổ trưởng bộ môn, 5 năm là cán bộ quản lý.

Trong thời gian dạy ở đây, tôi được trải nghiệm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, chấm thi và cũng là người duy nhất của Việt Nam nhận học bổng du học thạc sĩ về giảng dạy tiếng Anh và quản lý ở Anh. Là giáo viên ở một trong những môi trường quy chuẩn, bề dày lịch sử kết hợp với bản thân là cựu học sinh Ams năng động, trẻ trung, hướng ngoại, tôi đã có nhiều cơ hội để phấn đấu, phát triển và đạt được một số thành công như ngày hôm nay.

Không bao giờ hối hận với quyết định trở thành giáo viên phổ thông, vậy trong mắt phụ huynh, học sinh và đồng nghiệp, cô giáo Trần Thùy Dương được hiện lên như thế nào, thưa cô?

- Khi còn là giáo viên, tôi có nhiều kỷ niệm với học sinh, thậm chí một số thầy cô giáo ở trường Chu Văn An còn trêu cô bé này tăng động vì tổ chức nhiều hoạt động quá. Tôi thiết kế các chương trình phù hợp để học sinh thể hiện tài năng như các buổi ngoại khóa, trại hè, dạ hội... Ở năm 2000, đây là những hoạt động khá hiếm hoi.

Qua những chương trình như vậy, tình cảm cô trò trở nên gần gũi, thân thiết, dễ chia sẻ hơn. Công tác hướng nghiệp từ đó cũng thuận lợi hơn. Nhiều bạn ra trường đi làm quay lại thăm và cảm ơn cô đã định hướng đúng. 

Điều tôi luôn tự hào là học sinh với cô giáo như bạn bè. Các em nể cô không phải là quan hệ cấp trên cấp dưới, vì khi đó các em chỉ sợ chứ không nể. Muốn học sinh nghe theo mình thì các em phải nể, phải thân để khi mình không có mặt trên lớp các em vẫn theo khuôn khổ. Mối quan hệ đối với phụ huynh cũng phải như người một nhà thì mới có thể cùng chung tay để định hướng cho học sinh.

Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ, làm nghề giáo vui vì nghề cho cái tâm thanh thản, nhẹ nhàng, trẻ trung. 

Hiệu trưởng trường chuyên Hà Nội Amsterdam: Chuyện nghề và cách dạy con rất đặc biệt!- Ảnh 5.

Cùng là ở trường Ams nhưng cô trải qua 2 vị trí khác nhau, từ một học sinh của trường rồi quay trở về với cương vị là hiệu trưởng. Cô thấy trường Ams xưa và nay khác nhau thế nào? Đây là thách thức hay cơ hội với cô?

- Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở về trường Ams vì tâm lý thôi thì đã quen dạy trường nào cũng được, nhất là nơi mình đã gắn bó 21 năm. 

Thời xưa rất khó khăn, vất vả. Tôi bắt đầu vào trường từ năm 1986. Hồi đó trường chưa có sân, mỗi tuần chúng tôi có 2 buổi đi gánh đất để làm sân bê tông. Ngày đó khó khăn chung, ai cũng như ai nên đều thấy vui vẻ, hồn nhiên như nhau, không có sự phân biệt. Bây giờ thì học sinh có điều kiện hơn, được bố mẹ bao bọc hơn. Tuy nhiên, bố mẹ dường như quan tâm về chuyên môn thôi chứ chưa chú trọng phát triển về mặt con người.

Hiệu trưởng trường chuyên Hà Nội Amsterdam: Chuyện nghề và cách dạy con rất đặc biệt!- Ảnh 6.Hiệu trưởng trường chuyên Hà Nội Amsterdam: Chuyện nghề và cách dạy con rất đặc biệt!- Ảnh 7.Hiệu trưởng trường chuyên Hà Nội Amsterdam: Chuyện nghề và cách dạy con rất đặc biệt!- Ảnh 8.Hiệu trưởng trường chuyên Hà Nội Amsterdam: Chuyện nghề và cách dạy con rất đặc biệt!- Ảnh 9.

Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam phát triển theo định hướng vừa hồng vừa chuyên. Ảnh: NVCC

Thách thức của tôi là học sinh chuyên rất giỏi, mà học giỏi thì thường rất cá tính. Giáo viên trường chuyên cũng có chính kiến riêng, không phải bất kỳ mệnh lệnh nào đưa ra cũng phục, thậm chí cũng có ý kiến không đồng thuận. Tuy nhiên, là thử thách nhưng cũng là cơ hội với tôi.

