75 thí sinh quốc tế tham gia kỳ thi toán học Hà Nội mở rộng
Chiều 23-3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về kỳ thi toán học Hà Nội mở rộng năm 2018. Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội ông Lê Ngọc Quang thông tin, Kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng 2018 (HOMC) sẽ diễn ra từ ngày 26 đến 30/3. Điều đặc biệt, năm nay kỳ thi lần đầu tiên có 75 thí sinh quốc tế đến từ 8 quốc gia khác gồm: Ba Lan, Indonesia, Malaysia, Myanma, Philipine, Thái Lan, Trung Quốc, Hungari.
>> Nhìn lại bảng vàng thành tích của học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam tại cuộc thi HOMC
Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đây là lần thứ 15 Hà Nội tổ chức kỳ thi này nhằm góp phần thực hiện tốt đường lối đối ngoại, chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước; tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới; khích lệ, thúc đẩy phong trào học tập nói chung và phong trào học toán nói riêng; góp phần thực hiện chủ trương nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài của đất nước. Đây cũng là dịp để thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, giao lưu giữa thế hệ trẻ, thầy giáo, cô giáo dạy môn toán trong các trường phổ thông của các nước; tăng cường quảng bá hình ảnh về đất nước, con người và nền văn hóa truyền thống của Việt Nam, giới thiệu về Hà Nội - Thành phố vì hòa bình.
Đối tượng tham dự kỳ thi HOMC (Hanoi Open Mathematics Competition) gồm hai lứa tuổi là junior (14 tuổi, lớp 8 THCS) và senior (16 tuổi, lớp 10 THPT). Thí sinh tham dự kỳ thi sẽ sử dụng toàn bộ Tiếng Anh để làm bài. Theo ban tổ chức, kinh nghiệm nhiều lần lần đưa thí sinh đi thi quốc tế thấy các sách tham khảo Toán đều bằng tiếng Anh. Vì vậy, học sinh Việt Nam học Toán cũng phải sử dụng tốt tiếng Anh để tìm tài liệu.
Trước đó, cuộc thi diễn ra nhiều năm nhưng năm nay là năm đầu tiên có sự tham gia của học sinh quốc tế
Được tổ chức lần đầu vào năm 2004, năm nay là năm đầu tiên kỳ thi toán học Hà Nội mở rộng có sự tham gia của học sinh quốc tế. Kỳ thi năm nay được tổ chức từ ngày 26 đến hết ngày 29-3-2018 và được chia làm 2 bảng, bảng A dành cho học sinh khối quốc tế, bảng B dành cho học sinh trong nước.
Theo thống kê sơ bộ, tính đến ngày 23-3, Bảng A bao gồm 87 thí sinh, trong đó đại diện Việt Nam tham dự bảng này gồm 12 thí sinh đến từ Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam và THPT Chuyên Nguyễn Huệ. Mỗi thí sinh sẽ tham gia dự thi cá nhân và thi đồng đội. Bài thi đồng đội các thí sinh vừa làm việc cá nhân vừa phối hợp tập thể.
Bảng B có 151 thành viên trong đó có 411 thí sinh đến từ 22 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thí sinh sẽ dự thi tại Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Thời gian làm bài là 150 phút.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc đề thi sẽ được xây dựng như thế nào để đáp ứng tiêu chí của một kỳ thi quốc tế, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Hội đồng đề bao gồm các nhà toán học hàng đầu, các giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo giỏi thành danh về Toán học tại Việt Nam xây dựng và biên soạn hoàn toàn bằng tiếng Anh. Điểm mới nổi bật trong năm nay là đề thi có phần thi đồng đội của Bảng A. Trong đó được chia 2 phần, phần 1 gồm 4 câu trắc nghiệm chọn phương án và 4 câu đọc điền kết quả. Mỗi đội có 4 thí sinh, ở phần này nhóm sẽ chia mỗi thí sinh 1 câu để làm bài trong thời gian 30 phút. Phần tự luận sẽ gồm 2 câu và thí sinh làm bài trong 30 phút. Cấu trúc đề thi bám sát các cuộc thi Olympic khu vực và quốc tế.
Hiện tại, công tác xây dựng đề thi đang được tiến hành theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn, nghiêm túc và bảo mật. Đội ngũ cán bộ chấm thi gồm nhiều giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia về toán học của Việt Nam và quốc tế.
"Chúng tôi rất yên tâm về chất lượng đề thi, chấm giải bởi hội đồng ra đề, giám khảo gồm nhiều nhà Toán học hàng đầu Việt Nam, như GS Nguyễn Văn Mậu - Chủ tịch Hội Toán học Hà Nội, GS Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình môn Toán mới… Một giáo sư người Ba Lan tham gia phản biện tất cả đề thi", Phó chủ tịch Hội toán học Hà Nội, PGS Trần Huy Hổ nói.
Ông cho biết, đề thi cá nhân ở bảng quốc tế và trong nước là giống nhau. Mức độ khó dễ của đề năm nay so với những năm trước khi chưa có quy mô quốc tế được giữ ổn định, bởi "các nước rất sợ Việt Nam ra đề Toán khó".
Công tác chấm thi sẽ bảo đảm tính minh bạch, nghiêm túc và khách quan như với các kỳ thi quốc tế. Khi hoàn thiện khâu chấm, Ban tổ chức sẽ photocopy toàn bộ bài đã chấm gửi về các đội thi. Dựa trên căn cứ này, các đội có thể rà soát lại biểu điểm chấm, từ đó có thể trao đổi, phản biện về kết quả chấm sao cho bảo đảm chính xác, khách quan và công bằng nhất. “Sức hút lớn nhất của kỳ thi này chính là sự minh bạch”, ông Quang khẳng định.
Ban tổ chức sẽ trao 3 đợt cúp Vô địch, giải Nhất, giải Nhì cho giải đồng động ở bảng A, 3 đợt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng giải cá nhân bảng A và nhiều giải thưởng đồng đội, cá nhân cùng các suất học bổng giá trị cho học sinh đạt Huy chương Vàng. Phó giám đốc Sở GD&ĐT thông tin, đến thời điểm này, các đơn vị từ công an, ngành giáo dục, văn hoá, y tế đã phối hợp chuẩn bị cho HOMC 2018 diễn ra được an toàn, hiệu quả.
Lễ khai mạc kỳ thi sẽ diễn ra vào 17h chiều 26-3 tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Lễ bế mạc bảng B kỳ thi diễn ra vào 13h thứ tư chiều 28-3 tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Lễ bế mạc bảng A kỳ thi được tổ chức vào 17h chiều 29-3 tại Trường Phổ thông liên cấp Olympia. Ngoài tham gia tranh tài Toán học, thí sinh sẽ được giao lưu với các nhà Toán học nổi tiếng, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm học toán, tham quan thành phố, làng văn hóa các dân tộc Việt Nam và tiệc giao lưu tìm hiểu về đất nước, con người giữa các quốc gia.
Tổng hợp