The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

[Mừng ngày 20/11] Gặp gỡ cô giáo Nghiêm Thị Hồng Hạnh - người thắp ánh sáng tới mọi nẻo đường

Post by: webams | 18/11/2016 | 4232 reads

Là một thành viên của đại gia đình Hà Nội - Amsterdam, hẳn mỗi bạn học sinh luôn muốn tìm hiểu nhiều hơn về thầy cô-những người mẹ,người cha thứ hai mến yêu! Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam đang đến gần, chúng mình hãy cùng trò chuyện với một cô giáo vô cùng đáng mến và được rất nhiều bạn học sinh yêu quý nhé! Đó chính là cô Nghiêm Thị Hồng Hạnh - giáo viên bộ môn Toán-Tin của trường mình đồng thời hiện đang là cô giáo chủ nhiệm lớp 11 Tin. Ấn tượng khó phai của tôi về cô là hình ảnh một cô giáo với ngoại hình nhỏ nhắn nhưng có tấm lòng yêu nghề, yêu thương học sinh.

PV: Em chào cô ạ, em rất cảm ơn cô đã nhận lời tham dự cuộc phỏng vấn. Lời đầu tiên, cô có thể chia sẻ những cảm nhận của mình về mái trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trong từng ấy năm cô làm việc và gắn bó?

Cô làm việc ở Ams từ năm 2007, tính đến bây giờ đã là hơn 9 năm. Cô thấy mình là một người vô cùng may mắn khi được làm việc trong môi trường Ams - môi trường vui vẻ, thân thiện, có nhiều nhân tài và cũng nhiều thử thách, buộc mình lúc nào cũng phải cố gắng vươn lên và hoàn thiện bản thân. Các bạn Amser nhìn chung khá tinh nghịch nhưng lại rất đáng yêu và tình cảm. Cô luôn hết lòng mình vì các bạn và các bạn cũng luôn hết lòng với cô. Cô coi đó là một niềm hạnh phúc rất ý nghĩa trên chặng đường làm giáo viên của mình.


Cô giáo Hồng Hạnh (thứ 2 từ trái sang) trong ngày khai giảng năm học 2016-2017

PV: Sắp tới ngày 20/11 - Ngày nhà giáo Việt Nam, cô có những chia sẻ hay kỷ niệm nào mà cô ấn tượng về một người thầy hay học trò của cô không ạ?

Cô vô cùng cảm ơn một cô giáo đã giảng dạy cô từ hồi cấp 3 và hiện tại cũng đang là đồng nghiệp của cô ở trường. Chính vì nhờ cô ấy mà cô mới có ước mơ làm giáo viên. Chứ thực  ra mong ước của cô suốt từ năm lớp 7 đến năm lớp 12 là được làm bác sĩ. Tới những năm học trung học phổ thông cô mới gặp cô giáo chủ nhiệm này, và từ ấy ước mơ của cô dần thay đổi. Cho đến khi cô vừa đỗ đại học cả hai trường là Đại học Y và Đại học Sư phạm Hà Nội, cô đã gặp ngay cô giáo ấy, và cô quyết định sẽ theo nghề giáo viên. Cô nhớ thời sinh viên dù còn khó khăn nhưng cứ vào ngày 20/11, cô lại rủ các bạn tới nhà thăm cô giáo ấy. Bản thân cô nghĩ, có những người mà đối với mọi người có thể rất bình thường nhưng đối với mình, họ đã tạo cho mình những ước mơ và là những người vô cùng đặc biệt và quan trọng.

Còn về học trò, có một em nhỏ mà cô rất ấn tượng. Thực ra em ấy không học trong trường mình, cô chỉ dạy em trong một thời gian ngắn thôi. Hôm đó cũng gần ngày 20/11, sau khi tan học thì mọi người đều vội vã trở về. Còn em ấy chạy khắp nơi để tìm cô và tặng cô một cái thiệp em ấy tự tay làm. Dù cái thiệp ấy hơi vụng về, nguệch ngoạc nhưng với cô, hành động của em ấy thật ý nghĩa và làm cô xúc động vô cùng.

Cô giáo Hồng Hanh chụp ảnh kỉ niệm cùng người thầy của mình trong lễ kỉ niệm 30 năm thành lập trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam

PV: Là một giáo viên trẻ, hẳn cô đã gặp khó khăn trong việc giáo dục học sinh, đặc biệt là đới với bậc trung học - lứa tuổi đang lớn, đang trưởng thành, đôi khi có những suy nghĩ bồng bột. Vậy cô đã làm thế nào để giải quyết những khó khăn ấy?

