The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Đêm thơ "Ngày về" với bao điều xúc động

Post by: webams | 28/12/2015 | 5973 reads

Tối thứ sáu ngày 25/12 tại Hội trường 200 của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã diễn ra Đêm Thơ “Ngày về” với chủ đề Thơ thời ta thơ do hội cựu học sinh tổ chức nhân lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập trường. Đây là dịp thầy cô và học trò trường Ams nhớ về mái trường thân yêu, nơi đã vun đắp tâm hồn cho bao thế hệ. Họ được trở về với quá khứ của 25 năm trước (1990) với cuộc thi thơ tuổi học trò đầy xúc động của học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.

Lời nhắn gửi được viết trên những chiếc máy bay giấy

Đêm thơ có sự góp mặt của nhiều nhà thơ: Hoàng Nhuận Cầm, Hữu Việt, Thuỳ Anh..., đặc biệt là các cây viết, truyền cảm hứng văn chương của chính các thầy cô đã và đang giảng dạy tại trường cùng học sinh của các thế hệ. 

 Mở đầu chương trình là bài hát “Bắt đầu từ đâu” do anh Phạm Chí Trung, một học sinh chuyên Văn khoá 92-95 thể hiện. Bài hát rộn ràng và đầy cảm xúc- bài hát truyền thống đầu tiên của trường Ams, được sáng tác bằng lời thơ của Lê Yến Oanh, học sinh lớp 11C khoá 1990 và được phổ nhạc bởi nhạc sĩ Huy Du.

 

Cựu học sinh Phạm Chí Trung chuyên Văn khoá 92-95 dẫn mọi người về tuổi thơ cùng bài hát truyền thống của trường

Tác giả của những bài thơ được giải hội thi thơ năm 1990 và các cựu giáo viên

 Thầy Vũ Xuân Túc – cựu giáo viên của trường xúc động nhớ lại cuộc thi thơ năm 1990: “Vào khoảng tháng 3 năm 1990, thầy Nguyễn Kim Hoãn, hiệu trường đầu tiên của trường cùng các thầy cô trong tổ Văn rất muốn tổ chức một hoạt động ngoại khoá sôi nổi. Sau bao ngày suy nghĩ và bàn bạc kĩ lưỡng, chúng tôi đã quyết định tổ chức một cuộc thi thơ cho các em học sinh. Thật ngạc nhiên và không ngờ rằng cuộc thi thơ này lại được các em hưởng ứng tích cực đến vậy. 800 bài dự thi đã được gửi về và thêm 50 bài sau khi chúng tôi đóng hạn nộp. Chúng tôi đã vinh dự mời được một số nhà thơ về bình chọn như nhà thơ Định Hải, Phan Thị Thanh Nhàn, Bằng Việt và chọn ra được các giải thưởng cho các em". Thầy cũng cho biết cuộc thi thơ đó chính là cơ hội cho các em học sinh nói lên những rung cảm, suy nghĩ về trường, lớp, thầy cô, về cuộc sống xung quanh và về chính các em. Với cuộc thi, các em đã biết thoát ra các khuôn mẫu từ cách dạy, cách học, mạnh dạn nói lên những gì đích thức là của mình, cho dù rất non nớt, vụng về nhưng lại trong sáng vô cùng. Thầy cho biết, một trong những thành công của buổi sinh hoạt thơ là phản ánh được những đổi mới về mọi mặt, đặc biệt là trong nhà trường của xã hội chúng ta thời bấy giờ so với thời chiến tranh trước đó. Tập thơ tổng hợp các bài thơ được giải đã được xuất bản nhờ công sức của thầy giáo Vũ Lập và các thầy cô rất tự hào khi đó là lần đầu tiên trường Hà Nội – Amsterdam được xuất hiện và nhắc tới trước công chúng và truyền hình nhiều như thế.

 

Thầy Vũ Xuân Túc với những cảm xúc của mình

 

Thầy Vũ Lập kể về câu chuyện của mình khi đi in tập thơ đầu tiên của trường Ams

 Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hương xuất hiện, đã làm bao người xúc động, rơi lệ. Không gian ấm áp của khán phòng, khi mà ngoài trời mưa và gió lạnh cứ ào về cùng tiếng đàn réo rắt, nghệ sĩ đã đưa các thầy cô và học sinh trở về với tình cảm gia đình, tình cha con qua những bài thơ của Lan Dung, đặc biệt là bài "Con yêu" thay lời nhạc sĩ Thuận Yến nói với con gái Thanh Lam.

