The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

“Tứ diện đều” và năm nhân vật tạo nên “đảm bảo vàng” cho sự thành công của đổi mới giáo dục

Post by: longcv | 08/09/2014 | 3269 reads

Ở một nước văn hóa phát triển cuộc tiếp tân long trọng nhất trong năm của người đứng đầu đất nước và ở từng cộng đồng là cuộc tiếp tân năm nhân vật: Một học sinh ưu tú; một thầy giáo gương mẫu; một bà mẹ tận tụy với công việc chăm sóc giáo dục con cái; một viên chức cộng đồng mẫn cán với kế hoạch xây dựng xã hội học tập và một cán bộ quản lý giáo dục năng động với sứ mệnh của mình.


Minh triết Giáo dục của Nho gia

Khổng Tử (551- 479 TCN), ông Tổ của Nho gia có thông điệp:

"Thập hữu ngũ nhi chí ư học

Tam thập nhi lập

Tứ thập nhi bất hoặc

Ngũ thập tri thiên mệnh

Lục thập nhi nhĩ thuận

Thất thập nhữ tòng tâm, sở dục bất du củ"

(Tuổi 15 biết lập chí đặt trọng tâm vào việc học

Tuổi 30 lập thân, lập nghiệp

Tuổi 40 tạo cho mình nền tảng, tri thức vững vàng để

không nghi hoặc điều gì.

Tuổi 50 biết được quy luật tự nhiên xã hội

Tuổi 60 biết được nhân tình thế thái

Tuổi 70 thích gì thì làm nhưng hành động không ra ngoài quy củ).

Sau này môn đệ của Khổng Tử có thêm thông điệp:

"Nhân hữu tam ân tình, khả sự như nhất:

Phi phụ bất sinh

Phi sư bất thành

Phi quân bất vinh”

(Con người có ba ân tình, phải coi trọng như nhau:

Không có cha làm sao sinh ra được

Không có thày làm sao thành đạt được

Không có vị vua sáng (thủ trưởng tốt) làm sao hiển vinh được).

Châm ngôn của Khổng Tử "Học nhi bất yếm, giáo nhân bất quyện" (Học không bao giờ biết chán, dạy người không bao giờ biết mỏi) từng được nhiều thời đại, nhiều quốc gia coi là nguyên lý chủ đạo cho sự nghiệp phát triển giáo dục.

Quan điểm giáo dục của Hồ Chí Minh

Kế thừa ý tưởng của tiền nhân, đặt vào hoàn cảnh mới của đất nước, Hồ Chí Minh đã có lời khuyên thanh niên về "lập chí":

"Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên".

Ý tưởng lời khuyên này bắt nguồn từ sách "Ấu học ngũ ngôn thi", một cuốn sách giáo dục cho trẻ nhỏ thời xưa mà thân phụ Bác dạy cho Nguyễn Sinh Khiêm - Nguyễn Sinh Cung lúc ấu thơ.

"Đạo thông sơn đại hải

Luyện thạch bồ thanh thiên

Thế thượng vô nan sự

Nhân tâm tự bất kiên"

(Đào núi đắp đường thông qua biển

Luyện đá vá trời xanh

Trên đời này không có gì khó cả

Cái khó là do con người không bền chí).

Người tâm sự với thế hệ trẻ: 

"Cái anh em cần làm được như lời Tôn Trung Sơn đã nói: "Những người thanh niên tốt muốn làm việc to chứ không muốn làm quan lớn".

Người căn dặn họ: 

"Lấy tự học làm cốt, do thảo luận và chỉ đạo góp vào...". 

Trong hội thảo về công tác huấn luyện tại chiến khu Việt Bắc ngày 6/5/1950, Bác Hồ đã cho treo trong phòng họp chính trang trọng hai khẩu hiệu: "Học không biết chán, dạy không biết mỏi” (Khổng Tử) và "Học, học nữa, học mãi” (Lê Nin).

Trong một bài nói tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành Giáo dục (3- 8/6/1957) Người khẳng định tầm quan trọng của việc kết hợp ba môi trường giáo dục: "Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn".

