The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

[Mừng ngày 20/11] Thầy giáo Trần Văn Năng - Đến với nghề giáo như một duyên phận

Post by: webams | 15/11/2016 | 4683 reads

Bước vào cuộc đời với nhiều điều kì thú nhưng cũng không thiếu những thử thách, chúng ta không chỉ phải chuẩn bị cho mình một vốn kiến thức sâu rộng mà còn phải có những kĩ năng sống để có thể tiến đến những mục đích bản thân đặt ra. Là một học sinh của trường Hà Nội- Amsterdam, tôi đã luôn được nghe, được dạy về những kĩ năng cần thiết ấy trong những tiết học thú vị của thầy giáo Trần Văn Năng – giáo viên bộ môn Giáo Dục Công Dân. Hôm nay, chúng ta hãy cùng gặp gỡ người thầy vô cùng nhiệt huyết này nhé!

PV: Đầu tiên, em cảm ơn thầy vì đã nhận lời phỏng vấn của em hôm nay ạ. Thầy có thể chia sẻ cho chúng em lí do thầy chọn nghề giáo được không ạ?

Thầy Năng: Thầy chào em! Thực sự lựa chọn ban đầu của thầy không phải là nghề giáo. Ngày xưa mẹ thầy cũng là giáo viên và thầy thỉnh thoảng được đi theo mẹ đến lớp nên cũng có ấn tượng; lớn thêm một chút nữa thì cũng hiểu biết hơn và trân trọng công việc mà các thầy cô của mình đang làm. Rồi tất cả như một duyên phận: thầy đã đến với nghề giáo.

PV: Giữa rất nhiều môn học, tại sao thầy lại chọn môn học Giáo Dục Công Dân để dẫn dắt các lứa học sinh ạ?

Thầy Năng: Thầy chọn bộ môn này là do thầy giáo cấp 3 và cô thực tập dạy bộ môn của thầy: thầy rất yêu quý hai thầy cô và phong cách của họ, vì vậy thầy luôn thấy mình được truyền cảm hứng từ hai thầy cô ấy. Mỗi giờ học Giáo Dục Công Dân luôn là một giờ học rất cuốn hút thầy, chính vì lẽ đó thầy chọn khoa Mác-Lenin. Tốt nghiệp khoa này có thể dạy được rất nhiều bộ môn ở các trường chuyên nghiệp; còn nếu dạy ở bậc THPT thì thầy có thể giảng dạy bộ môn Giáo Dục Công Dân.

Thầy giáo Trần Văn Năng

PV: Mỗi môn học đều đem lại cho học sinh kiến thức cần thiết cho tương lai , vậy đối với thầy, bộ môn Giáo Dục Công Dân đã đem lại những bài học gì cho các lứa học sinh ạ? 

Thầy Năng: Đối với thầy, môn học Giáo Dục Công Dân đem lại cho học sinh sự hiểu biết về các phạm trù đạo đức rất cơ bản mà mỗi con người cần phải góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp trong họ như Lương tâm, nhân phẩm, danh dự, nghĩa vụ, hạnh phúc, lòng tự trọng, tình bạn, tình yêu,…rồi hiểu biết về chế độ kinh tế, chính trị, pháp luật, các chính sách của nhà nước ta... 

Hơn thế nữa, thông qua các bài học; học sinh được bày tỏ quan điểm phản biện của mình về các vấn đề của đất nước liên quan đến chủ đề của tiết học; để rồi từ đó học sinh hiểu biết hơn về mọi mặt của đời sống, biết phân tích các vấn đề và nhận thức được vai trò công dân của mình đối với đất nước.

PV: Trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam là niềm tự hào của biết bao thế hệ thầy trò, vậy thầy có thể chia sẻ cảm xúc khi là một giáo viên của ngôi trường này không ạ ?   

Thầy Năng: Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2001 thầy có nhiều cơ hội trải nghiệm công việc giảng dạy ở một vài trường chuyên nghiệp và THPT ở Hà Nội. Rồi qua bạn bè và qua tìm hiểu về trường Ams thì thầy rất có ấn tượng và cảm thấy rằng đây là nơi thuộc về mình. Chính vì điều đó mà thầy nỗ lực không ngừng tự hoàn thiện mình để trở thành một thành viên của trường Hà Nội- Amsterdam.

Đây là một ngôi trường tuyệt vời nhất mà thầy được trải nghiệm; được làm việc với những đồng nghiệp rất xuất sắc,chuyên nghiệp, tận tâm, yêu thương học sinh vô điều kiện; được hợp tác với các thế hệ học sinh hàng đầu của thủ đô và cả nước rất giỏi, ngoan, năng động và đáng yêu… cho nên dù có nhiều cơ hội làm việc ở các môi trường khác nhưng thầy vẫn gắn bó với trường cho đến tận bây giờ và cả sau này nữa.

PV : Chắc hẳn với nhiều năm trong nghề, thầy đã có rất nhiều những kỉ niệm trong ngày 20/11.  Thầy có thể chia sẻ một kỉ niệm đáng nhớ với thầy trong ngày này không ạ?

Thầy Năng : Ngày 20-11 mỗi năm đối với thầy đều có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Chia sẻ một kỷ niệm thì ít quá. Trong nhiều kỷ niệm đó thì thầy rất ấn tượng với một số bạn học sinh đã học và đang học tại trường thường gửi thiếp hay nhắn tin bày tỏ tình cảm đối với thầy. Những tin nhắn này rất đặc biệt và là món quà vô giá đối với những người làm nghề như thầy; nó chính là động lực để thầy và những thầy cô khác nỗ lực hết mình vì các thế hệ học sinh thân yêu. 

PV: Là một học sinh được thầy dạy môn Giáo Dục Công Dân, em luôn thấy rằng những tiết học của thầy thú vị và sôi nổi, thầy có thể chia sẻ “bí quyết” trong việc giảng dạy của mình không ạ?

Thầy Năng:  Đối với thầy, để tiết học thú vị, sôi nổi và học sinh hứng thú, thích học môn Giáo Dục Công Dân thì cần rất nhiều yếu tố. Đầu tiên, kiến thức chuyên môn của người thầy phải sâu và vững, trong mỗi tiết học, ngoài sách giáo khoa thầy phải liên hệ thực tế phù hợp cho từng bài giảng để những kiến thức các em học được sẽ được áp dụng vào thưc tế một cách tốt nhất. Thầy cũng luôn rất muốn lắng nghe học sinh thể hiện quan điểm cá nhân trong các vấn đề liên quan tới bài học.

Bên cạnh đó, thái độ của giáo viên cũng rất quan trọng, thầy nghĩ rằng yêu thương, hòa đồng, tôn trọng học sinh thì sẽ luôn nhận được sự yêu quý của học trò.

PV: Ngày 20/11 sắp tới , thầy có lời gì muốn nhắn nhủ với các đồng nghiệp của mình - các thầy cô giáo đang hàng ngày làm công việc “ truyền lửa” đáng trân trọng này không ạ?

Thầy Năng: Nhân ngày 20-11 xin kính chúc các thầy cô và các đồng nghiệp liên quan tới công việc dạy và học có nhiều sức khỏe, lòng yêu nghề để làm tốt công việc của mình.

Em xin cảm ơn những lời chia sẻ vô cùng chân thành của thầy. Xin thay mặt toàn thể học sinh trường Hà Nội – Amsterdam, em kính chúc thầy luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, luôn nhiệt huyết, tận tụy với nghề giáo, luôn là “người lái đò” đưa các lứa học sinh đến với bến bờ tương lai. 

PV: Nguyễn Bội Minh Hà – 11 Văn