The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Vai trò của thanh niên trong thời kỳ mới

Post by: webams | 05/10/2022 | 1665 reads

Thanh niên Việt Nam chiếm số đông trong dân số cả nước, có mặt ở tất cả các địa bàn, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước. Thanh niên với độ tuổi sung sức nhất về thể chất và phát triển trí tuệ, luôn năng động, sáng tạo, muốn tự khẳng định mình, là lực lượng có tiềm năng to lớn, đã và đang giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước hiện nay và tương lai. Vì vậy, thanh niên được Đảng, Nhà nước đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người.

>> Triển khai Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu Thanh niên Thủ đô thời kỳ mới” giai đoạn 2019 – 2022

>> Trò chuyện với anh Nguyễn Mạnh Quân – Top 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Thủ đô năm 2020: “Quá trình chinh phục đỉnh vinh quang luôn phủ đầy đá ghềnh”

Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về thanh niên

Kế thừa những giá trị của Chủ nghĩa Mác – Lê nin, trong quá trình tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh luôn đề cao vị trí, vai trò và đặt niềm tin sâu sắc vào thế hệ trẻ. Theo Hồ Chí Minh, tương lai của đất nước, của dân tộc nằm ngay trong tay các thế hệ thanh niên. Người khẳng định, thanh niên là lực lượng cách mạng hùng hậu, bộ phận quan trọng của dân tộc, là lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh. Người cũng nhấn mạnh, muốn hồi sinh một dân tộc trước tiên phải hồi sinh thanh niên. Trong thư “Gửi thanh niên An Nam” năm 1925, Người đã viết: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”1.

Đây là một trong những luận điểm quan trọng của Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam. Trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng Tết Nguyên đán năm 1946, Bác Hồ viết: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”2. Tháng 8/1947, trong Thư gửi thanh niên, Hồ Chí Minh khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, mạnh hay yếu, một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc chuẩn bị cái tương lai đó”3.

Trong ngày khai trường đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”4. Cách mạng là sự nghiệp vĩ đại, lâu dài của nhiều thế hệ nối tiếp nhau, mỗi thế hệ chỉ có thể làm được một phần nhất định. Ngày 20/12/1961, tại Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ II, Người chỉ rõ: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai – tức các cháu nhi đồng”5.

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao vị trí, vai trò của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, luôn phát huy vai trò thanh niên trong đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV nêu rõ: “Tiền đồ rạng rỡ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nằm trong tay thanh niên, thiếu niên và nhi đồng”. Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14/01/1993 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) khẳng định: “Thanh niên là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”.

Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) nhấn mạnh: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là  động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước”. Chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người “vừa hồng vừa chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quan trọng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, gia đình, nhà trường và xã hội.

Tiếp tục phát huy vai trò của thanh niên trong thời kỳ mới

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm, trong đó: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”là một nội dung quan trọng.

Theo thống kê năm 2019, thanh niên Việt Nam từ 16 – 30 tuổi có khoảng 22,898 triệu người chiếm khoảng 23,8% dân số cả nước7. Năm 2020, thanh niên Việt Nam từ 16 – 30 tuổi có khoảng 22,609 triệu người chiếm khoảng 23,2% dân số cả nước 8. Mặc dù tỷ lệ thanh niên Việt Nam trong tổng số dân cả nước và trong lực lượng lao động xã hội từ năm 2010 có xu hướng giảm nhẹ, nhưng thanh niên vẫn là lực lượng đông đảo, chủ yếu trên nhiều lĩnh vực, đảm nhiệm những công việc đòi hỏi hy sinh, gian khổ, sức khỏe và sáng tạo. Muốn khơi dậy trong thanh niên khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế cần quan tâm thực hiện những giải pháp sau:

Một là, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục thế hệ trẻ. Trước hết cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là tổ chức Đoàn cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức, phương tiện để đoàn viên thanh niên hiểu sâu sắc về chủ trương, đường lối, mục tiêu lý tưởng cao đẹp, bản chất tốt đẹp của Đảng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nhằm nâng cao sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trên internet. Từ đó, củng cố niềm tin của thanh niên vào sự lãnh đạo của Đảng và tích cực, xung kích đi đầu thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị đã có nhiều giải pháp, mô hình hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo ra sự lan tỏa trong xã hội, nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu ở lĩnh vực khác nhau đã được tuyên dương, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, tạo niềm tin trong thanh niên và xã hội. Vì vậy, để đáp ứng với thời kỳ mới, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng và nhân rộng được nhiều cá nhân, tập thể thanh niên tiên tiến, là những người có đạo đức để làm gương, truyền đi cảm hứng cho thanh niên phấn đấu, luôn vươn lên khẳng định mình, không ngừng sáng tạo cùng tạo dựng tương lai, thực hiện thắng lợi mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030. Đổi mới hình thức, phương pháp học tập lý luận chính trị để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên thanh niên; chú trọng giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, phát huy tính tích cực chính trị của thanh niên để họ quan tâm các vấn đề, các sự kiện chính trị của đất nước. Phát huy vai trò tích cực của thanh niên trong việc kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đi đầu trong việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại; đấu tranh bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, văn hóa phẩm độc hại.

Tăng cường và đổi mới các hình thức tuyên truyền giáo dục pháp luật, ý thức công dân, nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia cho thế hệ trẻ, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, trái với đạo đức xã hội. Dự báo, nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng, tâm trạng của các đối tượng thanh niên để tập hợp, phản ánh và kịp thời giải quyết các vấn đề mới nảy sinh.