"Tứ diện đều" và năm nhân vật tạo nên “Đảm bảo vàng” cho công cuộc Đổi mới giáo dục thành công

Lĩnh hội các ý tưởng trên đây, trong một buổi tọa đàm khoa học về Đổi mới giáo dục, Giáo sư Trần Văn Nhung bày tỏ kiến giải: "Trong công cuộc phát triển giáo dục hiện nay cần hình thành tứ diện đều:

+ Giáo dục nhà trường

+ Giáo dục gia đình

+ Giáo dục xã hội

+ Ý chí tự học, tự đào tạo của thanh niên”

 Bên cạnh đó, công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay cần hội tụ được 5 nhân vật:

+ Người học

+ Người dạy

+ Cha mẹ học sinh

+ Người quản lý giáo dục

+ Người phụ trách các thiết chế xã hội

Thúc đẩy họ đồng thuận với nhau trong tư duy - hành động trước các mục tiêu giáo dục đề ra.

Có thể hình dung mỗi nhân vật trên đây gắn liền vào một đỉnh của Tứ diện đều ABCDO (0 là tâm của tứ diện)họ phải vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong các kế hoạch, chiến lược giáo dục đang và sẽ được triển khai và người quản lý giáo dục ở vị trí O gắn kết được ABCD thúc đẩy ABCD cùng phát triển:

 

 

Yêu cầu phát triển đất nước đạt đến sự bền vững khi đất nước kiến tạo được:

-Người học biết biến giá trị giáo dục thành giá trị tự giáo dục. 

-Người giảng dạy có ý tưởng và hành động trở thành Sư hinh

-Các bậc làm cha mẹ tâm niệm: "Con hơn cha là nhà có phúc" hết lòng chăm lo sự tiến bộ về đạo đức và trí tuệ của con cái.

-Người phụ trách cộng đồng có kế hoạch hiệu quả xây dựng cộng đồng đi tới xã hội học tập.

-Người quản lý giáo dục trên toàn hệ thống và các tiểu hệ thống phải ở vị trí trung tâm của tứ diện, có kỹ năng, phong cách điều hành tạo nên các tương tác bộ đôi tích cực và tương tác tổng thể đem lại hiệu ứng cho phát triển kinh tế - xã hội chung của cộng đồng.

Ở một nước văn hóa phát triển cuộc tiếp tân long trọng nhất trong năm của người đứng đầu đất nước và ở từng cộng đồng là cuộc tiếp tân năm nhân vật: Một học sinh ưu tú; một thầy giáo gương mẫu; một bà mẹ tận tụy với công việc chăm sóc giáo dục con cái; một viên chức cộng đồng mẫn cán với kế hoạch xây dựng xã hội học tập và một cán bộ quản lý giáo dục năng động với sứ mệnh của mình.

Đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục có năng lực thực hiện tốt cuộc đổi mới giáo dục

Sự nghiệp đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục ở nước ta đã được sự quan tâm ngay sau khi đất nước thống nhất. Tháng 10/1976, trường Cán bộ quản lý giáo dục thuộc Bộ Giáo dục được thành lập. Theo thời gian thiết chế này ngày càng phát triển và trở thành Học viện Quản lý Giáo dục năm 2003.

Trong cuộc đổi mới đang diễn ra, thiết chế này cần phải được sự quan tâm hơn nữa để có thể đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục cho ngành, cho xã hội đáp ứng các yêu cầu đang đặt ra. Việc đào tạo bồi dưỡng mới chỉ là bước đầu, việc lựa chọn bố trí đúng cán bộ tiếp theo là có tính quyết định.

Trong bài luận văn tâm huyết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đổi mới có tính cách mạng nền Giáo dục và Đào tạo nước nhà” (viết năm 2007) đã có những lời thiết tha như sau: “Coi trọng việc lựa chọn đúng cán bộ quản lý giáo dục, nhất là chức Bộ trưởng, Hiệu trưởng các trường Đại học lớn và Giám đốc các Sở Giáo dục. Những cán bộ ấy phải là những người có tâm, có phẩm chất đạo đức và năng lực trí tuệ, năng động, sáng tạo, không bảo thủ quan liêu, có uy tín, có cách làm việc tập hợp được nhân tài, phát huy được trí tuệ của chuyên gia giỏi, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục…”

PGS.TS Đặng Quốc Bảo

Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 55, tháng 8/2014