The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Mô hình lớp học hiện đại giúp người học ghi nhớ lâu hơn

Post by: admin | 26/09/2012 | 5589 reads

Mới đây Giáo sư Burtis đến từ trường ĐH Carlifornia, Hoa Kỳ đã có những chia sẻ hữu ích về phương pháp nâng cao chất lượng dạy và học trong trường đại học tại Việt Nam. Đáng chú ý trong bài thuyết trình của mình, Giáo sư Burtis đã đề cập đến nội dung về mô hình lớp học hiện đại.

GS Burtis chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo

GS Burtis cho biết, bên cạnh những dụng cụ, thiết bị được đưa vào lớp học để tăng hiệu quả dạy học cũng như tương tác giữa sinh viên và giảng viên, điều quan trọng là cách tổ chức dạy học, phương pháp đào tạo tích cực (Active Learning). Với mô hình lớp học này, các hoạt động sẽ diễn ra tại lớp học còn quá trình tìm kiếm thông tin sẽ diễn ra ngoài lớp học. Cụ thể, thời gian ít ỏi trong lớp học sẽ chỉ dành để thảo luận những chủ đề khó và tìm kiếm ra những ý tưởng mới lạ. Nhưng để có được những cuộc trao đổi, thảo luận có chất lượng cao trong lớp học thì sinh viên sẽ phải dành nhiều thời gian cho việc tìm kiếm thông tin.

"Thời đại hiện nay, sinh viên có nguồn thông tin vô tận từ internet. Người giảng viên cố tìm cách nhồi nhét nhiều kiến thức nhất cho sinh viên sẽ thực sự ít hiệu quả vì kiến thức đọng lại của sinh viên sau bài giảng không nhiều. Vì vậy, thay vì tìm cách nói càng nhiều càng tốt và nói nhanh trong một khoảng thời gian nhất định, người thầy nên tìm cách dạy mới hiệu quả hơn, dạy ít mà sinh viên vẫn nhớ được nhiều." -  Giáo sư Burtis chia sẻ.

Cũng theo Giáo sư Burtis, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu và đưa ra kết luận: Cách dạy lấy sinh viên làm trung tâm (Student-Centered learning) là cách dạy mang lại hiệu quả rất cao. GS khẳng định: Học viên mới là người quan trọng. Kể cả tôi có là giảng viên giỏi nhất mà sinh viên dốt thì lỗi vẫn là ở giảng viên. Theo thí nghiệm tại Hoa Kỳ so sánh giữa hai phương pháp đào tạo truyền thống và đào tạo tích cực thì 6 tuần đầu phương pháp truyền thống có kết quả cao hơn, nhưng từ tuần thứ 7 trở đi về sau phương pháp đào tạo tích cực (lấy sinh viên làm trung tâm) cho kết quả cao hơn hẳn.

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hội Marketing Việt Nam cho biết, sinh viên cũng đang được thử nghiệm phương pháp đào tạo tích cực (Active Learning) này. Theo đó, quy trình đào tạo được xây dựng theo chuẩn CDIO, quan tâm đến kết quả đầu ra. Giảng viên phải sử dụng giáo án điện tử, video, audio và file âm nhạc hỗ trợ đào tạo; cùng với đó, phải kết hợp các trò chơi mô phỏng lý thuyết, đưa các tình huống của doanh nghiệp hoặc ngoài xã hội vào thảo luận trong lớp. Bên cạnh việc yêu cầu học viên phải ứng dụng các kiến thức lý thuyết thành hoạt động cụ thể ví dụ như tổ chức các sự kiện, seminar, hoạt động từ thiện …; Nhà trường còn tạo ra những forum trên mạng để sinh viên chia sẻ và đàm đạo kiến thức thu nhận được với bạn bè và cộng đồng o­nline.

Sau nhiều nghiên cứu, các nhà sư phạm đã đưa ra kết luận, sinh viên chỉ nhớ được 10% học nhờ đọc, 20% học nhờ việc nghe giảng, 50% nếu họ vừa nhìn và nghe; nhưng họ sẽ ghi nhớ được đến 70% nếu thảo luận với người khác, 80% nếu có trải nghiệm và 95% nếu giảng lại cho người khác nghe.

Lê Đức Thuận (Theo www.hanoi.edu.vn)