The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Câu chuyện đằng sau “Signtegrate” - dự án đạt giải Nhì toàn quốc Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ IV của hai Amser chuyên Toán

Post by: webams | 31/03/2022 | 1509 reads

Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ IV được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động từ tháng 7/2021 với đối tượng là các bạn sinh viên đang học tại các trường đại học, cao đẳng sư phạm và các bạn học sinh THCS, THPT trên toàn quốc. Với gần 400 dự án được lựa chọn tham dự, có 70 dự án đã lọt vào vòng chung kết. Đặc biệt trong đó, dự án “Signtegrate” - giải pháp hỗ trợ giao tiếp dành cho người khiếm thính tại Việt Nam của hai Amser Nguyễn Tài Minh và Phạm Ninh Giang (thành viên lớp 11 Toán 2) đã xuất sắc giành giải Nhì toàn quốc. Sau đây, hãy cùng Ams Wide Web lắng nghe những chia sẻ vô cùng thú vị của hai bạn Nguyễn Tài Minh và Phạm Ninh Giang về ứng dụng “Signtegrate” nhé!

 

Phóng viên (PV): Trước hết, Ams Wide Web xin cảm ơn 2 bạn đã nhận lời mời phỏng vấn từ chúng mình. Sản phẩm ứng dụng hỗ trợ giao tiếp dành cho người khiếm thính của hai bạn có một cái tên vô cùng độc đáo “Signtegrate”. Hai bạn có thể cho mình biết ý nghĩa của tên gọi này được không?

Tài Minh: Cái tên “Signtegrate” được tạo ra một cách khá là tình cờ, từ khi bọn mình có ý tưởng về ứng dụng này thì đã nghĩ ra tên rồi. “Signtegrate” là sự kết hợp của hai từ Tiếng Anh “sign” (kí hiệu) và integrate (hòa nhập) gắn liền với công dụng và ý nghĩa của sản phẩm đó là giúp đỡ người khiếm thính hòa nhập với cộng đồng thông qua việc dịch thuật ngôn ngữ kí hiệu.

Hai bạn Nguyễn Tài Minh và Phạm Ninh Giang

PV: Signtegrate là một phần mềm rất ý nghĩa và mang giá trị nhân văn lớn lao. Đâu là động lực thúc đẩy hai bạn sáng tạo ra sản phẩm này?

Tài Minh: Ý tưởng phát triển “Signtegrate” bắt nguồn từ một người em hàng xóm bị khiếm thính từ nhỏ của mình. Mình chơi rất thân với em và thường xuyên dạy học cho em ấy. Qua quá trình tiếp xúc và học tập cùng nhau, mình đã quan sát thấy em gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc giao tiếp và điều đó đã gây ảnh hưởng tới sự tự tin cũng như khả năng hòa nhập của em với cộng đồng. Chính vì vậy, khi đã có đủ khả năng và nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của thầy cô và gia đình, mình đã quyết định phát triển ứng dụng “Signtegrate” để có thể phần nào giúp ích cho cộng đồng người khiếm thính tại Việt Nam.

Ninh Giang: Câu chuyện của Tài Minh đã khiến cho mình cảm thấy xúc động vô cùng và với những đam mê về công nghệ, lập trình từ trước thì mình đã không ngần ngại tham gia phát triển “Signtegrate”. Mình rất mong muốn có thể đầu tư thời gian, công sức vào một dự án có ý nghĩa như này và đặc biệt hơn là nó có thể giúp ích cho cộng đồng người khiếm thính.”

Nguyễn Tài Minh và Phạm Ninh Giang cùng cô giáo Phạm Thị Phương - Trưởng nhóm khoa học trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam

PV: Trong quá trình nghiên cứu và phát triển “Signtegrate”, hai bạn đã gặp phải những khó khăn nào? Những lúc như vậy ai là người đã giúp đỡ hai bạn vượt qua khó khăn ấy?

Tài Minh: Đối với mình, điều khó khăn nhất đó chính là phần thu thập dữ liệu, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh, rất khó để có thể tìm và mời các chuyên gia cung cấp dữ liệu cho ứng dụng. Sau đó, bọn mình đã may mắn tìm được một người để giúp đỡ giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, nếu chỉ một người thao tác thì vẫn là chưa đủ bởi bọn mình cần nhiều người hơn để nhân rộng mẫu số liệu. Cuối cùng, chính mình và Giang đã tự học ngôn ngữ kí hiệu và quay lại các thao tác để phục vụ công tác huấn luyện mô hình cho “Signtegrate”. Chúng mình đã vượt qua được những rào cản này là nhờ có sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè và thầy cô.

Ninh Giang: Một trong những chướng ngại mà mình đã gặp phải đó là phần lập trình ứng dụng. Đôi lúc việc lập trình có thể xảy ra những sai sót không thể tránh khỏi và việc sửa lại khá là khó khăn. Nhưng nhờ việc tra cứu mạng Internet mà mình đã giải quyết được vấn đề này. Bên cạnh đó, như Tài Minh đã nói thì phần thu thập dữ liệu để huấn luyện mô hình thực sự là một thử thách với chúng mình.

