Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy: Người học văn luôn phải "văn" từ trong tâm hồn
35 năm lịch sử của trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam không chỉ để lại những dấu ấn, vị thế rõ ràng của một đơn vị giáo dục tiên phong, là lá cờ đầu trong ngành giáo dục Thủ đô, mà còn trở thành một phần ký ức quan trọng của đội ngũ những giáo viên đã gắn bó với trường trong khoảng thời gian dài. Tròn 35 năm ngày thành lập trường Hà Nội - Amsterdam, phóng viên Ams Wide Web đã có cơ hội được tìm hiểu và được chia sẻ về một nhà giáo tận tâm như thế: Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy - giáo viên chủ nhiệm lớp 10 Văn.
Trải qua một năm 2020 đầy biến động với những lo lắng về một kỳ thi chuyển cấp vướng phải dịch bệnh, 35 học sinh lớp 10 Văn khóa 20 - 23 đã bước đến Ams trong sự chào đón của cô Thủy - người mà trong những phút giây đầu tiên gặp mặt đã để lại trong chúng con ấn tượng sâu sắc. Lần đầu tiên được gặp người mẹ thứ hai trong 1000 ngày sắp tới tại Ams, chúng con đã được thấy cách cô nhắc nhở về trang phục và kỷ luật xếp hàng cho lớp, lắng nghe những quy tắc cô đề ra và được hiểu hơn về những gì một học sinh, đặc biệt là một học sinh chuyên Văn cần phải có. Các anh chị trong ngày Định hướng Orientation Day 2020 đã nói với chúng con rằng chúng con thật may mắn vì được theo học lớp cô chủ nhiệm. Và ngay từ phút giây ấy, khi ngồi trong căn phòng tràn ngập ánh nắng, lắng nghe những lời cô dặn dò, chúng con đã hiểu vì sao anh chị lại nói như vậy.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy trong ngày Khai giảng năm học 2020 - 2021
Văn học trong mắt người đời hẳn là một môn học khó nhằn, khó ngấm với những dòng chữ dài như không có điểm dừng. Nhưng cô đã dạy chúng con một điều rằng: Văn không chỉ là một môn học, cũng không chỉ dừng lại ở biên giới tình cảm hay tri thức bình thường, mà Văn còn làm cho con người sống nhân văn hơn. Hơn hết, một người học Văn cần phải sống sao cho đúng với phong thái của một người học Văn, tức là phải có một cuộc sống có tổ chức, làm sao để mình chẳng bao giờ phải vội vã, hối hả để rồi đầu bù tóc rối. Chẳng thế mà bỗng nhiên 10 Văn lại có cho mình một biệt danh cô vô tình đặt: Văn 2023 hớt ha hớt hải! Được học cô, chúng con không chỉ được học những bài giảng Văn học hay lắng nghe những chia sẻ rất thoải mái nhưng cũng mang nhiều chiêm nghiệm của cô mà còn được học cách sống, từ cách sống sao cho đúng đến cách sống sao cho đẹp.
Cô Thủy có mặt nghiêm khắc - nghiêm khắc trong cách ăn mặc, phong thái đi đứng của người học Văn - nhưng cũng có thật nhiều khoảnh khắc chúng con được nói chuyện thoải mái thật vui với cô, bị cô trêu đủ thứ trên trời dưới biển. Cô bảo rằng con gái học Văn thì cấm không được la cà ngoài hàng lang để ngắm con trai lớp khác, bởi con gái học Văn thì nhất định phải "làm giá" lên! Cô còn hết mình - một cách lặng lẽ - ủng hộ chúng con trong mọi hoạt động, từ việc tạo điều kiện cho chúng con tham gia vào Ngày Hội Anh Tài khi công việc làm Trại khối và tập Tài Năng Khối Chuyên lấp kín lịch của chúng con, hay cho chúng con những bữa ăn liên hoan bất ngờ với nhau mỗi khi cô thấy sự mệt mỏi của một đám học sinh đang bị "deadline dí". Chỉ mới gần 3 tháng được ở bên cô thôi mà sao chúng con đã thấy mình như được "chăm bẵm", "nuôi nấng" bởi một người mẹ thứ hai đúng nghĩa. Có lẽ, ở Ams, chúng con thật sự đã được trở về nhà, trong vòng tay của mẹ Thủy.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy (ngoài cùng bên phải) cùng các giáo viên khác tại trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam
Trong suốt những năm đứng trên bục giảng trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy đã dìu dắt nhiều khóa lớp Văn chuyên, trở thành người mẹ thứ hai của bao lứa học sinh và đóng góp không ít thành tích xuất sắc cho nhà trường. Nhưng có lẽ cống hiến lớn nhất của cô dành cho Ams là tình yêu nghề, tình yêu dành cho học sinh, dành cho những đứa con từng được cô dìu dắt. Cô Thủy là người lái đò qua dòng sông tri thức dài mênh mông vô tận, cũng là người dẫn lối mở ra cánh cửa hạnh phúc đến với 1000 ngày cấp ba diệu kỳ của chúng con.
Bởi Ams là nhà, và cô là người mẹ tuyệt vời nhất.
Trên bước đường dài 35 năm của trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam luôn có sự hiện diện và cống hiến của rất nhiều nhà giáo đáng kính. Cùng với Ban giám hiệu và tập thể học sinh, mỗi giáo viên đều đã góp vào Ams một phần của bản thân mình để tạo nên một Ams như ngày hôm nay. Thay mặt 35 đứa con vừa bỡ ngỡ nơi ngưỡng cửa Ams năm 35 tuổi của lớp 10 Văn khóa 20 - 23, con xin gửi đến toàn thể giáo chức trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam nói chung và cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy - mẹ Thủy của con - nói riêng lời tri ân sâu sắc nhất.
PV: Thái An - Văn 2023
Ảnh: Facebook cô giáo Huỳnh Ái Tâm