Cựu Amser đỗ học bổng tiến sĩ đại học số 1 thế giới
Lê Hoàng Minh trúng tuyển chương trình tiến sĩ Hóa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ, trường đứng đầu bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới 2024, theo QS.
Cựu học sinh chuyên Hóa trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nhận thư mời nhập học hồi cuối tháng 1, được miễn học phí và nhận trợ cấp sinh hoạt phí hàng tháng.
Trước đó một tháng, Minh tốt nghiệp cử nhân loại xuất sắc (Magna cum laude) hai ngành Hóa học và Khoa học sinh học tại Đại học Cornell. Đây là một trong tám đại học tinh hoa của Mỹ (Ivy League), top 13 thế giới.
Cô Lê Thị Ngọc Hà, giáo viên chủ nhiệm của Hoàng Minh ở trường Ams, cho biết học trò từng giành huy chương đồng Olympic Khoa học trẻ quốc tế (IJSO) từ năm lớp 10 (2017). Minh sớm xác định theo đuổi môn học này và xây dựng nền tảng kiến thức rất chắc chắn. Anh là cựu học sinh hiếm hoi của trường đỗ học bổng tiến sĩ của MIT khi 22 tuổi.
"Đam mê và sự bền bỉ đã giúp bạn đạt được điều này", cô nhận định.
Hoàng Minh trong trang phục tốt nghiệp của Đại học Cornell, năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
MIT là ước mơ của Hoàng Minh từ khi học phổ thông. Tuy vậy, cách đây 4 năm, Minh không đặt nguyện vọng vào đây vì cho rằng bản thân còn nhiều điểm chưa phù hợp, cả về thành tích học thuật lẫn hoạt động ngoại khóa. Minh chọn thử sức với Đại học Cornell, nơi cậu nhìn nhận có ưu thế giảng dạy các môn khoa học tự nhiên và chương trình học linh hoạt, sinh viên được chọn chuyên ngành muộn nhất vào cuối năm thứ hai.
Là cựu học sinh chuyên Hóa, Minh hiểu được tầm quan trọng của các môn khoa học liên ngành.
"Các nghiên cứu có tính ứng dụng cao hiện nay thường không nằm gọn trong một phân môn khoa học truyền thống mà có tính bao quát, trải dài trên nhiều phạm vi kiến thức đa ngành", Minh nói.
Vào học, Minh tham gia hai nhóm nghiên cứu về khoa học vật liệu và phương pháp tổng hợp các chất hữu cơ, với điểm chung là tìm ra chất xúc tác đơn giản cho các phản ứng điều chế hóa chất với hiệu suất cao trong các ngành công nghiệp, như hóa mỹ phẩm và dược phẩm.
Ở một môi trường học thuật cạnh tranh cao, phải học và nghiên cứu gần như cả ngày nên Minh thấy quản lý thời gian là điều khó và quan trọng nhất. Minh thi thoảng căng thẳng, nhưng may mắn được bạn bè xung quanh và người thân từ xa động viên.
Sẵn định hướng học lên cao, Minh chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển nghiên cứu sinh từ sớm. Khi gần tốt nghiệp, Minh rải hồ sơ ở nhiều nơi, trong đó có ngôi trường mơ ước thời cấp 3. MIT cũng có thế mạnh đào tạo đa ngành, gồm lĩnh vực Hóa hữu cơ mà Minh hứng thú.
Hoàng Minh cho hay đa phần biệt dược hay các loại thuốc bán sẵn trên thị trường được tổng hợp với quy mô lớn trong phòng thí nghiệm. "Chúng có nguồn gốc là các hợp chất hữu cơ thiên nhiên hoặc nhân tạo. Mình muốn tạo ra các chất xúc tác giúp gia tăng tốc độ phản ứng và các phương pháp làm tăng hiệu suất của quá trình điều chế", Minh lý giải.
Hồ sơ ứng tuyển vào MIT của Minh gồm bảng điểm, sơ yếu lý lịch, thư giới thiệu và hai bài luận. Bảng điểm đại học của Minh không điểm nào dưới A-. Trong sơ yếu lý lịch, nam sinh ghi thông tin cơ bản về học vấn, giải thưởng sinh viên xuất sắc năm thứ ba của khoa, hai đề tài nghiên cứu, bài báo khoa học, cùng kinh nghiệm làm gia sư và cố vấn cho sinh viên khóa dưới. Với thư giới thiệu, Minh được hai giáo sư phụ trách nhóm nghiên cứu mà cậu đã tham gia và hai giảng viên khác hỗ trợ.
Ở khâu viết luận, Hoàng Minh cũng ít gặp khó khăn vì đã có kinh nghiệm ngày ứng tuyển đại học, kết hợp với trải nghiệm học tập, nghiên cứu tại Cornell.
Trong bài luận đầu, chàng trai 22 tuổi trình bày mục đích học tập, các nhóm nghiên cứu tại MIT mà mình muốn tham gia và định hướng sau tốt nghiệp. Phần này đòi hỏi ứng viên tìm hiểu kỹ về trường, xác định mục tiêu khi học và sau khi tốt nghiệp nên Minh khá mất thời gian. Minh cũng trình bày chi tiết kinh nghiệm nghiên cứu thời đại học.
Bài luận thứ hai yêu cầu làm rõ nền tảng, kinh nghiệm của ứng viên và khả năng đóng góp cho một cộng đồng đa dạng như khoa Hóa học của MIT. Hoàng Minh chọn viết về trải nghiệm làm gia sư mà qua đó bản thân hiểu được giá trị của việc hỗ trợ cá nhân hóa.
"Mình thấy quá trình viết luận giúp mình trưởng thành hơn, kiên định về quyết định đi học tiến sĩ", Minh kể, nhìn nhận viết luận là cơ hội để ứng viên hiểu thêm về thế mạnh của trường, bao gồm các nghiên cứu hàng đầu cũng như chất lượng giáo dục.
Đến vòng phỏng vấn, Minh khá thoải mái khi trao đổi cùng hai giáo sư về hướng nghiên cứu và mong muốn của bản thân. Một tuần sau, anh nhận được thư mời.
Lê Hoàng Minh tại Cảng Delaware, Philadelphia, Mỹ, năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cử nhân Đại học Cornell nhìn nhận yếu tố quyết định là mức độ phù hợp giữa ứng viên và chương trình đào tạo. Có nhiều người dù đạt yêu cầu đầu vào nhưng không hợp với định hướng của trường thì vẫn có thể không trúng tuyển.
"Do đó, khi ứng tuyển, bạn cần nộp nhiều chương trình, không nên 'bỏ hết trứng vào một giỏ'", Minh đúc rút. Ứng viên cần giữ tinh thần lạc quan vì các trường có thể trả kết quả theo nhiều đợt, có người được nhận sớm, nhưng cũng nhiều người phải chờ.
"Ứng viên nên liên hệ trước với giáo sư tại chương trình mình định nộp hồ sơ để tìm hiểu các dự án nghiên cứu sẵn có và khả năng họ nhận thêm nghiên cứu sinh vào năm tới", Minh gợi ý.
Minh sẽ nhập học ở MIT vào tháng 8 tới.
Theo Vnexpress