Ở trường khác thông thường giáo viên. học sinh sẽ theo nếp, theo guồng nên công việc cứ thế trôi. Nhưng ở đây học sinh thông minh, giao việc gì cũng yên tâm, không phải cầm tay chỉ việc. Giáo viên cũng vậy, tuy rằng thầy cô có nhiều ý kiến khác nhau, có những ý kiến đúng, có những ý kiến chưa chuẩn do các thầy cô chưa hiểu nhưng khi đã nhận nhiệm vụ thì rất trách nhiệm và tôi không phải lo lắng về kết quả cuối cùng. Việc cần làm với cán bộ quản lý là phải minh bạch, chia sẻ, công khai. Nếu đồng thuận được, có sự đoàn kết thì sức mạnh của môi trường nhiều nhân tài sẽ đem lại cho nhà trường kết quả vô cùng khả quan.

Những gì trường Ams đã đạt được trong thời gian là minh chứng thể hiện sức mạnh đoàn kết của tập thể mạnh: Học sinh học giỏi, hoạt động ngoại khóa rất nhiều, công tác tạo nguồn, xây dựng phát triển Đảng lần đầu tiên tổ chức năm 2022, đến nay có 12 học sinh đứng trong hàng ngũ của Đảng... Trong những năm tiếp theo, trường Ams còn mong muốn là đơn vị tiên phong, trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học bên cạnh công tác giảng dạy truyền thống.

Một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng học sinh trường Ams là thành tích đi du học. Cô quan điểm thế nào về tiêu chí này, có còn phù hợp không và có phải đi du học mới là thành công?

- Trước đây, trường Ams đánh giá học sinh là được đi du học trường nào, quốc gia nào. Tôi khác một chút, đi du học ở những trường lớn rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Các bạn có thể học trong nước, học cao đẳng cũng được nhưng cái chính ra đời làm gì mới là thước đo sản phẩm. Sau này mọi người cũng hiểu hơn và thấy hợp lý. Chúng ta không nên đặt gánh nặng mà luôn ủng hộ các em. Du học là tốt nhưng nếu không có điều kiện thì học trong nước, không nên coi đó là thất bại, du học mới là thành công. Sự lựa chọn trong nước cũng là thành công, miễn sao các em vui, đúng năng lực, không tạo áp lực cho bản thân và gia đình. 

Hiệu trưởng trường chuyên Hà Nội Amsterdam: Chuyện nghề và cách dạy con rất đặc biệt!- Ảnh 10.

Có gia đình truyền thống nghề giáo, có mẹ là giáo viên rồi là hiệu trưởng trường top đầu Hà Nội, các con của cô có bao giờ bị áp lực?

- Con trai lớn của tôi hiện là bác sĩ, từng là cựu chuyên Sinh, Trường THPT Chu Văn An và đi theo ngành Y giống bố. Con trai thứ 2 đang học chuyên Hóa trường Ams nhưng lại yêu thích môn Lý, tham gia các đề tài kỹ thuật. Tôi luôn tôn trọng sở thích của con. Thấy con rất say mê học và yêu thời gian ở trường.

Hai bạn rất áp lực. Con trai lớn ngày trước hiếu động nên hay bị nói cậy mẹ là hiệu phó. Tôi nói với con rằng không phải lo lắng suy nghĩ về điều đó. Mình là người bình thường, cũng có khuyết điểm, nghịch ngợm tuổi trẻ giống như ai. 

Chính vì vậy, khi con học ở trường, tôi chỉ nhờ thầy cô xem con có vui vẻ, có thích học hay không... Nếu có gì đặc biệt thì báo lại với tôi, còn nếu không thì để cho bạn ấy hoạt động bình thường, thậm chí đừng quan tâm để con không bị tâm lý. Các kỳ thi con không thích thì không cần tham gia, tôi không ép. Con nhà tôi không đi du học. Tôi không phản đối du học mà muốn con đi ở tuổi chững chạc hơn. Tôi tự lập từ sớm, ra nước ngoài năm 17 tuổi nhưng thời đó khác. Tôi muốn con học xong trong nước và phấn đấu đi học sau đại học, lúc đó sẽ hấp thụ được hơn nhiều nền tiên tiến ở nước ngoài.

