The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

KỈ NIỆM 64 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ 10/10/1954 - 10/10/2018

Post by: webams | 08/10/2018 | 2776 reads

Cách đây 64 năm, ngày 10.10.1954, các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam hùng dũng tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội, chấm dứt sự chiếm đóng của thực dân Pháp trên toàn miền Bắc. Cho tới hôm nay, khi nhìn lại những hình ảnh về ngày tiếp quản Thủ đô, ai cũng nghĩ rằng, hào khí ngày chiến thắng còn ngân vang trong tâm hồn mỗi người Việt Nam và trở thành giá trị lịch sử trường tồn mãi mãi cùng sự phát triển của dân tộc trong tương lai.

Năm 1954, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, quân giải phóng đã hoàn toàn kiểm soát thủ đô Hà Nội. Thời điểm này, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến của quân dân ta, thực dân Pháp đã buộc phải ngồi vào bàn đàm phán và ký hiệp định Giơ ne vơ ngày 20/7/1954, chấp nhận rút khỏi miền Bắc Việt Nam.

Trong thời điểm lịch sử bước ngoặt quan trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều cuộc họp với Trung ương và Hội đồng Chính phủ để giải quyết nhiều nhiệm vụ chính trị, quân sự, ngoại giao, an ninh, kinh tế, văn hoá, xã hội, nội vụ và tổ chức cán bộ…, đồng thời, tổ chức tiếp quản, giải phóng Thủ đô Hà Nội theo đúng Hiệp định Giơnevơ, nhanh chóng và có hiệu lực. Công tác tổ chức, bố trí cán bộ cách mạng trên cả nước được đặt ra và phải giải quyết kịp thời.

 

Bộ đội Việt Nam và quân Pháp bàn giao tiếp quản Hà Nội. 

Theo quyết định của Trung ương, đồng chí Trần Quốc Hoàn được điều về làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Thường trực Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ đã quyết định: Bộ máy, chính quyền những ngày đầu tiếp quản, giải phóng Thủ đô Hà Nội là Uỷ ban Quân chính Hà Nội. Trong phiên họp ngày 11, 12 tháng 9 năm 1954, Hội đồng Chính phủ đã quyết định Thiếu tướng Vương Thừa Vũ là Chủ tịch Uỷ ban Quân chính Hà Nội. Ngày 28-9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thăng cấp Thiếu tướng cho Đại tá Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 (Sắc lệnh 217/SL). Hội đồng Chính phủ cũng đã quyết định thành lập Uỷ ban Hành chính Hà Nội, để triển khai mọi công việc hành chính ngay sau ngày Thủ đô được giải phóng. Uỷ ban Hành chính Hà Nội gồm: Chủ tịch Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Trần Danh Tuyên, các uỷ viên: Khuất Duy Tiến, Trần Văn Lai, Lê Quốc Thân, Hà Kế Tấn. Hội đồng Chính phủ cũng ban hành quy chế phối hợp hoạt động giữa Uỷ ban Quân chính Hà Nội với Uỷ ban Hành chính Hà Nội: Mọi hoạt động của Uỷ ban Hành chính Hà Nội phải chịu sự quyết định điều hành của Uỷ ban Quân chính Hà Nội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho các thành viên Chính phủ khẩn trương chuẩn bị các cơ quan Trung ương từ Việt Bắc chuyển về làm việc ở Thủ đô khi công tác tiếp quản Thủ đô đã hoàn tất. Người cũng yêu cầu ngành truyền thông, báo chí, xuất bản, giới văn nghệ sĩ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên các đoàn thể, các ngành, các giới thi đua gấp rút hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản, giải phóng Thủ đô và chuyển các cơ quan, nhà máy, trường học, kho tàng… về Thủ đô Hà Nội.

Bộ Tổng tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị bộ đội đang tiến về giải phóng Hà Nội phải giữ vững trật tự an ninh của thành phố, bảo vệ nhân dân, bảo vệ ngoại kiều, phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật mà Chính phủ đã đề ra, phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại.

Ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng (Phú Thọ), cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong (Sư đoàn 308) đã vinh dự được Bác Hồ nói chuyện và ân cần dặn dò trước ngày về tiếp quản Thủ đô. 

Sau quá trình đấu tranh trên mặt trận ngoại giao ở Hội nghị Phù Lỗ đòi Pháp rút khỏi Hà Nội đúng thời hạn, đảm bảo an toàn về tài sản, tiếp quản trong trật tự, ngày 30-9-1954, hai bên đã ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự; ngày 2-10, ký tiếp Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính. Xác định nguyên tắc chuyển giao phải đảm bảo trật tự, an toàn, không được phá hoại và không làm gián đoạn các hoạt động của đời sống thành phố.

Theo các văn bản đã được ký kết, từ ngày 2 đến 5-10-1954, các đội hành chính, trật tự của ta vào thành phố trước, chuẩn bị cho việc tiếp quản các cơ quan, công sở, các công trình công cộng. 422 cán bộ, nhân viên đội hành chính và 158 công an có vũ trang của đội trật tự đã tiến hành kiểm kê và giải quyết các công việc chuẩn bị nhận bàn giao từ phía Pháp và ngụy quyền, lập xong các biên bản để bàn giao vào ngày 7-10-1954.

 

Lực lượng Việt Minh tiến vào Hà Nội ngày tiếp quản.

