[CHÀO MỪNG NGÀY 20/11] CÔ GIÁO TRẦN THỊ TUYẾT - NHỮNG CHIA SẺ TRÊN “CON ĐƯỜNG LAN TỎA TÌNH YÊU”
Học online vốn khó khăn, song những buổi học cùng cô giáo Trần Thị Tuyết vẫn vô cùng vui vẻ và hiệu quả. Trước chiếc màn hình máy tính nhỏ bé, bầu không khí học tập náo nhiệt cùng sự tương tác tích cực giữa cô và trò bắt nguồn từ đâu? Có chăng là từ sự nhiệt huyết, nỗ lực đổi mới không ngừng từ trong cách tư duy; hay là niềm yêu nghề, mến trò tăng lên từng ngày của “bông hồng đỏ” giữa rừng hoa thơm? Với một giáo viên giảng dạy bộ môn Vật Lý, đâu mới thực sự là điều tâm đắc nhất? Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ từ cô giáo Trần Thị Tuyết - giáo viên giảng dạy bộ môn Vật Lý thông qua cuộc phỏng vấn ngắn sau đây nhé!
Phóng viên (PV): Lời đầu tiên, con xin chân thành cảm ơn cô đã nhận lời tham gia cuộc phỏng vấn ngắn ngày hôm nay. Câu hỏi đầu tiên con muốn gửi tới cô, thưa cô, không biết cái duyên nào đã đưa cô đến với nghề nhà giáo cao quý ạ?
Cô Tuyết: Đến với nghề giáo là một cái duyên đối với cô: năm 1997, cô thi 5 trường đại học và đã đỗ cả 5, trong đó có cả khối kinh tế, ngành kế toán, cả ngành công nghệ thông tin, ngành nghề mà lúc bấy giờ vô cùng “hot”. Mặc dù vậy, sau khi cân nhắc cùng gia đình, cô lại quyết định đi theo tiếng gọi con tim: nhập học trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trở thành một giáo viên. Vốn lãng mạn và thích bay nhảy, cô rất háo hức khi được làm việc với lớp trẻ, được học hỏi ở các bạn những kỹ năng cùng những kiến thức mới, để con người mình từ đó luôn căng tràn sức sống. Với cô, ngành nghề nào cũng đều cao quý cả, miễn là mình làm với niềm say mê không ngơi nghỉ và với cái tâm của mình.
Cô giáo Trần Thị Tuyết trong ngày Nhà giáo Việt Nam
PV: Thưa cô, vậy tính tới thời điểm hiện tại, cô đã gắn bó với nghề được chính xác là bao nhiêu rồi năm ạ?
Cô Tuyết: Cô ra trường vào năm 2001, tính đến nay cô đã có 20 năm trong ngành giáo dục. Càng được tiếp xúc và giao lưu với các bạn trẻ, cô lại càng thấy yêu nghề hơn, thấy con đường mình đã chọn là đúng đắn đến thế nào! Điều cô tâm đắc nhất là: dạy học không phải chỉ là truyền thụ kiến thức, mà là truyền niềm tin, truyền lửa đam mê và lan tỏa tình yêu tới lớp trẻ!
Cô Tuyết trong tà áo dài trắng
PV: Trong suốt những năm đứng trên bục giảng ấy, không biết điều gì là điều khiến cô cảm thấy tự hào nhất? Cùng với đó, có điều gì còn khiến cô cảm thấy nuối tiếc hay không ạ?
Cô Tuyết: Niềm tự hào của cô chính là tất cả các con, những học trò nhỏ! Được thấy các con biết yêu thương, chia sẻ, biết đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập và rồi trở thành những con người độc lập, tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là điều cô tự hào nhất suốt những năm tháng cầm phấn trắng của mình. Điều cô còn tiếc nuối là gì? Đó là cô chưa đủ sức lan tỏa hết năng lượng của mình tới lớp trẻ. Cô luôn muốn nhắn nhủ với các học trò rằng: “Các con ơi, hãy cứ bước đi! Đừng sợ sai, đừng sợ vấp ngã! Điều sai lầm nhất là không dám bước đi, không dám làm và chưa làm đã lo thất bại”. Và khi thấy còn nhiều học trò chưa dám chia sẻ, chưa dám tương tác, chưa dám phát biểu cái mình nghĩ, nó trở thành một nỗi trăn trở thường trực trong lòng cô.
PV: Là một giáo viên giảng dạy bộ môn Vật lí - bộ môn luôn bị đánh giá là “khô khan” - cô đã làm thế nào để ngay cả những tiết học online của mình cũng trở nên gần gũi, thú vị?