Hai là, truyền cảm hứng, động lực cho thanh niên. Thông qua các kênh truyền thông, các diễn đàn, đối thoại để tăng cường tuyên truyền, truyền cảm hứng, động lực, khơi dậy khát vọng, ý chí quyết tâm của tuổi trẻ thông qua những tấm gương thực sự tiêu biểu của cán bộ, đảng viên, của các cá nhân tiêu biểu, những câu chuyện đẹp. Khi được truyền cảm hứng sẽ trở thành động lực bên trong thúc đẩy thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau hành động với quyết tâm lớn để thực hiện được những mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, Nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Ba là, đào tạo thanh niên thành lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới. Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa vẫn là xu thế lớn của thế giới, sẽ tạo ra thị trường lao động toàn cầu, công dân toàn cầu. Cần tổ chức tốt các phong trào thi đua cổ vũ, động viên, hỗ trợ thanh niên học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp; nâng cao năng lực hội nhập. Bản thân mỗi thanh niên cũng cần tích cực học tập và tự học tập để nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, khoa học, kỹ thuật, tay nghề để thích ứng với thị trường lao động trong nước và thị trường lao động quốc tế.

Bốn là, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới, sáng tạo. Dân tộc Việt Nam có những phẩm chất đặc trưng nổi bật, rất đáng quý là thông minh, cần cù, hiếu học và cũng rất tiềm năng về sáng tạo nhưng sáng tạo lại chưa phải là phẩm chất đặc trưng nổi bật của con người Việt Nam. Sáng tạo là phẩm chất chung, có trong mỗi người nhưng nó thể hiện tập trung nhất ở giai đoạn tuổi trẻ, là đặc trưng của thanh niên. Để hình thành thêm phẩm chất cao quý này cần kiên trì và quyết tâm lớn với vai trò quan trọng của giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó là sự quan tâm tạo những cơ chế, chính sách đặc thù cho giáo dục và đào tạo, khuyến khích, hỗ trợ cá nhân đổi mới, sáng tạo, các tổ chức thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, các nghiên cứu mới phục vụ sự phát triển của thanh niên.

Năm là, hỗ trợ, thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp. Những năm qua, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang trở thành động lực lớn cho nền kinh tế và quá trình chuyển đổi số trong bối cảnh sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với thế mạnh về năng lực hoàn thiện hạ tầng chính sách, sự vào cuộc đồng loạt của các bộ, ngành, địa phương, thì “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam” trong thời gian qua đã thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được đánh giá, nhận định có sức ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng trong cấu trúc nền kinh tế của mỗi quốc gia, bởi đây chính là động lực của công nghệ mới. Thanh niên có nhiều ưu thế trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhưng cũng gặp không ít khó khăn, rào cản, rất cần sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện đặc biệt của Đảng, Nhà nước và xã hội.

Sáu là, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt. Cán bộ là nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại của mọi việc, vì vậy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ có đủ phẩm chất và năng lực kế thừa, gánh vác nhiệm vụ luôn là một công việc quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Thanh niên luôn khát khao khẳng định bản thân, mong muốn được tin tưởng và trao cơ hội thử thách, rèn luyện. Muốn phát triển mạnh mẽ Việt Nam phải có đội ngũ các nhà quản lý có tâm, có tầm, có tài; có đội ngũ đông đảo các nhà khoa học tầm cỡ, tâm huyết với nghề và sự nghiệp phát triển đất nước. Cấp ủy và lãnh đạo các cấp cần sớm và mạnh dạn giao việc cho những người trẻ để họ có điều kiện trưởng thành, khẳng định bản thân và đóng góp vào sự phát triển của đất nước, địa phương, đơn vị.

Bảy là, tạo môi trường thúc đẩy tính tích cực xã hội của thanh niên. Tạo môi trường để thanh niên rèn luyện các kỹ năng xã hội, tham gia xây dựng đời sống văn hóa; tham gia giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, văn thể mỹ, phát triển thể lực; phát huy tính tích cực xã hội của thanh niên; sống trung thực trách nhiệm, xây dựng gia đình hạnh phúc; tham gia giám sát phản biện xã hội. Thanh niên phải tích cực tham gia xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tích cực tham gia phòng, chống ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Nâng cao nhận thức cho thanh, thiếu niên về vai trò của kỹ năng xã hội. Tổ chức tốt các hình thức huấn luyện, bồi dưỡng kỹ năng xã hội, nhân rộng mô hình, từ đó, khuyến khích động viên và tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh, thiếu niên tự học tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng để thích nghi với môi trường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Tám là, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho thanh niên. Nhà nước tạo điều kiện, thanh niên chủ động tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế; tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu; tham gia vào công tác ngoại giao Nhân dân để nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế; chủ động và tham gia có hiệu quả vào giải quyết các vấn đề toàn cầu, như: giữ gìn hòa bình, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, chống khủng bố, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, phòng ngừa và đẩy lùi các dịch bệnh hiểm nghèo…

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục khẳng định, cần: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học – công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Với niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sẽ sớm được hiện thực hóa. Thanh niên sẽ là lực lượng đi đầu trong việc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sớm trở thành nước phát triển, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 143, 144.
2, 4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 194, 35.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 216.
5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 13. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 298.
6. Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. H. 2020, tr. 64.
7. Số liệu thống kê về dân số thanh niên năm 2018 – 2019 của Tổng cục Thống kê.
8. Số liệu thống kê về dân số, lao động, việc làm, học tập của thanh niên năm 2015 – 2020 của Tổng cục Thống kê.
Tài liệu tham khảo:
1. Toàn văn Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. http://quanlynhanuoc.vn, ngày 02/3/2021.
2. Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
3. Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030.
4. Viện Nghiên cứu thanh niên. Báo cáo thường niên về tình hình thanh niên Việt Nam năm 2020.

Theo TS. Nguyễn Hải Đăng
Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam