Hà Nội: Căng thẳng chạy đua vào lớp 10
Sở GD&ĐT Hà Nội đã khẳng định, đề thi vào lớp 10 rất cơ bản, không đánh đố, chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản là có thể đạt điểm 7, 8. PH không nên quá nôn nóng dồn sức ép căng thẳng vào con em mình…
Trong khi lãnh đạo Phòng Giáo dục trung học phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội cùng nhiều chuyên gia tuyển sinh đều khẳng định, đề thi vào lớp 10 rất cơ bản, không đánh đố, chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản là có thể đạt điểm 7, 8. Phụ huynh không nên quá nôn nóng dồn sức ép căng thẳng vào con em mình…
Quay cuồng lò luyện
Ngay sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố chỉ tiêu vào lớp 10 của 113 trường THPT công lập, 91 trường ngoài công lập và 31 trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thì chị Nguyễn Kim Cương, ở đường Quang Trung (Hà Đông) như ngồi trên đống lửa.
Chị có con trai học lớp 9 tại Trường THCS dân lập Marie Curie và một đứa cháu ruột học lớp 9 Trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Đông). Cả hai đứa đều đạt 4 năm học sinh giỏi, nhưng nếu đăng ký nguyện vọng 1 (NV1) vào THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông) thì điểm Văn, Toán phải được 16 điểm. Vậy là chị cấp tốc tìm lớp học cho con và cho cháu. Riêng môn Toán, chị cho con học 2 lớp, một lớp của thầy P nổi tiếng trong Hà Đông và một lớp “tại gia”, chị mời một gia sư đến nhà để “củng cố kiến thức” cho con với học phí 300.000 đồng/hai giờ học.
Một tâm lý thoải mái, một sức khỏe tốt mới giúp học sinh đạt kết quả cao trong cuộc đua vào lớp 10. Cha mẹ cần tỉnh táo, không nên ép trẻ học quá nhiều.
Ngoài ra, chị còn phải cho con học phụ đạo môn Văn và một buổi học tiếng Anh vì môn tiếng Anh là môn thi điều kiện. Đó là chưa kể những lớp học tăng cường để chuẩn bị cuộc đua vào lớp chuyên Toán, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ. Học nhiều, con chị Kim Cương đã phải tăng số cho cặp kính cận, mặt mũi lúc nào cũng nhợt nhạt vì căng thẳng. Nhìn con mà xót ruột, nhưng không học thì chỉ vào được trường tốp 3…
Gặp tôi chị bảo, chiều 18/5, chị phải đưa con đi thi thử cả môn chuyên và thi thử vào 10 do Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ tổ chức. Đây là vòng thi thử lần 2, lần đầu con chị môn Toán chuyên được 3 điểm, như vậy là trượt thẳng cẳng; điểm thi vào 10 cũng chấp chới, không biết lần thi vòng 2 này kết quả thế nào...
Chỉ cần nắm kiến thức cơ bản là được điểm khá
Vì sao thi vào lớp 10 lại căng thẳng như vậy? Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục Trung học phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ với PV Báo CAND: Sở dĩ có tình trạng ôn luyện vào 10 căng thẳng quyết liệt như vậy là vì chỉ tiêu tuyển sinh dành cho hệ THPT là hơn 69.900, trong đó gần 54.200 em sẽ vào các trường công lập, hơn 13.200 em vào trường ngoài công lập và 2.500 em vào các trung tâm giáo dục thường xuyên.
Như vậy, các trường THPT công lập mới chỉ đáp ứng được 65% nhu cầu vào công lập của học sinh. Trong khi đó, năm nay, chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công giảm mất gần 1.400 chỉ tiêu, khối các trường ngoài công lập cũng giảm hơn 2.700 chỉ tiêu, trong đó có ba trường không tuyển sinh. Điều đó làm cho cánh cửa vào lớp 10 vốn đã hẹp lại càng hẹp.
Ông Phạm Hữu Hoan thừa nhận, phụ huynh lo lắng cho con là hoàn toàn chính đáng, nhưng dưới góc độ của người quản lý thì ông cho rằng, có nhiều phụ huynh cho con đi học quá nhiều là không cần thiết. Vì đề thi vào lớp 10 THPT hoàn toàn trong chương trình phổ thông, trọng tâm là lớp 9, nếu học sinh có học lực trung bình, nắm vững chuẩn kiến thức kỹ năng là có thể làm được. Ví dụ, bài hình học có câu đòi hỏi tư duy sáng tạo (0,5 điểm), phần đại số cũng có câu khó chiếm 0,5 điểm, như vậy sẽ có 1 điểm dành cho học sinh thật sự xuất sắc. Đề Ngữ văn cũng vậy, có thêm phần đề mở (1 điểm) dành cho học sinh xuất sắc.
Như vậy, loại câu hỏi khó thì học sinh trung bình khá trở lên, nếu được hệ thống lại kiến thức sẽ dễ đạt điểm 7, 8. Ông Hoan khẳng định, học sinh không nhất thiết phải đến lò luyện. Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các trường THCS phải dạy toàn diện học sinh, không cắt xén chương trình, dạy đủ các môn. Với môn Văn, Toán, các trường phải dạy chắc ngay từ đầu, dạy đâu chắc đấy giúp học sinh nắm chắc chuẩn kiến thức. Sở GD&ĐT nghiêm cấm các trường THCS đứng ra tổ chức luyện thi dưới dạng các lò luyện.
Sau khi năm học kết thúc, các trường phải có kế hoạch ôn luyện cho các em, giáo viên phải dạy và học sinh đến học hoàn toàn miễn phí. Em nào khá rồi có thể ôn tại nhà theo đề cương ôn tập. Ông Phạm Hữu Hoan còn khuyên phụ huynh không nên quá căng thẳng, đẩy con em mình vào lò luyện sẽ càng làm cho con em mệt mỏi, thì học sẽ khó đạt hiệu quả.
Nên tăng chỉ tiêu vào lớp 10 để giảm sức ép cho phụ huynh và học sinh
Thầy giáo Lê Thiện Thuật, nguyên Hiệu trưởng THPT Kim Liên đề nghị, để giảm sức ép vào lớp 10 thì chỉ tiêu vào các Trường THPT công lập nên nới ra một chút, bằng cách phải xây thêm nhiều trường THPT mới. Bên cạnh đó, các trường ngoài công lập cũng phải nâng cao dần chất lượng để thu hút học sinh. Phụ huynh đừng tìm mọi cách phải cho con vào trường công lập, bỏ dần tâm lý phân biệt công – tư, để giáo dục thực sự bình đẳng và con em mình cũng sẽ được hưởng nền giáo dục bình đẳng…
Lê Đức Thuận (Theo CAND)