The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Ký sự vùng cao (phần 1)- Niềm xúc động gọi thành tên!

Post by: myph | 03/12/2014 | 4782 reads

Là một chương trình truyền thống thiết thực, đầy ý nghĩa được tổ chức hàng năm với mong muốn tuyên truyền, vận động những nhà hảo tâm đến với những mảnh đời còn nhiều bất hạnh, cô đơn; giáo dục học sinh về lòng nhân đạo, tương thân, tương ái, chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn, éo le trong xã hội, có nhận thức và trách nhiệm hơn với các vấn đề xã hội, được sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu Nhà trường, Công đoàn Nhà trường đã tổ chức cuộc vận động Từ thiện hướng về vùng cao Sơn La. Chương trình nhận được sự ủng hộ từ những tấm lòng vàng của Cán bộ - giáo viên - nhân viên Nhà trường, phụ huynh và học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam. Trong 3 ngày 28,29,30/ 11/2014, chúng tôi đã có chuyến từ thiện tới vùng Sơn La. Nhờ sự giúp đỡ, đồng hành và hỗ trợ đặc biệt của Bệnh viện Quân y 103, chuyến đi đã thành công và để lại nhiều dư âm...

Đặt chân tới vùng đất Sơn La- vùng đất giáp ranh trên biên giới Việt- Lào, đi cả ngày trời nơi những con dốc của địa hình hiểm trở, đặt chân đến nơi đây, bỗng thấy trái tim hòa cùng một nhịp: Rung động trước sự chuyển mình của thiên nhiên đồng bằng phồn hoa đến bức tranh hoang dại của tầng tầng lớp lớp mây mây, núi núi trên hơn 300 km chặng đường; Xúc động trước hình ảnh những đứa trẻ con còi cọc, chân đất, đứng cheo leo trên những vách đá cao, trước tình quân dân như cá-nước của bệnh viện Quân y và các anh bộ đội biên phòng với bà con; Cảm động trước những giọt nước mắt của cô giáo vùng cao kiên trì, bản lĩnh và đầy hi sinh; Lay động bởi những tình bạn đẹp mà không đi sẽ bỏ lỡ những cơ hội kết bạn trong cuộc đời… 

 

Thứ 6 ngày 28/11/2014

Ngay từ 5 giờ sáng, Cô giáo Ninh Hạnh Quyên- Chủ tịch công đoàn cùng các tình nguyện viên đã có mặt tại trường để chuẩn bị, sắp xếp những thùng sách vở, quần áo, lương thực, quà bánh từ tấm lòng thiện nguyện của tập thể cán bộ- giáo viên- nhân viên và học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam gửi tới đồng bào vùng Sơn La. Theo đoàn đi từ thiện có cô giáo Nguyễn Thanh Phương (Nguyên Tổ trưởng tổ Tổ xã hội- Đại diện hội Cựu giáo chức Nhà trường - trưởng đoàn), Cô giáo Nguyễn Thị Thơm (tổng phụ trách Đội), cô giáo Phạm Hà My (GV Ngữ văn). Đây là lần thứ hai, đoàn giáo viên trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam được đồng hành cùng các anh "bộ đội Cụ Hồ"- những bác sĩ mặc áo lính vui vẻ, sôi nổi, tận tâm: Tiến sĩ Đặng Duy Quý (Trưởng ban Giáo vụ-KHCN bệnh viện Quân y) và hai đồng chí đại diện bệnh viện Quân y 103. Thật tình cờ, trong cuộc nói chuyện vui vẻ trên chuyến xe, chúng tôi được biết đồng chí Quý là phụ huynh cựu học sinh Đặng Yến Lan - Hóa 10-13- một học sinh có nhiều triển vọng, 2 lần đạt giải quốc tế nghiên cứu Khoa học, hiện đang theo học tại một trường đại học danh tiếng tại Mỹ. Mặc dù đi chặng đường dài nhưng những cuộc trò chuyện, chia sẻ sôi nổi đã khiến cả đoàn quên hết mệt mỏi. 

