The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Trả lại vị thế cho môn học làm người

Post by: hn-ams | 27/08/2013 | 3513 reads

Môn học Đạo đức – Giáo dục công dân (GDCD) trong chương trình giáo dục phổ thông đóng vai trò to lớn trong việc giáo dục học sinh ý thức và hành vi người công dân, góp phần trang bị cho học sinh năng lực để tự điều chỉnh bản thân trong xã hội hiện đại... Tuy nhiên, vấn đề dạy và học bộ môn này trong nhà trường hiện nay vẫn còn những hạn chế, bất cập.

Không được coi trọng

Môn học Đạo đức góp phần hoàn thiện nhân cách cho công dân tương lai. 

Tâm huyết và gắn bó với nghề giáo hai chục năm, đã từng đứng lớp giảng dạy và áp dụng các biện pháp khác nhau để nâng cao chất lượng dạy và học môn Giáo dục công dân, cô giáo Nguyễn Thị Bằng – nguyên giáo viên Trường THPT Kim Liên - chia sẻ: Học sinh dường như không mấy mặn mà với môn Giáo dục công dân mà mình dạy. Có nhiều lý do khác nhau để lý giải thực tế này, nhưng chủ yếu hầu hết học sinh đều quan niệm môn học này là môn phụ. Hơn nữa, môn học này không có mặt trong các kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp hay thi đại học nên học sinh thường học chỉ để có đủ điểm, bỏ qua vấn đề suy ngẫm, tìm hiểu thêm kiến thức đằng sau mỗi bài học. Chính vì vậy, việc học môn GDCD rơi vào tình trạng bị động và đối phó. 

Cũng theo nhận xét của nhiều giáo viên giảng dạy môn GDCD: Thời lượng dành cho môn GDCD chỉ có 1 tiết/ tuần mà kiến thức thì nhiều nên học sinh càng cảm thấy ngại học. Không những thế, giáo viên không có nhiều thời gian giảng dạy cặn kẽ cho học sinh một nội dung, vấn đề nào đó mà học sinh có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn. Thời gian không nhiều, thời lượng chương trình trong sách giáo khoa phải đảm bảo nên việc dạy học mang nặng tính “cưỡi ngựa xem hoa”, làm sao để trả bài đầy đủ. 

TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cảnh báo: Hiện nay, cả người quản lý và người dạy đều chưa nhận thức hết tầm quan trọng của bộ môn đã góp phần quan trọng trong việc hình thành phát triển nhân cách của học sinh. Môn GDCD chưa được xem như một công cụ để hỗ trợ cho học sinh, đem kiến thức học được trong nhà trường vận dụng, giải quyết những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống. 

Nhiều bất cập

Tại Hội thảo Quốc gia về giáo dục đạo đức – công dân trong giáo dục phổ thông Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã chỉ ra: Nội dung, chương trình của môn học GDCD còn nhiều điều chưa hợp lý, nặng giáo dục chính trị, nhẹ giáo dục kỹ năng sống, coi trọng lý thuyết, chưa chú ý vận dụng, thực hành, chưa yêu cầu thể hiện qua việc làm và hành vi cụ thể trong đời sống. Nhiều bài học trong sách giáo khoa môn Đạo đức – GDCD còn khô khan, gượng ép, chưa phù hợp với đặc điểm tâm lí, tình cảm của học sinh. 

Mặt khác, một số kiến thức triết học, kinh tế, chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học... còn khá trừu tượng, khó hiểu đối với học sinh phổ thông, chưa chú ý đúng mức tính liên thông, tích hợp nội dung dạy học môn Đạo đức – GDCD với các môn học khác. 

Bên cạnh đó, kết quả việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá chưa rõ, chủ yếu vẫn dạy chay, thuyết trình, đọc chép, độc thoại một chiều; rao giảng đạo lý; lệ thuộc nhiều vào sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn giảng dạy, thiếu sáng tạo trong tổ chức các hoạt động dạy học. Không những thế, việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập còn nặng về hình thức, phổ biến vẫn là kiểm tra kiến thức, chưa chú trọng kiểm tra đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh. 

Chất lượng giáo viên môn Đạo đức – GDCD cũng chưa đồng đều. Chương trình và phương thức đào tạo trong các trường sư phạm chậm đổi mới, chất lượng đào tạo còn thấp. Công tác bồi dưỡng giáo viên được tiến hành thường xuyên nhưng chưa thiết thực, hiệu quả... Và hệ quả của những hạn chế đó là đa số học sinh chưa hứng thú học Đạo đức – GDCD. Mục tiêu dạy người qua môn học này còn rất hạn chế. Tình trạng tiêu cực về đạo đức vi phạm pháp luật của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay có một phần trách nhiệm thuộc về việc dạy và học Đạo đức – GDCD trong nhà trường. 

Từ những bất cập, hạn chế này cho thấy cần thiết phải có sự đổi mới môn Đạo đức – GDCD trong quá trình đổi mới toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông.

 Những bài học GDCD quan trọng với mỗi học sinh khi bước vào cuộc sống.

Trả lại vị thế cho môn học làm người

Rõ ràng, Giáo dục công dân là môn học quan trọng, cần thiết, là nền tảng để người công dân làm người, thực hiện bổn phận đối với bản thân, gia đình, nhà trường, cộng đồng và môi trường tự nhiên. Thông qua đó, không chỉ trang bị cho người học những tri thức đạo đức mà điều quan trọng là rèn luyện cho học sinh thói quen, kỹ năng và thực hiện hành vi quan hệ giao tiếp, ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức chung của xã hội... 

Mặt khác, theo PGS.TS Ngô Đình Xây – Ban Tuyên giáo T.Ư - bất kỳ ở đâu và ở bất kỳ thời đại nào, vấn đề giáo dục đạo đức công dân bao giờ cũng phải được chú ý và là vấn đề có ý nghĩa quyết định chiều hướng vận động và sự hưng thịnh của một quốc gia, một chế độ. Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay, vấn đề giáo dục đạo đức công dân, đặc biệt cho lứa tuổi học sinh càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Không phải ngẫu nhiên mà ngày 15/5/2012 vừa qua tại Liên Hợp Quốc, UNESCO đã tổ chức hội thảo với tiêu đề “Giáo dục đạo đức phải trở thành vấn đề quan trọng” qua đó khẳng định vai trò quan trọng của việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức ở tất cả các khu vực trên toàn cầu. Cũng chính vì lẽ đó mà từ năm 2011, UNESCO đã thúc đẩy việc thành lập Hiệp hội quốc tế về đạo đức trong giáo dục nhằm khuyến khích các nước trên thế giới đưa giáo dục đạo đức trở thành vấn đề học thuật nghiêm túc và quan trọng để đáp ứng những thách thức về tiến bộ khoa học trên toàn cầu. 

Thực trạng dạy và học, nội dung, chương trình... của môn GDCD còn nhiều bất cập, cho thấy vị thế của môn học làm người chưa được nhìn nhận và quan tâm đúng mức. Vị thế ấy cần được sớm trả lại, đặc biệt khi ngành Giáo dục đang thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông cũng như đổi mới chương trình giáo dục đạo đức – công dân sau năm 2015.

(Theo GDTD)