 

NSƯT Thanh Hương ngâm lại bài “Con yêu”

 Đêm thơ dường như trở nên sâu lắng hơn khi thầy trò được giao lưu trực tiếp với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, được trải nghiệm với những cảm xúc qua bài thơ "Chiếc lá đầu tiên" mà đã ở trong tiềm thức bao người:

 "Em thấy không - tất cả đã qua rồi

Trong hơi thở, và thời gian rất khẽ

Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế

Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say

 

Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay

Tiếng ve trong veo xé đôi bờ nước

Con ve tiên tri vô tâm báo thức

Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu

 

Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bấy nhiêu

Khúc hát đầu tiên xin hát về trường cũ

Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ

Sân trường đêm - rụng xuống trái bàng đêm

.....

Thôi hết thời bím tóc trắng ngủ quên

Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ

Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ

Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi..."

 

Nhà thơ Hoàng Nhật Cầm say sưa đọc thơ

Thầy Phạm Lê Hùng đọc thơ

Thầy Đỗ VănThái gây xúc động bằng chùm thơ Mưa

Có lẽ khoảnh khắc chân thành và rung động nhất của đêm thơ là sự giãi bày của các cựu học sinh trường Ams qua các thế hệ, cả học sinh chuyên văn và học sinh chuyên các môn tự nhiên. Họ đã nói cho đêm thơ con đường dẫn đến tình yêu văn học. Thật là giản dị nhưng vĩ đại, đó chính là sự nhiệt huyết, truyền cảm hứng của các thầy cô tại các buổi giảng văn như có thơ, có nhạc vậy. Đó chính là sự hăng say làm việc, tình yêu thương của các thầy cô đối với các thế hệ học trò, để họ tự nhận ra vẻ đẹp thật đáng trân trọng, vẻ đẹp đã đi vào thơ ca của học trò bao thế hệ.

Nhiều cựu học sinh giờ đây đã ở tuổi tứ, ngũ tuần nhưng họ vẫn run rẩy và rung động lắm khi nói về các thầy cô của mình, đặc biệt là họ không kìm được nỗi xúc động khi chia sẻ các bài thơ đã viết ở trường Ams trước đây. Có những bài thơ ở tuổi học trò khiêm nhường nhưng thật nghị lực, đầy sức sống như cây xương rồng vậy:

Mỗi con người như một loài cây

Đến ngày sinh - một lần hoa đơm trái

Bạn là hồng nhung sắc hương tỏa mãi

Tôi tựa cây xương rồng cằn cỗi chông gai.

...

Tôi là loài cây gai góc lạnh lùng.

Là đứa con của thiên thần khắc nghiệt.

Ngày nắng rát, đêm hãi hùng cái chết,

Nhỏ bé, đơn côi, xương rồng vẫn vươn lên.

...

 Bạn nghe chăng trong thực, trong mơ,

Hè về xem xương rồng say mê cùng nắng,

Khát vọng mùa hoa thắm tươi cát trắng

Khát vọng sẽ còn, cứng cáp, sinh sôi...

(Trích “Cây xương rồng” – Nguyễn Hằng Nga chuyên Văn)

Bạn Amser đã làm ngay một bài thơ “Đồng hồ cát” trong khi diễn ra buổi giao lưu

 Đêm Thơ “Ngày về” đã rất khuya nhưng dường như vẫn níu chân các nhà thơ, thầy cô giáo và các cựu học sinh. Đêm thơ để lại thật nhiều ấn tượng sâu sắc, vui có, buồn có trong trái tim mỗi người thầy, người trò về một thời đã qua. Mọi chia sẻ của đêm thơ dường như cùng một thông điệp: thơ văn giúp con người có tâm hồn đẹp hơn, sống nhân văn hơn, nâng đỡ và giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Chính điều này mà tại đêm thơ, mọi người đều nhìn thấy sự thành đạt của các thế hệ chuyên văn trường Ams ở các lĩnh vực khác nhau, đang đóng góp vào sự phát triển của nước nhà. Học sinh trường Ams sẽ mãi mãi kế thừa truyền thống của những thế hệ trước, luôn giữ cho trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam là “mái trường thơ”.

 

PV: Hoàng Ngọc Bích – Văn 1518