Cựu học sinh Ams đỗ Đại học Cornell sau một năm 'gap year'
Linh Anh, cựu học sinh chuyên Lý trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, trúng tuyển Đại học Cornell với hỗ trợ tài chính 8 tỷ đồng, sau một năm "gap year" để chuẩn bị hồ sơ.
Linh Anh, 19 tuổi, nhận tin trúng tuyển ngôi trường Ivy League hôm 14/12. Sau khi trừ hỗ trợ tài chính, gia đình Linh Anh chỉ còn phải đóng khoảng 400 triệu đồng cho bốn năm học.
"Em không tin nổi", Linh Anh chia sẻ, thêm rằng trước đó đã chuẩn bị tâm lý bị từ chối vì điểm bài thi chuẩn hóa SAT (1.520/1.600) của em trên mức trung bình của trường (1.510) không nhiều. Nữ sinh cũng không có giải thưởng ở các cuộc thi.
Nguyễn Linh Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Linh Anh từng bị 11/14 trường từ chối vào mùa tuyển sinh trước. Vì mơ ước du học Mỹ, nữ sinh quyết định gap year (tạm dừng học) để chuẩn bị chu đáo hơn.
Cô gái 19 tuổi cho hay ấn tượng với Đại học Cornell sau lần tình cờ xem video của một sinh viên trong trường. Trong video, Cornell hiện ra "cực đẹp" với hồ nước, thác, núi. Trường có nhiều hoạt động thể chất cho sinh viên như yoga, pilates. Cornell cũng có trường đào tạo về cơ khí lớn nhất trong các trường thuộc nhóm Ivy League.
"Em mê Cornell, đặt mục tiêu phải vào được đây, thậm chí tải ảnh trường làm avatar cho trang cá nhân để làm động lực", Linh Anh kể.
Linh Anh nhìn nhận điểm đặc biệt trong hồ sơ của mình là sự phù hợp. Cô cho rằng trường muốn tìm những ứng viên có sự sáng tạo, tinh thần cống hiến cho xã hội, tin cậy và khả năng kết nối tốt. Vì thế, trong bốn bài luận, Linh Anh đều hướng vào các tiêu chí đó.
Trong các bài luận phụ nộp vào trường Cơ khí, Linh Anh tâm đắc nhất khi viết về sự cống hiến cho xã hội.
Linh Anh kể hồi cấp 2 từng không thích và học kém các môn tự nhiên. Nhưng khi lên lớp 8, được thực hành thí nghiệm, cô nhận ra Vật lý thật kỳ diệu. Nữ sinh có cái nhìn mới về môn học này cũng như các môn tự nhiên khác như Toán, Hóa. Từ chỗ luôn xếp gần cuối lớp về môn Vật lý, Linh Anh đỗ chuyên Lý trường Ams khi thi vào lớp 10.
Nhiều trường ở Hà Nội khi đó chưa có phòng thí nghiệm nên học sinh không được thực hành. Vì thế, Linh Anh và các bạn trong câu lạc bộ Khoa học của trường tổ chức tour đến gần 20 trường THCS và THPT để hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm, qua đó truyền đam mê về môn học cho các em.
"Nhìn các em đôi mắt long lanh, biểu cảm ngạc nhiên, thích thú khi xem thí nghiệm và được tự tay thực hiện, chúng em càng có thêm động lực", Linh Anh chia sẻ trong bài luận.
Ngoài ra, Linh Anh còn viết về đam mê sáng tạo sản phẩm để giải thích lý do muốn vào trường Cơ khí. Em từng tự làm ra chiếc áo đặc biệt, dựa trên cảm hứng từ chiếc máy ôm trong một bộ phim của Mỹ. Chiếc áo được lắp thêm bộ cảm nhiệt bên trong giúp người mặc thấy ấm áp như khi có ai đó ôm. Áo còn có quạt làm mát, chống nắng nóng. Cô cũng làm một cây đàn guitar tự động, hỗ trợ người khuyết tật chơi nhạc bằng cách sử dụng động cơ servo.
"Hai sản phẩm đều dựa trên kiến thức về điện, lập trình và cơ khí", Linh Anh cho biết.
Với bài luận chính, Linh Anh kể về trải nghiệm một mình vào TP HCM thi SAT nhưng bị muộn giờ vì nhầm đường. Một số người lấy điện thoại quay, chụp khi em đang ngồi thụp xuống khóc. Cảm giác bị mọi người chỉ chỏ, chụp ảnh khiến Linh Anh không thể quên.
Trước đây làm việc gì, Linh Anh thường chú ý đến kết quả mà không bận tâm đến tâm lý người xung quanh. Qua trải nghiệm này, cô chú ý tới cảm xúc của mọi người, đặc biệt các bạn trong câu lạc bộ. Các thành viên cũng dần đoàn kết hơn.
"Một câu lạc bộ thành công chưa chắc đã đoàn kết nhưng một câu lạc bộ đoàn kết thì chắc chắn thành công. Đấy cũng là kết bài luận của em", Linh Anh nói.
Khác với ba bài luận phụ viết trong một ngày, bài luận chính được hoàn thiện sau vài tháng.
Linh Anh nói sau một năm gap year, cô thay đổi, từ chỗ làm mọi thứ rất nhanh đến luôn suy nghĩ kỹ trước bất cứ hành động nào. Ngoài chuẩn bị bài luận và các chứng chỉ, Linh Anh học thêm khóa lập trình của Đại học Duke và khóa về Vật lý của Đại học Rice.
"Em học để hoàn thiện bản thân hơn và cũng thể hiện dù gap year nhưng mình vẫn đang hoạt động tích cực", Linh Anh cho hay.
Linh Anh dạy học từ thiện ở Sơn La năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đồng hành cùng Linh Anh trong quá trình làm hồ sơ, anh Nguyễn Ngọc Khương, chuyên gia tư vấn độc lập ở bang Minnesota, Mỹ, đánh giá hồ sơ của Linh Anh mạnh về điểm số lẫn thành tích ngoại khóa.
Xuyên suốt thời gian học trung học, Linh Anh tham gia nhiều dự án ngoại khóa liên quan đến Vật lý và khoa học nói chung, từ nghiên cứu đến truyền tải kiến thức khoa học cho học sinh khác.
"Đây là một yếu tố mà nhiều đại học hàng đầu Mỹ coi trọng, đó là sự tập trung liên tục và nhất quán qua thời gian dài trong các hoạt động liên quan đến ngành học đại học sau này", anh Khương cho hay.
Còn thầy Nguyễn Văn Quảng, giáo viên môn công nghệ năm lớp 12 của Linh Anh, đánh giá học trò xuất sắc, có niềm đam mê với khoa học kỹ thuật, kỹ thuật điện tử, mạch điện. Thầy Quảng là người đã viết thư giới thiệu cho Linh Anh.
"Em ấy đã cố gắng rất nhiều để đạt được ước mơ này", thầy Quảng nhìn nhận.
Với Linh Anh, một năm gap year đã mang lại kết quả xứng đáng. Tân sinh viên Cornell sẽ nhập học vào tháng 8 năm sau, dự định học ngành Kỹ sư cơ khí. Cô khuyên các ứng viên tìm hiểu kỹ, tìm trường phù hợp và xác định sớm nơi muốn đến để có kết quả tốt nhất.
"Đặt cái tâm vào những thứ mình làm, khi đấy thành quả xứng đáng sẽ đến", Linh Anh chia sẻ.
Theo Vnexpress