Dọc đường đi, núi rừng bao la như mở ra chào đón chúng tôi. Những con đường uốn khúc nối dài chạy quanh những dãy núi đá cổ kính, im lìm trong sương mờ như bản trường ca của thiên nhiên hùng vĩ. Dừng lại bên chân đèo Thông Khe, chúng tôi đã có dịp chiêm ngưỡng và ghi lại những bức hình quý giá về không gian mở rộng ngút tận chân trời của thiên nhiên núi rừng phía Tây Bắc Tổ quốc

  

 

14 giờ cùng ngày, chúng tôi đã tới trao quà và làm việc cùng Ban lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện Mai Sơn, Sơn La. Đón tiếp chúng tôi, có Ông Trần Xuân Yến- trưởng phòng GD-ĐT, bà Hà Thị Bình- phó trưởng phòng GD-ĐT, ông Nguyễn Quang Ngọc- Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục huyện Mai Sơn. Trong cuộc trò chuyện, trao đổi, được biết cả huyện có 28 trường THCS, 43 trường tiểu học và 29 trường mầm non với hơn 2000 giáo viên.Học sinh trên địa bàn đa dạng văn hóa vùng miền các dân tộc: Kinh, Mông, Kháng, La Ha, Khơ Mú, Sinh Mun, Dao, Lào,… Trong những năm vừa qua, thành tích học sinh giỏi và chất lượng học sinh ở mức khá, đa số học sinh chăm chỉ, chịu khó học nhưng nhiều em gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về sách vở, quần áo,… Đại diện trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, các cô giáo trong đoàn từ thiện đã trao tặng quà gồm quần áo, đồ dùng học tập, sách vở và tổng nguồn kinh phí 60.000.000 (sáu mươi triệu đồng) trong đó: viếng thăm gia đình cô giáo Hà Thị Phượng- cô giáo vùng cao qua câu chuyện được nghe chia sẻ và dành 110 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thuộc xã vùng cao biên giới, có đường biên giới giáp với tỉnh Hùa Phăn, Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

 Đại diện giáo viên trường THPT Chuyên HN- Amsterdam chụp ảnh lưu niệm cùng bà Hà Thị Bình- phó trưởng phòng GD-ĐT

Thư cảm ơn của Phòng Giáo dục Đào tạo Mai Sơn gửi tới tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trường THPT chuyên HN-Amsterdam

Sau một thời gian làm việc nhanh chóng, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình lên Na Hiên- một trong những vùng khó khăn nhất huyện. Những con đường rừng núi lại dựng đứng và chứa đầy nguy hiểm đang mở ra trước mắt. Địa hình khúc khuỷu, quanh co, lại khó đi nên chúng tôi được đồng chí Nguyễn Quang Ngọc- Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục huyện Mai Sơn dẫn đường. Vượt qua những con dốc gập ghềnh, càng lên cao, chúng tôi càng ngạc nhiên và hứng thú trước thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ nơi đây

 

 

 

 Trên đường đi, chúng tôi cũng được ông Ngọc kể chuyện về cuộc sống của giáo viên và học sinh vùng cao. Na Hiên là một điểm nghèo nàn, khó khăn, cách xa trung tâm thành phố, đường đến lại gập ghềnh, sóng điện thoại hầu như không phủ sóng tại nơi đây, nhiều nơi không có điện. Đây là địa bàn cư trú chủ yếu của dân tộc Mông, Thái và Sinh Mun. Việc vận động học sinh tới trường là một điều không hề giản đơn, vào những ngày mùa, học sinh theo cha mẹ lên nương rẫy hết. Đường đi rất trắc trở, nhiều em đi bộ 7-8 km để tới trường. Nhiều điểm trường, ô tô không lên nổi do độ dốc đứng của những con đường. Những ngày mưa, đường trơn trượt, lầy lội, các cô giáo vùng cao phải tự lấy xích quấn vào những bánh xe để vượt qua vài con dốc dài dựng đứng đường đất đỏ, tới những ngôi trường nằm cheo leo trên triền đồi. Ngày nắng bụi mù mịt còn ngày mưa thì trơn như bôi mỡ, đi lại là cả một vấn đề. Việc té ngã trên những đoạn đường dốc là việc thường xuyên.  Hình ảnh những chiếc xe quấn xích chính là sáng kiến, là bản lĩnh, là tâm huyết với nghề của những giáo viên vùng cao kiên cường.