Từ khi còn rất trẻ,mới ra trường, tầm 24-25 tuổi thôi, cô đã nhận thấy rằng: Để có thể định hướng và giáo dục các bạn học sinh, thì trước tiên,mình phải sống và nghĩ như các bạn. Có như vậy, mình mới hiểu các bạn ấy cần gì, muốn gì, thích gì và gặp những khó khăn gì trong tâm lí, tình cảm. Đó là nguyên tắc thứ nhất của cô. Nguyên tắc thứ hai là cô rất đề cao tinh thần tự giác. Khi các bạn lên học cấp 3 là phải tự tách dần khỏi bố mẹ, phải tự làm tự quyết định nhưng vẫn dưới sự giám sát của bố mẹ, thầy cô. Nguyên tắc thứ ba là cô giáo phải hoàn toàn có thể chia sẻ, trò chuyện với học sinh như hai người bạn. Đó có thể là những vấn đề các bạn ngại nói với bố mẹ nhưng có thể nói, t âm sự với cô. Thực ra cô thấy cái trẻ của cô dù có nhược điểm là ít kinh nghiệm hơn so với thầy cô khác nhưng đó cũng là một lợi thế, người trẻ sẽ dễ gần với người trẻ hơn.


 

Những tấm ảnh lưu giữ kỉ niệm đẹp của cô giáo cùng các học trò trong Ngày hội Áo dài

PV: Cô có suy nghĩ gì về tình thầy trò từ những ngày đầu cô ở trường so với hiện tại?

Thực ra cô thấy bản chất về tình thầy trò trong trường thì không có sự thay đổi gì nhiều, vẫn gắn bó thân thiết. Nhưng cách quan tâm, cách chia sẻ thì mỗi một thế hệ lại khác đi. Cô làm việc với các bạn khối Tin, các bạn ấy tuy không có nhiều sự khéo léo, đôi khi tồ tệch nhưng các bạn ấy có cách thể hiện tình cảm chân thật. Các bạn học sinh cũ của cô vẫn thường xuyên quay lại thăm cô,tìm đến cô để tâm sự, chia sẻ, nhờ cô cho những lời khuyên khi các bạn gặp khó khăn. Còn về các bạn học sinh hiện tại, cô thấy các bạn năng động, nhanh hơn, đôi khi nhanh luôn cả trong diễn biến cảm xúc của mình, độ lắng lại có thể ít đi. Có thể các bạn quý thầy quý cô, nhưng để hỏi rằng: quý thầy cô ấy như vậy, bạn biết gì về thầy cô ấy không? Cô nghĩ là vẫn còn ít, và theo cô, hai người quý mến nhau thì cần có sự chia sẻ, tìm hiểu hai chiều.

PV: Vậy cô có lời nhắn nhủ gì tới thế hệ học sinh ngày nay của Nhà trường?

Các bạn rất giỏi, vậy nên hãy dám ước mơ, đừng bỏ qua bất cứ cơ hội nào dành cho bản thân, trong mọi lĩnh vực. Hãy mạnh dạn thử, để biết mình thực sự cần gì, muốn gì. Đặc biệt, các bạn cần giữ gìn, phát huy những truyền thống tốt đẹp của một Amser.

Cô Hạnh luôn gần gũi, lắng nghe và sát cánh bên “những đứa con thơ”

Đó là những chia sẻ và cảm nhận hết sức sâu sắc của cô giáo Nghiêm Thị Hồng Hạnh. Đằng sau dáng vẻ ngoài nhỏ nhắn của người phụ nữ ấy là một tấm lòng luôn tận tâm với nghề nhà giáo, một trái tim nhiệt huyết sẵn sàng lắng nghe chia sẻ của học trò, thắp sáng ngọn lửa đam mê cho mọi thế hệ học sinh. Mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng em xin gửi đến cô những bó hoa Tri ân tươi đẹp nhất, chúc cô cùng tất cả thầy cô giáo trong Nhà trường sức khỏe, hạnh phúc dồi dào và gặp nhiều thành công trên chặng đường chèo lái con đò, dẫn dẳt học sinh tới bến bờ tương lai!

                                                                                      PV: Đỗ Hồng Hạnh – Văn 1518

(Nguồn ảnh: Sưu tầm)