Ngày 6-10-1954, quân Pháp rút khỏi quận lỵ Văn Điển. Đây là quận lỵ đầu tiên ở ngoại thành được giải phóng. Cùng ngày, chúng rút khỏi thị xã Hà Đông và ở phía Bắc, địch rút về Dốc Lã, cách Yên Viên 3km.

Ngày mồng 7 tháng 10, nhiều đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam tham gia tiếp quản Thủ đô, theo nhiều đường tiến về Hà Nội.

Chiều 8 tháng 10, một số đơn vị tiến sát vành đai Đê La Thành, Nhật Tân, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Bạch Mai và Vĩnh Tuy. Trong khi đó, địch rút khỏi Yên Viên. Sáng 9-10-1954, ta tiếp quản 4 quận Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở và Quỳnh Lôi, tiếp theo là Đại lý Hoàn Long. Quân đội nhân dân theo nhiều đường, từ ngoại thành tiến vào tiếp thu Hà Nội, chia làm nhiều cánh quân tiến vào năm cửa ô chính rồi tỏa ra các khu. Lần lượt, bộ đội ta tiếp thu nhà ga Hà Nội, phủ Toàn quyền cũ, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, Bắc Bộ phủ.

 

Lính Pháp lên cầu Long Biên, trên đường rút khỏi Hà Nội. 

Đến 16 giờ ngày 9-10-1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng ngày 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô với cờ, hoa trong tay hân hoan xuống đường chào đón đoàn quân chiến thắng. Cả Hà Nội tràn ngập niềm vui giải phóng, tự hào vô hạn và vững tin vào sức mình, vào Đảng và Bác Hồ kính yêu.

 

Đại đoàn 308 Quân tiên phong tại lễ chào cờ chiều ngày 10/10/1954, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô.

15 giờ ngày 10-10-1954, hàng vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội trang nghiêm dự lễ chào cờ long trọng do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức, với sự tham gia của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính. Cả Hà Nội tưng bừng hân hoan trong niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Trong thư gửi đồng bào Hà Nội sau ngày giải phóng Thủ đô, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ đã phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ ta lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết”.

Hà Nội cùng Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp thu tuyệt đối an toàn và nhanh gọn toàn bộ các vị trí quân sự của địch ở Hà Nội: sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm, Đồn Thủy, khu Thành (Citadel), những vị trí có tầm quan trọng đặc biệt. Ta đã tiếp thu 129 công sở, công trình lợi ích công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học…, trong đó có phủ Toàn quyền cũ, phủ Thủ hiến Bắc Việt (Bắc Bộ phủ cũ), Sở Mật thám Liên bang Đông Dương, những cơ quan đầu não, trọng yếu của Pháp.

 

Nhân dân Hà Nội chào đón quân đội tiếp quản Thủ đô

Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Nhân dịp này, báo Nhân dân ở miền Nam - cơ quan của Trung ương cục miền Nam Đảng Lao động Việt Nam đã viết: “Xin gửi đến nhân dân thủ đô lời chào nồng nhiệt và đoàn kết… Nhân dân Nam Bộ luôn luôn hướng về thủ đô. Toàn quốc Việt Nam chỉ có một thủ đô, cũng như toàn quốc Việt Nam chỉ tin tưởng vào Hồ Chủ tịch, Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa”.

Nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đều họp mít tinh, liên hoan chào mừng thủ đô giải phóng, gửi điện văn, thư từ chào mừng nhân dân Hà Nội. Nông dân tỉnh Phú Thọ gửi thư khen ngợi tinh thần đấu tranh bảo vệ thủ đô của công nhân Hà Nội và hứa ra sức sản xuất để thu hoạch mùa màng tốt đẹp; xung phong đi dân công làm đường, bắc cầu để chuyển vận và trao đổi sản phẩm được nhanh chóng, làm cho nông thôn và Hà Nội gắn liền với nhau.

Lễ chào mừng ngày giải phóng Thủ đô. 

Cũng để thiết thực chào mừng ngày giải phóng thủ đô, 211 đại biểu của các dân tộc Kinh, Thổ, Trại… ở 53 xã thuộc tỉnh Thái Nguyên viết thư chúc mừng đồng bào thủ đô, đồng thời báo cáo cho đồng bào thủ đô biết kế hoạch thi đua sản xuất và tham gia xây dựng đất nước của mình: “Chúng tôi đang cùng anh em nông dân toàn tỉnh và nông dân tỉnh Bắc Giang vượt mọi khó khăn để xây dựng lại đập Thác Huống và cống Vạn Già, trong vụ chiêm cung cấp đủ nước cày cấy cho 10 vạn mẫu ruộng. Chúng tôi lại đang nô nức đi dân công kiến thiết đường xe lửa Hà Nội - Mục Nam Quan để nối liền Việt Bắc với thủ đô, nối liền nước ta với Trung Quốc, Liên Xô và các nước bạn khác”.

Không những chỉ nhân dân ta vui mừng chào mừng ngày thủ đô giải phóng, mà tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới cũng đều phấn khởi, cùng chia vui, đưa tin và giới thiệu về sự kiện lịch sử đó.

Ngày 10-10-1954, Hà Nội sạch bóng quân thù, và ngày này đã trở thành một mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển của thủ đô và đất nước, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra một thời kỳ phát triển mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Thủ đô Hà Nội hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân, nhân dân lao động làm chủ vận mệnh của mình và phấn khởi đi vào xây dựng xã hội mới, xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta.

Tổng hợp