Hình ảnh những chiếc xe quấn xích quen thuộc (ảnh: internet)

Cũng trong chuyến đi, qua Dốc Chạm Cỏ, chúng tôi đã được nghe kể về cái chết thương tâm của cô giáo Hà Thị Phượng- giáo viên trường Mầm non Phiêng Pằn 1 hồi tháng 9 năm 2013. Trên đường từ trường về thăm gia đình ở dưới thị trấn Hát Lót vào cuối tuần, cô đã bị cướp trắng trợn, và sát hại dã man. Sau 5 ngày, nhờ sự phối hợp của các cơ quan chính quyền và người dân địa phương, thi thể cô được phát hiện cách hiện trường gây án chục mét- trong bụi rậm khuất bên sườn dốc. Đoàn giáo viên Ams đã trích 5.000.000 (năm triệu đồng) để kính viếng cô và hỗ trợ gia đình.

Sau 2h30', chúng tôi mới vượt qua được quãng đường 7km đồi núi, dốc đá hiểm trở để tới trường Mầm non Phiêng Pằn 1. Chúng tôi vô cùng bất ngờ trước sự tiếp đón nhiệt tình của Ban giám hiệu Nhà trường. 16h30 chiều, trời mùa đông đã bắt đầu tối, không khí xung quanh tĩnh mịch, các giáo viên Nhà trường đã được nghỉ về thăm gia đình, cả trường im ắng. Sự ghé thăm khá gấp gáp của chúng tôi do không cách nào liên hệ được với Nhà trường khi sóng di động hầu như không có tại đây không ngờ mang lại niềm vui và sự cảm động chân thành của các cô giáo. Cô hiệu trưởng Phùng Thị Hiền (người dân tộc Thái) tâm sự: “Nhà em cách trường 40km, đầu tuần đi làm, cuối tuần mới được về nhà với chồng con. Nhiều chị em giáo viên vẫn ở lại trường các ngày trong tuần.”. Khó khăn là vậy nhưng trường học nhìn vô cùng gọn gàng, sạch sẽ, lớp học khang trang, và đặc biệt- các cô còn chuẩn bị cho chúng tôi rất nhiều quà bánh- những món quà của lòng chân thành.

 

Còn nhiều điều muốn chia sẻ, lắng nghe, song vì trời tối rất nhanh nên chúng tôi lại  lên đường cho kịp giờ lên trường mầm mon Phiêng Pằn 2, tiểu học Phiêng Pằn 2. Chia tay hai cô giáo xinh đẹp và mến khách, tôi vẫn còn nhớ như in gương mặt bầu bĩnh, phúc hậu, ánh mắt rơm rớm, nghẹn ngào trong niềm xúc động và bộ quần áo tuy nhìn rất rực rỡ nhưng vẫn còn vương lại những vết nhăn gấp lại trong balo- hành trang đến trường cuối tuần của các cô giáo.

 18h20, chúng tôi mới đến được hai điểm trường còn lại. Vượt qua chặng đường dài gập ghềnh, một bên là vực thẳm, một bên là dãy núi dựng thành vách đồ sộ, hiểm trở, cả đoàn đã thấm mệt. Trời tối như mực. Chúng tôi được dùng bữa cùng người dân bản và các bác sĩ bệnh viện Quân y 103 đã lên đây công tác từ 2 hôm trước. Những đặc sản được bày ra thịnh soạn- bữa cơm thấm đượm tình quân- dân, tình cảm của đồng bào với cô giáo miền xuôi.

19h30, chúng tôi tham gia đêm giao lưu văn nghệ “thắm tình quân dân”. Người dân đã đến đây đông đủ, ai ai cũng mặc trang phục thật đẹp như một ngày hội huyên náo. Miền xuôi- miền ngược, bộ đội- nhân dân, giáo viên- học sinh- bà con đồng bào khăng khít như một, chúng tôi đến với nhau bằng những câu hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi tình đoàn kết, tình yêu,… Những điệu múa rực rỡ được thể hiện mang đậm bản sắc riêng đem lại niềm vui, niềm háo hức cho mọi người. Chị Lò Thị Lẻ- cán bộ phụ nữ xã Na Hiên tâm sự: “Các cô giáo và bộ đội về bản,vui lắm!”


Trong đêm giao lưu, Đại diện tập thể CB-GV-NV và HS trường Ams đã trao quà và học bổng cho hai đơn bị trường Mầm non Phiêng Pằn 2 và tiểu học Phiêng Pằn 2, phát bánh kẹo, nước uống cho các cháu nhỏ tham gia đêm giao lưu. Những nụ cười, những niềm háo hức, những tiếng vỗ tay đã khiến cho chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của những người trao yêu thương và được nhận yêu thương.

(còn nữa)

Biên tập: Hà My (GV)