Hai gian hàng của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại Cuộc thi

Gian hàng giới thiệu của Signtegrate tại Cuộc thi

PV: Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ IV là cuộc thi tầm cỡ quốc gia với rất nhiều đối thủ mạnh. Điều đó có khiến hai bạn cảm thấy áp lực không? Hai bạn hãy chia sẻ bí quyết mà các bạn đã vượt qua áp lực để hoàn thành xuất sắc phần thi của mình và đạt giải cao như vậy nhé!

Tài Minh: Khi tham gia một cuộc thi với quy mô lớn như vậy thì chắc chắn bọn mình không thể tránh khỏi những áp lực. Khối lượng công việc lớn và dồn dập, nhất là khoảng thời gian cuộc thi sắp diễn ra khiến cho bọn mình đều thiếu ngủ và rất lo lắng. Cũng nhờ có sự thúc giục của bố mẹ và sự đồng hành của các thầy cô mà bọn mình mới có thể hoàn thành “Signtegrate”. Ngày thuyết trình chặng 2 mình đã không dám ăn sáng để dành thời gian ôn lại bài thuyết trình cho thật kĩ lưỡng. Khi thuyết trình trước nhiều người, mình cứ nghĩ là sẽ không thể hoàn thành tốt nhưng sau cùng, tất cả những nỗ lực của bọn mình đã được đền đáp xứng đáng.

Ninh Giang: Khi tham dự cuộc thi, bản thân mình thấy khá áp lực vì lo rằng ứng dụng của chúng mình sẽ không được tốt bằng các sản phẩm khác cùng làm về công nghệ và “Signtegrate” không đủ sức thuyết phục ban giám khảo. Thứ hai là mình cũng không quá am hiểu về mảng kinh tế mà chỉ có kiến thức về công nghệ thôi. Để có thể trả lời những câu hỏi của ban giám khảo thì mình đã phải dành ra một khoảng thời gian rất lâu để luyện tập. Lời khuyên của mình dành cho mọi người đó là khi đứng trước áp lực, đừng lo sợ và hãy bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, cố gắng hết mình vì mục tiêu thì chắc chắn sẽ nhận được thành quả xứng đáng.

Hai bạn Nguyễn Tài Minh và Phạm Ninh Giang trong lễ nhận giải

PV: Đạt giải Nhì toàn quốc khối học sinh trong cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” là thành công bước đầu của “Signtegrate”. Vậy hai bạn có kế hoạch gì để có thể phát triển sản phẩm này trong tương lai và đưa nó vào ứng dụng trong đời sống, giúp đỡ nhiều người khiếm thính còn gặp khó khăn trong giao tiếp?

Tài Minh: “Signtegrate” đạt giải Nhì toàn quốc chính là điều mà mình cảm thấy rất vui và tự hào. Chắc chắn bọn mình sẽ sớm lên kế hoạch khởi nghiệp, hoàn thành sản phẩm và tìm kiếm nhà đầu tư để có thể ra mắt “Signtegrate”. Bên cạnh đó, chúng mình đã thành công kết nối được với các bác sĩ và các nhà đầu tư tiềm năng là ban giám khảo tại cuộc thi. Mình rất hi vọng những dự định trong tương lai sẽ diễn ra tốt đẹp để “Signtegrate” sớm có thể giúp cho cộng đồng người khiếm thính tại Việt Nam dễ dàng hòa nhập với xã hội.

Ninh Giang: Là người chịu trách nhiệm về công nghệ, mình mong muốn sẽ tìm được những công nghệ tiên tiến, hiện đại hơn để áp dụng cho “Signtegrate” và khiến cho ứng dụng ngày càng trở nên tiện lợi, dễ sử dụng đối với người khiếm thính.

Các thành viên đoàn Hà Nội tại Cuộc thi chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Lưu Hoa

PV: Xin cảm ơn hai bạn đã đồng ý tham gia buổi phỏng vấn của Ams Wide Web. Mong rằng các bạn sẽ thành công với những dự định của mình và sớm cho ra mắt ứng dụng “Signtegrate”!

Thay mặt cho ban biên tập của Ams Wide Web, xin chúc mừng hai bạn Nguyễn Tài Minh và Phạm Ninh Giang (thành viên lớp 11 Toán 2) đã đạt giải Nhì toàn quốc trong Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”. Mong rằng các bạn sẽ phát triển thành công ứng dụng “Signtegrate”  để giúp đỡ cho cộng đồng người khiếm thính Việt Nam và có thể thực hiện nhiều dự án có ích cho xã hội hơn nữa.

PVV: Trần Quỳnh Anh - Văn 2124

Ảnh: Nhân vật cung cấp