The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

[MỪNG NGÀY 20/11] Thầy giáo Bùi Huỳnh Thân - “Hãy luôn nhìn nhận cuộc sống theo chiều hướng tích cực”

Post by: webams | 20/11/2016 | 3572 reads

Thời gian cứ thấm thoắt trôi đi chẳng đợi một ai. Sớm thôi, chúng ta sẽ phải rời xa mái trường yêu dấu của mình để bước vào một ngưỡng cửa khác của cuộc đời. Song, khi nhìn lại, nào ai quên được những người thầy, người cô đã âm thầm thức đêm để soạn giáo án, ngày ngày đứng trên bục để giảng những bài học cả trăm, cả nghìn lần với một ước mong duy nhất là hoàn thành sứ mệnh của “người lái đò”? Bởi vậy mỗi năm, ta lại có một dịp để tỏ lòng biết ơn và tri ân sâu sắc đối với công lao của họ. Trong không khí hân hoan chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam sắp tới đây, tôi đã có cơ hội được gặp gỡ thầy giáo Bùi Huỳnh Thân, người đã gắn bó với trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam từ những ngày đầu trong suốt hơn 30 năm qua.

Thầy Bùi Huỳnh Thân với nét thân thiện, gần gũi với học trò

PV: Thời gian đầu làm việc tại trường chắc hẳn thầy gặp phải rất nhiều khó khăn, thầy có thể chia sẻ đôi điều về những vấn đề đó không ạ?

Thầy bắt đầu dạy học ở trường mình từ hồi tháng 9/1985, tính đến nay cũng đã 31 năm trôi qua rồi. Hồi đấy trường ta dù mới xây nhưng cơ sở vật chất còn nghèo nàn lắm. Đặc biệt là đối với thể thao thì nhà trường còn chưa chú trọng như bây giờ, mãi về sau mới có sự nâng cấp dần. Ngoài ra, việc thầy là dân ngoại thành chuyển về đây sinh sống và công tác cũng gây ra nhiều cái bất cập. Gia đình thầy khi ấy chưa chuyển về Hà Nội được buộc thầy phải đi lại rất nhiều nên nhiều khi thầy thấy rất mệt mỏi. Nhưng qua thời gian, thầy cũng đã tìm được cách để hòa nhập với lối sống mới này và tập trung dồn sức cho công việc giảng dạy.

PV: Em được biết thầy có thói quen chơi bóng rổ cùng với các bạn học sinh trong trường. Đôi lúc thầy còn tranh thủ vài phút ngắn ngủi của giờ nghỉ để chơi bóng. Làm thế nào mà mặc dù tuổi đã cao nhưng thầy vẫn giữ được “phong độ” như vậy ạ?

Nó là cả 1 quá trình em ạ. Khi còn trẻ, thầy học ở Đại học Cán bộ Thể thao với chuyên ngành là bóng rổ. Chính vì vậy mà thầy đã thích vận động từ rất lâu rồi. Thầy đã quen với điều đó nên bây giờ cũng như vậy thôi. Nếu ai không chơi thường xuyên thì sẽ không thích ứng được. Thực ra, một phần cũng vì nhiều lúc được chơi với học trò của mình thầy cũng là một thú vui và điều đấy khiến thầy cảm thấy thoải mái.

PV: Liệu có phải ngay từ khi học Đại học, thầy đã xác định sẽ trở thành một giáo viên bộ môn thể dục không ạ? Điều gì đã đem thầy đến với nghề này?

Thời đó sau khi tốt nghiệp ra trường thì thầy được phân công công tác tại trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam. Ngày ấy không ai được chọn nghề theo sở thích như bây giờ mà trên Bộ chỉ thị thế nào thì mình làm theo thôi. Thực ra nó cũng là một điều ngẫu nhiên. Những người khác được phân làm huấn luyện viên, cán bộ,... thì thầy được chọn làm giáo viên. Như vậy cũng có thể nói là nghề chọn thầy chứ không phải thầy chọn nghề. Song khi ngày càng được tiếp xúc nhiều với các đồng nghiệp, các học sinh cũng như môi trường nơi đây, thầy càng cảm thấy may mắn vì mình đã trở thành giáo viên. Có thể nói chính tình cảm thầy trò suốt 31 năm qua đã hình thành tình yêu nghề của thầy.