Cuộc đời không bao giờ màu hồng, nếu như các con chỉ va chạm với màu hồng thì sau ra đời dễ bị va vấp. Tôi biết nhiều bạn du học về khá vất vả vì kinh nghiệm chưa có, kiến thức hàn lâm chỉ trong trường đại học nhưng nghĩ tốt nghiệp loại giỏi ở trường danh giá có thể đòi hỏi nhiều hơn so với mặt bằng chung trong nước. Không ít nơi nói thẳng với tôi là không thích người như thế. Họ thích nhận người chịu khó học hỏi, chịu khó bắt đầu để lên tầm cao. Chúng ta không nên trải thảm hồng cho các con mà để các con trải nghiệm. Có chuyên gia nói rằng, khả năng chịu khổ là thước đo thành công của con người. Nếu không vượt qua được thử thách đầu đời thì sau này các con rất khó thành công.

Hiệu trưởng trường chuyên Hà Nội Amsterdam: Chuyện nghề và cách dạy con rất đặc biệt!- Ảnh 11.

Với quan điểm để con phát triển tự nhiên thì cô có cho con học tiền tiểu học không và khi con có thành tích không tốt thì cô xử lý ra sao?

Cá nhân tôi, con người ta học 10 thì con tôi học 1. Tôi không cho con học tiền tiểu học ở các lớp, trung tâm vì thấy con non. Tôi thuê một cô giáo nghỉ hưu mỗi tuần một buổi vừa dỗ vừa dạy để cho vui chứ vào lớp 1 suốt ngày bị cô giáo phê bình, mắng. Tôi đã được trải nghiệm cảm giác con xếp gần cuối lớp, viết chữ xấu nhưng không vấn đề gì. Con viết chậm hơn các bạn, tôi không áp lực vì con không đi học trước nên viết chậm hơn là đúng rồi. 

Tôi để con phát triển theo năng lực sở trường, lên cấp 2 học nặng hơn chút, rồi nặng dần ở bậc cao hơn. Con tôi không bị quá tải và đang phát triển theo cách mình mong muốn. Chúng ta lâu nay thì làm ngược lại, cấp 1 học nhiều nhưng lên đại học thì chểnh mảng. Vậy thì chúng ta làm sao có lực lượng lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cho tương lai?

Không tạo áp lực cho con, vậy việc chọn trường cho con thì cô đặt ra tiêu chí như thế nào?

- Khi con vào lớp 1, tôi chọn trường không quá xa nhà vì sẽ dẫn tới việc đưa đón vất vả, áp lực cho bố mẹ. Tôi chỉ cần chọn trường có uy tín trong khu vực sinh sống. Tôi đã cho con học trường bán công vì trường chăm sóc học sinh tốt, các em đến trường vui, hạnh phúc. Chỉ cần như vậy là đủ với tôi. Nếu thiếu kiến thức thì con lên lớp 4, 5 sẽ quan tâm hơn. Khi con vào cấp 2 thì tôi chọn trường công lập cho con vì lúc này bắt đầu cho con vào guồng dần.

Việc dạy con học buổi tối khiến nhiều phụ huynh điên đầu với những câu chuyện dở khóc dở cười. Cô đã đồng hành cùng các con ra sao? 

- Con tôi có chút thiệt thòi khi có mẹ làm quản lý. Ngày xưa mẹ làm giáo viên thì có dạy con nhưng khi lên làm quản lý bận rộn nhiều việc tôi không có nhiều thời gian dạy con nữa. Tôi nhờ học sinh cũ kèm cặp, trò chuyện, gần gũi với con vì dù sao các anh chị cũng có chuyên môn hơn. Quan trọng là mình luôn giữ vai trò định hướng, biết con có thế mạnh gì, thích gì để quan sát. 

Hiệu trưởng trường chuyên Hà Nội Amsterdam: Chuyện nghề và cách dạy con rất đặc biệt!- Ảnh 12.

Gia đình nhỏ của cô Trần Thùy Dương. Ảnh: NVCC

Có bao giờ cô bị khủng khoảng vì con?

- Tôi cũng đã trải qua giai đoạn khủng hoảng tuổi teen của con. Bạn lớn thì rất hiếu động, bạn bé thì hỏi 2 câu không trả lời câu nào. Tôi nghĩ mình cũng như bố mẹ khác nên nhẹ nhàng quan tâm chia sẻ, kiên nhẫn với con vì đây chỉ là giai đoạn thay đổi tâm sinh lý. Mình chịu khó đóng vai trò người nghe, qua giai đoạn đó các con sẽ tự đến hỏi mình với vai trò là người tư vấn. Nếu không quan tâm thì con ở trong nhà mình nhưng không phải là con mình mà chịu sự tác động của xã hội.

