TẾT TRONG TIM TÔI
“ Tết tết tết tết đến rồi
Tết đến trong tim mọi người...”
Giai điệu nhanh, vui tươi hoà vang trong không khí đất trời tràn ngập sắc xuân và trong lòng người. Những bài hát nhộn nhịp, trẻ trung về Tết cứ lần lượt được phát lên từ loa phát thanh của cả ngõ như là một báo hiệu cho dịp Tết đã sắp gần kề. Tâm trạng tôi cũng nhờ đó mà phấn chấn, náo nức chờ đợi chuẩn bị tâm thế đón Tết. Ngày Tết đối với tôi không chỉ là một nét đẹp văn hóa của người Việt mà còn là dịp rất ý nghĩa với cả gia đình.
Gần đến Tết, ngoài trời càng thêm lạnh, những cơn gió mạnh mang theo những hạt mưa phùn lất phất càng khiến thời tiết thêm khắc nghiệt. Nhưng trong lòng tôi lại cảm thấy vô cùng ấm áp khi nghĩ tới Tết - dịp mà cả gia đình sum vầy. Ba tôi là người Campuchia, ba có công việc ổn định ở bên đó nên chủ yếu là ba sống ở bên kia, cứ cách hai, ba tháng ba lại sang thăm hai mẹ con nhưng cũng chỉ được vài ngày. Còn lại là những cuộc điện thoại ba gọi về mỗi buổi tối nên tôi rất nhớ ba. Chỉ có đến Tết, ba sang ăn Tết cùng hai mẹ con thì mới lâu. Do đó Tết đã trở thành một ngày có ý nghĩa rất lớn đối với gia đình tôi.
Tết đến cả nhà được sum vầy, quây quần bên bữa cơm tất niên, cùng nhau nhìn lại những gì chúng tôi đó làm được cũng như những thiếu xót trong năm qua và lập ra những mục tiêu cho năm mới đến. Sau đó là cùng đứng trước bàn thờ tổ tiên, cầu khấn cho một năm sẽ gặp nhiều điều tốt đẹp, may mắn. Và cái khoảnh khắc nhìn lên đồng hồ đếm từng giây để đón chờ thời khắc giao thừa, để ngắm nhìn những chùm pháo hoa sặc sỡ trên bầu trời thì không thể quên được.
Nhắc tới Tết là còn nhắc tới tục lệ mừng tuổi bằng những bao lì xì đỏ với hình thù xinh xắn, đáng yêu kèm theo là những lời chúc ý nghĩa từ người thân. Sáng mùng một Tết, tôi háo hức chờ xem người xông đất cho nhà mình là ai và còn bao lì xì đầu tiên nữa chứ. Dần dần, khắp không gian phòng khách đông đúc người, toàn là họ hàng đến nhà tôi chúc Tết. Mọi người đều mừng tuổi ông bà trước, chúc ông bà sống thật lâu thật khoẻ mạnh và hạnh phúc bên nhau. Rồi mới tới bọn trẻ con chúng tôi được lì xì, luôn được chúc sang năm mới phải học thật giỏi, chăm ngoan và mạnh khoẻ. Khắp nhà rộn rã tiếng cười, tiếng mọi người nói chuyện kể về kết quả của năm cũ. Ai nấy đều hạnh phúc, rạng rỡ trong bộ quần áo mới đi chơi Tết. Cùng hài hoà trong màu sắc rực rỡ của trang phục là sắc hồng đậm nhưng vẫn dịu dàng của cành đào ngày Tết thi nhau nở rộ, đón mừng năm mới.
Ngày Tết thì không thể thiếu những món ăn ngon, đặc trưng của Việt Nam. Trong mâm cơm vào dịp Tết thì không thể thiếu được bánh chưng xanh, thứ bánh tượng trưng cho đất trong truyền thuyết của Vua Hựng xưa. Bên ngoài được gói thành hình vuông bằng lá rong trông rất đẹp mắt. Bên trong bánh chưng được làm từ gạo nếp, do đó ăn rất mềm, nhân có đậu xanh, thịt lợn. Tất cả tinh hoa của đất đều được gói gọn, hội tụ hết trong chiếc bánh này.
Đặc biết dịp Tết nào cũng vậy, ba mẹ cho tôi đến Văn Miếu Quốc Tử Giám để xin chữ mong cho sự nghiệp của ba ngày càng đi lên, mẹ thì chỉ mong sức khỏe dồi dào còn tôi thì cầu cho việc học hành thật tốt, đạt kết quả cao. Thường vào mùng một, mùng hai Tết mọi người đến đây rất đông nhưng họ không chen lấn, xô đẩy nhau mà vẫn xếp thành hàng dài để vào trong xin chữ, có người còn bắt chuyện, chào hỏi người bên cạnh. Dường như, Tết đến còn giúp mọi người gắn kết với nhau hơn, giúp ta tạo nên một mối quan hệ tốt đẹp trong năm mới.
Không hẳn là tất cả mọi thứ nhưng đó đều là những nét đặc trưng tạo nên cái Tết cho riêng tôi, bên người thân, tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và còn làm quen thêm được nhiều người, nhận lì xì...Tôi cũng phải nói lời cảm ơn Tết vì đã đem đến những điều tuyệt vời như thế này và hơn thế nữa đã cho tôi biết được những người thân quan trọng với tôi như thế nào để tôi có thể bày tỏ tình cảm của mình với họ, mang những lời chúc tốt đẹp nhất tới họ. Tôi yêu Tết, yêu tất cả những gì Tết đã đem lại không chỉ cho riêng tôi mà còn cho mỗi người Việt Nam.
Yin Bùi Bích Lan – 10H2
2014-2017