The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp mặt 68 Thầy Cô giáo tiêu biểu

Post by: anhph | 15/11/2022 | 949 reads

Sáng ngày 15/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã gặp mặt 68 gương giáo viên tiêu biểu trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, năm 2022. Đây là hoạt động do Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Bộ GD – ĐT phối hợp cùng Tập Đoàn Thiên Long tổ chức.

>> Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam: Nhà giáo Thủ đô xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước, Nhân dân

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp gỡ đoàn đại biểu tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”.

Tham dự chương trình, có anh Nguyễn Ngọc Lương – Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam; anh Nguyễn Kim Quy – Phó Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam; đại diện Bộ GD – ĐT; cùng 68 Thầy, Cô giáo được tuyên dương trong chương trình.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp mặt 68 thầy cô giáo tiêu biểu ảnh 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp mặt 68 thầy cô giáo tiêu biểu trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô", năm 2022

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, cô giáo Nguyễn Thị Lê Dung, sinh năm 1969, đại biểu lớn tuổi nhất chương trình, cho biết: Trường Tiểu học Vĩnh Hảo (xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) nơi cô công tác hiện vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên học sinh đều rất hiếu học, đội ngũ giáo viên cũng luôn nỗ lực cống hiến, tận tụy để dìu dắt các em nên người.

36 năm công tác, nay vừa nghỉ hưu được vài tháng nhưng cô Dung vẫn luôn mang nặng tình yêu nghề, nguyện đồng hành với học sinh trên mọi nẻo đường đời. Ngay cả khi các em tốt nghiệp, cô vẫn dõi theo như người thân trong gia đình. Nhờ đó, nhiều học sinh của cô Dung nay đã là luật sư, bác sĩ, giáo viên… nhưng vẫn giữ liên lạc, tìm đến những lời khuyên của cô mỗi lúc gặp khó khăn trong sự nghiệp.

“Tài sản lớn nhất của tôi là sự trưởng thành của hệ học sinh. Trong đó, tôi nhớ nhất là trường hợp của một nữ sinh trầm cảm do bị xâm hại. Em chọn cách giấu kín nên gia đình không hề hay biết. Tôi đã tự mày mò các phương pháp tiếp cận, đồng hành để lấy lại niềm tin vào cuộc sống cho em. Hiện, em đã trở thành một sinh viên xuất sắc, tấm gương về học tập, rèn luyện và hoạt động vì cộng đồng trong nhà trường”, cô Nguyễn Thị Lê Dung nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thầy cô không quyết tâm, làm sao học sinh vùng sâu thay đổi số phận? ảnh 6
Cô giáo Nguyễn Thị Lê Dung chia sẻ tại chương trình.

Thầy giáo Sùng A Trừ (Trường PTDTBT TH và THCS Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) chia sẻ việc dạy và học ở Chế Tạo nói riêng và huyện Mù Cang Chải nói chung còn nhiều khó khăn. Có những học sinh hoàn cảnh, cách xa điểm trường 6 - 7 giờ đồng hồ đi bộ đường núi, đường rừng nhưng các thầy cô vẫn đến nhà từng em để tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em đi học.

Là người con của vùng cao, thầy Trừ càng hiểu hoàn cảnh của các em và nỗ lực hơn trong hành trình gieo chữ. Thầy đã có nhiều sáng kiến giúp học sinh được đến trường, học giỏi như sáng kiến ghép đôi học sinh lớn với đàn em để cùng nhau học tập, rèn luyện.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thầy cô không quyết tâm, làm sao học sinh vùng sâu thay đổi số phận? ảnh 7

Thầy giáo Sùng A Trừ (dân tộc Mông) chia sẻ tại chương trình.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội) gắn bó với việc bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Tin học của trường. Thầy Tùng cho biết học sinh đội tuyển, các trường chuyên có tư duy, khả năng nghiên cứu tốt đòi hỏi giáo viên thường xuyên trau dồi kiến thức. "Học sinh càng giỏi thì giáo viên càng phải trau dồi kiến thức để "chiến đấu", truyền kiến thức các em", thầy Tùng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thầy cô không quyết tâm, làm sao học sinh vùng sâu thay đổi số phận? ảnh 8

Thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ tại chương trình.

Tăng tính bền vững, niềm hứng khởi trong dạy và học

Sau khi lắng nghe ý kiến của một số đại biểu tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Đảng, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt, coi công tác giáo dục và đào tạo là một trong những quốc sách hàng đầu, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng thuộc diện chính sách.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp mặt 68 thầy cô giáo tiêu biểu ảnh 3

Nhiều kiến nghị được gửi đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Với những tình cảm thân thiết nhất, đồng chí Vũ Đức Đam nhiệt liệt biểu dương những cống hiến, đóng góp quý báu của 68 đại biểu chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022, nhận định: Các thầy, cô giáo đến từ những nơi có điều kiện sinh hoạt, dạy và học khác nhau, nhưng cả đều có điểm chung là luôn tận tụy, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

“Nếu các thầy cô không có quyết tâm lớn như vậy, làm sao học sinh ở vùng sâu, vùng xa vươn lên thoát nghèo, thay đổi số phận của chính mình?”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp mặt 68 thầy cô giáo tiêu biểu ảnh 4

Các thầy, cô giáo trẻ chia sẻ tâm tư. 

Bày tỏ băn khoăn về những vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo hiện nay, đồng chí Vũ Đức Đam cho rằng, truyền thống hiếu học của dân tộc ta chính là tiền đề quan trọng để phát huy mạnh mẽ công tác giáo dục và đào tạo, trong đó cần đặc biệt tập trung vào bậc đại học và công tác dạy nghề.

Theo Phó Thủ tướng, thực tế đã chứng minh rằng: Những đất nước, vùng miền phát triển về giáo dục sẽ nhận được sự quan tâm, nhiều nguồn lực đầu tư hơn cả. Sự quan tâm đặc biệt, kỳ vọng lớn về giáo dục của dư luận hiện nay chính là động lực để khơi dậy sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trong cổ vũ, động viên, tri ân đội ngũ giáo viên trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp mặt 68 thầy cô giáo tiêu biểu ảnh 5

Tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và anh Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam tặng quà tri ân các thầy cô giáo.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (bên phải, ngoài cùng) vinh dự nhận quà tặng từ Phó Thủ tướng 

Từ những ý kiến của các thầy, cô giáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, hiện có nhiều loại tiêu chí phấn đấu, phong trào thi đua đang “làm khổ, làm khó” thầy, cô giáo, gián tiếp gây ảnh hưởng không tốt đến học sinh. Vì vậy, công tác giáo dục và đào tạo cần quan tâm hơn đến việc tăng cường hàm lượng tri thức, khoa học, tính bền vững, sự hứng khởi cho cả học sinh và giáo viên.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Hội LHTN Việt Nam, Bộ GD - ĐT cũng như các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, đồng hành, chăm lo thầy và trò ở vùng sâu, vùng xa; phối hợp chặt chẽ với tổ chức Đoàn, Hội các cấp triển khai thêm nhiều hoạt động thiết thực, phát huy trí tuệ, sức mạnh của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng các đại biểu chương trình sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện, trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm với nghề, ngày càng hoàn thiện về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “trồng người”.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Chi đoàn Giáo viên, Giáo viên phụ trách Đội tuyển Tin học trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam năm học 2022 - 2023 vinh dự được trò chuyện cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi gặp mặt