Thông thường ở cơ quan có những quy định, quy chế chỉ cần phổ biến cho mọi người và thường mọi người thuận theo. Còn ở nhà thì khác, tôi nói có những thứ con muốn nghe và không muốn nghe. Tôi không thể mắng được. Mắng là hỏng mà mình phải tìm cách khuyên, tư vấn cho con. Không phải nói 1 lần là con nghe theo mà phải khuyên đến 10 lần. Với con cái, chúng ta phải luôn kiên trì và dù là con trai hay con gái vẫn thích sự quan tâm của mẹ.

Công việc bận rộn khi là nữ hiệu trưởng thì cô dành thời gian cho gia đình, bản thân và sở thích của mình ra sao?

- Lên làm quản lý, gánh trách nhiệm ở ngôi trường có thể nói lớn nhất Thủ đô thì sở thích của tôi hầu như không còn nữa. Còn với gia đình, tất cả bữa cơm tối đều có mặt mẹ, trừ khi có cuộc họp đột xuất. Tôi không nhận lời đi đâu vào buổi tối, cứ chiều đi làm về là về nhà với gia đình.

Đối với con trẻ, cho dù mẹ không ăn nhưng vai trò của người mẹ rất quan trọng, không được rời xa con. Đơn giản chỉ để hỏi con ngày hôm nay thế nào, có khó khăn gì không, kể cả bạn nhỏ và bạn lớn. Con cái chỉ cần được mẹ quan tâm thôi là đã khác. Nếu bố mẹ xa dần con thì mọi khuyên bảo con sẽ không nghe nữa. Đây cũng là một sự hi sinh. 

Hiệu trưởng trường chuyên Hà Nội Amsterdam: Chuyện nghề và cách dạy con rất đặc biệt!- Ảnh 13.Hiệu trưởng trường chuyên Hà Nội Amsterdam: Chuyện nghề và cách dạy con rất đặc biệt!- Ảnh 14.Hiệu trưởng trường chuyên Hà Nội Amsterdam: Chuyện nghề và cách dạy con rất đặc biệt!- Ảnh 15.Hiệu trưởng trường chuyên Hà Nội Amsterdam: Chuyện nghề và cách dạy con rất đặc biệt!- Ảnh 16.

Yêu thích trồng cây, cô Dương đã biến ngôi trường rực rỡ màu sắc. Ảnh: Viết Niệm

Sở thích còn lại ở hiện tại của tôi là ngắm hoa, trồng cây. Tôi yêu thiên nhiên, thích làm vườn. Ở trong không gian này giúp tôi cân bằng, dù có ngồi suy nghĩ công việc cũng đỡ áp lực. Thỉnh thoảng tôi cũng ngồi cà phê với bạn bè cũ nhưng cũng là điều xa xỉ. 

Câu hỏi cuối cùng dành cho cô vì hôm nay là một ngày đặc biệt với phụ nữ, được cả thế giới tôn vinh - ngày 8/3. Với cô, ngày 8/3 diễn ra thế nào?

- Gia đình tôi có 2 quản lý nên ngày 8/3 cũng bận lo việc ở cơ quan. Tôi thấy bình thường và không đòi hỏi gì những ngày này.

Ở trường có tổ chức liên hoan văn nghệ, có clip vui vẻ, năm thì tiệc ngọt, năm thì du xuân… với tiêu chí nhẹ nhàng, ý nghĩa, tinh thần là chính. Các thầy giáo chuẩn bị món quà nho nhỏ và lời chúc dành tặng cô giáo. Tổ chức cũng chỉ trong 1 buổi gọn gàng để các thầy cô về với gia đình. Học sinh thì tặng theo đơn vị lớp, có lớp tặng hoa, làm thiệp handmade, dùng can nhựa cắt trồng thủy canh… Tôi rất ngưỡng mộ sự sáng tạo của các em. Với tôi, chỉ bấy nhiêu đó thôi là ngày 8/3 cũng trở nên ý nghĩa rồi. 

- Cảm ơn cô đã có buổi chia sẻ thú vị trong ngày đặc biệt hôm nay!