Cựu Amser học ngành "đỉnh" nhất ĐH Bách Khoa Hà Nội: IELTS 8.0, GPA: 3,95
Chinh phục hàng loạt thành tích ở cấp THPT, khi trở thành sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, Trần Hồng Nhật lại tiếp tục ghi dấu ấn khi là sinh viên xuất sắc, nhận học bổng lại A với GPA 3,95/4.
Thành tích ngưỡng mộ của nam sinh Khoa học máy tính
Trần Hồng Nhật hiện là sinh viên Chương trình tài năng – Khoa học máy tính, K66, Trường CNTT&TT, Đại học Bách khoa Hà Nội. Theo chia sẻ từ Đại học Bách khoa Hà Nội, mới đây, Nhật đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc, nhận học bổng Khuyến khích học tập loại A kỳ II năm học 2022-2023 với GPA: 3,95; ĐRL: 96 và CPA 3.9.
Trước đó, trong kỳ thi vào lớp 10, Nhật thi đỗ cả Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nam sinh quyết định chuyển hướng học lớp chuyên Vật lý, Trường THPT Hà Nội – Amsterdam. Tuy nhiên, không chỉ học giỏi Vật lý, Nhật còn dành thời gian cho ngoại ngữ và đạt IELTS 8.0.
Trần Hồng Nhật, sinh viên Chương trình tài năng – Khoa học máy tín. Ảnh: HUST
Để được học ở ngôi trường mơ ước của bao người, Nhật đã lên kế hoạch nộp hồ sơ xét tuyển tài năng diện 1.3 (với giải Ba kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý năm lớp 11). Sau đó, cậu cố gắng thi tốt nghiệp THPT điểm cao để chắc chân vào Bách khoa và cuối cùng thi vào Chương trình tài năng - Khoa học máy tính. Năm đó, Nhật chỉ đặt nguyện vọng vào Đại học Bách khoa Hà Nội.
Chia sẻ về bí quyết học tốt các môn học ở Đại học Bách khoa Hà Nội, Nhật cho hay: "Mình lên lớp và chuẩn bị tài liệu đầy đủ. Chuẩn bị sách vở, các tài nguyên/bài giảng sẵn trên mạng. Tuần đầu tiên các thầy/cô thường giới thiệu môn học này gồm những vấn đề gì và các tài liệu sử dụng cho môn học… Trên cơ sở đó, tìm những tài liệu để học.
Đôi khi trên lớp không tiếp thu hết thì không cần lo lắng. Việc học trên lớp quan trọng nhất là biết thầy cô nhấn vào những kiến thức nào, phần nào là trọng tâm.
Thứ hai là cần có những người bạn đồng hành. Cuối kỳ, hệ thống lại tất cả kiến thức sẽ rất nhiều, nếu chỉ có một mình giải quyết thì chỉ được 80% vấn đề, 20% còn lại là trong quá trình trao đổi với các bạn, tất cả mọi người cùng xem lại "núi" kiến thức đó, tiết kiệm rất nhiều thời gian. Học tập cần có kế hoạch nhưng nên linh hoạt. Đặt mục tiêu vừa phải, ngắn hạn".
Không chỉ chuyên tâm học tập, Hồng Nhật còn tham gia Ban cán sự lớp, tham gia các hoạt động trên lab và là một Bí thư Chi đoàn năng nổ. Nhật từng bày cho các bạn trong lớp luyện thi tiếng Anh, luyện thi IELTS.
Luôn tạo cho mình thử thách
Học Đại học Bách khoa Hà Nội đã khó nhưng Nhật luôn đạt thành tích đáng ngưỡng mộ và thậm chí còn luôn tạo cho mình áp lực, thử thách, chinh phục hành trình mới. Được biết, học kỳ vừa qua Nhật đạt học bổng khuyến khích học tập khi đăng ký học đến 20 tín chỉ, trong khi chỉ cần học 15-16 tín chỉ/kỳ là ra trường đúng hạn.
"Em không định ra trường sớm, tính em không vội. Vốn nghĩ kỳ học sẽ như nhịp bình thường, em thử đăng ký học nhiều hơn cho đỡ… chán", Nhật vui vẻ chia sẻ.
Tuy nhiên, sau học kỳ này, Nhật cũng lấy cân bằng hơn: "Ôm đồm quá sức nên em cũng hơi mệt. Sau kỳ vừa rồi, em đăng ký học nhẹ hơn. Học căng một kỳ, kỳ sau lại giảm tải đi!".
Hồng Nhật và mẹ. Ảnh: HUST
Điểm "lạ" của Hồng Nhật là rất thích các kỳ thi. Khi vào phòng thi, không khí căng thẳng, áp lực khiến nam sinh càng tập trung hơn, hăng say làm bài hơn. Do đã có giải quốc gia về Vật lý nên Nhật không thể tham gia đội thi Olympic Vật lý của đại học. Hồng Nhật tiếp tục tìm cho mình sân chơi nghiên cứu khoa học.
Điều đặc biệt, bố mẹ Nhật nguyên là cán bộ Viện Hàn lâm và Khoa học Việt Nam và mẹ là cựu sinh viên Bách khoa ngành Kỹ thuật Hóa học, K26. Các thế hệ trước trong gia đình Nhật cũng đều là cựu sinh viên Bách khoa nên việc là sinh viên Bách khoa như một truyền thống của gia đình Nhật.
Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, Hồng Nhật cho biết dự định sẽ học thêm bằng về Tài chính - Ngân hàng ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhật tiết lộ: "Có thể sau tốt nghiệp sẽ thử sức làm những điều mới lạ, như làm IT trong ngân hàng, làm trí tuệ nhân tạo trong tài chính ngân hàng...".
Theo báo Dân Việt