Hình ảnh giản dị của thầy Bùi Huỳnh Thân đã để lại nhiều ấn tượng cho các Amsers

PV: Trải qua 31 năm cùng mái trường này, thầy cảm thấy bản thân có ấn tượng sâu sắc nhất với điều gì?

Ngay từ khi mới bắt đầu công tác tại trường, thầy đã rất bất ngờ trước sự giúp đỡ nhiệt tình từ các bậc đàn anh. Họ đều là những người không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn giàu kinh nghiệm. Vậy nên thầy thấy rất vinh dự và cảm ơn những người tiền bối ấy khi được họ tận tình chỉ bảo. Ấn tượng thứ hai của thầy chính là các bạn học sinh ở đây. Các em đều rất thông minh, nhanh nhẹn và tiếp thu tốt đến ngạc nhiên. Học sinh trường ta luôn nổi tiếng về trí tuệ cũng như sự năng động nên đây là điều mà thầy thấy tự hào hơn cả.

PV: Theo thầy, các bạn học sinh của trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam có những điểm mạnh nào nên được phát huy và những điểm yếu gì cần phải khắc phục?

Các em có rất nhiều ưu điểm. Ngoài việc học giỏi, các em còn có sự nhận thức rất tốt và lối suy nghĩ thoáng. Sự nhanh nhạy giúp các em thích nghi nhanh với hoàn cảnh và phát triển sự tư duy rất tốt. Hơn nữa, việc trường ta có nhiều hoạt động và các câu lạc bộ đã thể hiện rằng học sinh trường Ams rất năng động, hoạt bát. Tuy nhiên, bên cạnh đấy, thầy cũng muốn góp ý đôi điều. Thời nay các em được tiếp xúc với công nghệ hiện đại nhiều hơn so với hồi trước cộng với việc phần lớn học sinh chỉ tập trung vào những môn như Toán, Hóa, Văn…. mà bỏ bê môn Thể dục. Theo thầy, cái gì cũng cần phải đi từ căn bản mới giỏi được chứ không nên cắt bỏ giai đoạn như thế. Thể dục nó cũng là vận động thôi và thầy nghĩ điều đấy là cần thiết đối với mỗi bạn học sinh.

Thầy giáo Bùi Huỳnh Thân, giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trao cờ lưu niệm cho các đội.

PV: Thầy có lời nhắn nhủ nào muốn gửi tới các Amsers không ạ?

Các em hãy giữ lấy sự năng động, sự thông minh và phát huy chúng. Hãy luôn biết nhìn nhận cuộc sống theo chiều hướng tích cực và sống thoải mái, vui vẻ. Nhưng mà đừng quá đà là được, mọi thứ đều nên có điểm dừng.

Ngoài ra, thầy cũng mong các em luôn giữ được nét cá tính, biết cách thể hiện cái tôi của mình nhưng cũng cần lưu ý hãy ứng xử sao cho khôn khéo.

Em xin cảm ơn thầy đã dành thời gian cho buổi gặp gỡ ngày hôm nay. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, em xin chúc thầy luôn hạnh phúc bên gia đình và sức khỏe dồi dào để được cùng học trò của mình tham gia những trận bóng rổ nhiều hơn nữa.

Chắc hẳn sự thân thiện, cởi mở và hòa nhã từ lần đầu gặp gỡ đã giúp thầy Bùi Huỳnh Thân luôn được sự yêu mến rất nhiều học sinh trong trường. Song, câu hỏi mà thầy đã đặt ra cho tôi trước cuộc trò chuyện mới là điều đã để lại trong tôi một ấn tượng khó phai:“ Tại sao em lại phỏng vấn thầy? Thầy chỉ là một giáo viên Thể dục bình thường, đâu có thành tích gì?”. Quả thực, tôi rất bất ngờ. Có lẽ chính sự khiêm tốn đó và những dòng tâm sự trên đây đã giúp tôi hiểu hơn về tấm lòng chân thành của một người thầy yêu nghề, yêu học trò bằng 30 năm thanh xuân của cuộc đời.

PV : Linh Vân - Anh1 1619

Nguồn ảnh: Lường Thục Uyên - Tin 1518

Tạp Chí Thể Thao