Cô Tuyết: Các học trò của cô ai cũng đều thông minh và giỏi giang cả, chỉ là các con muốn làm gì, thích làm gì và lựa chọn học môn gì mà thôi! Việc của cô là làm học trò không chán ghét môn Vật Lý, làm học trò không sợ cô giáo. Khi học trò thấy yêu, thấy thích thú thì chắc chắn các con sẽ học tốt, không chỉ trong bộ môn Vật Lý mà với bất cứ thứ gì các con muốn. Nếu ai đánh giá Vật Lý là khô khan, đó hẳn là một sai lầm. Nhìn được ra thế giới bao la, ra cây cỏ thiên nhiên tuyệt đẹp; được bay lên bầu trời cao, được bơi xuống tận đáy biển; thấy được mặt, nghe được giọng người mình yêu thương… có thể làm những điều này đều nhờ Vật Lý. Vật Lý không khô khan, nó lãng mạn theo những cách riêng của mình. Chỉ ra điều đó cho học trò thấy chính là mấu chốt biến những tiết học gần gũi hơn, thú vị hơn. Cô là một người lãng mạn, và cô yêu môn Vật Lý. Cô muốn chia sẻ thêm một bí mật nữa, các thầy cô giáo dạy Vật Lý trường mình đều rất đa tài: hát, múa, nhảy, làm thơ, viết tự sự… Cô cũng thích làm thơ “con cóc” và hay viết bài tự sự, những chỉ để tự cảm nhận thôi!
Những câu hỏi “định hướng tư duy” trong một bài giảng online của cô
PV: Con được biết cô Tuyết rất yêu thiên nhiên cây cỏ. Vậy con có một câu hỏi vui muốn gửi tới cô: nếu coi nghề giáo là một loài hoa, thì với cô loài hoa ấy sẽ là loài hoa gì ạ? Cô có thể chia sẻ về lí do được không ạ?
Cô Tuyết: Loài hoa cô yêu thích nhất là hoa hồng, trong đó giống hoa cô thích nhất là hồng Pháp “Princesse de Monaco”. Hoa hồng tượng trưng cho tình yêu, loài hoa này luôn cần đủ nắng mới có thể khoẻ mạnh và trổ bông được. Những bông hồng vừa lãng mạn, vừa mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần quyến rũ, bởi lẽ đó cô cho rằng nghề giáo cũng vậy.
Cô Tuyết bên đóa hồng đỏ
PV: Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay đã là năm thứ thứ hai diễn ra dưới sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, không biết cảm xúc lúc này của cô như thế nào khi không thể trực tiếp đón nhận những lời tri ân từ các học trò của mình ạ?
Cô Tuyết: Dịch COVID-19 xảy đến như một biến cố, nó đã làm đảo lộn nhiều mặt của xã hội. Nhưng với cô, “Cô Vy” cũng đồng thời đem lại rất nhiều trải nghiệm: được thử sức với những khó khăn, được học nhiều hơn từ lớp trẻ. Phải kể đến đó là công nghệ 4.0, chính các học trò đã giúp cô rất nhiều, song song với đó bản thân cô cũng đã phải học hỏi nhiều hơn để không bị tụt hậu. Dẫu có chút hụt hẫng khi không thể trực tiếp đón nhận những lời tri ân từ học trò, song có một thứ không bao giờ thay đổi: dù offline hay online, dù có trực tiếp gặp mặt hay không, thì các con vẫn luôn là niềm tự hào của các cô. Ngay lúc này, cách tốt nhất để các con tri ân thầy cô là hãy sống thật tốt, hãy cứ đam mê, hãy bước đi, dù thất bại nhưng cũng đừng nản chí. Có đi đâu, tới tận phương trời nào cũng mang trong mình truyền thống tốt đẹp của Amser: yêu thương giúp đỡ và tích cực sẻ chia. Chỉ cần như thế đã là cách tốt nhất để tri ân thầy cô rồi!
PV: Lời cuối, một lần nữa con xin được cảm ơn cô vì đã nhận lời tham gia cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Con chúc cô có một ngày lễ 20/11 thật trọn vẹn, ý nghĩa; chúc cô mãi giữ được niềm nhiệt huyết, hăng say trong giảng dạy và tình yêu đối với mái trường Hà Nội - Amsterdam cũng như lứa trò nhỏ chúng con.
Tri thức bắt nguồn từ tình yêu thương, bởi lẽ đó bài học quý giá nhất chính là bài học dạy ta cách sống với những giá trị tích cực. Như vậy, có thể nói không lời tri ân nào quý giá hơn cách mà học trò cho các thầy cô thấy được sự vững vàng, trưởng thành hơn của mình qua từng ngày. Nhân ngày 20/11 - ngày Nhà giáo Việt Nam, Ams Wide Web muốn gửi tới cô Tuyết nói riêng và các thầy cô giáo trên khắp đất nước Việt Nam nói chung những lời chúc tốt đẹp nhất, với sức khoẻ dồi dào, niềm nhiệt huyết, hăng say và tình yêu nghề mãi nồng nàn trong máu.
Phóng viên: Nguyễn Trần Thanh Trang - Pháp 2 2124
Ảnh: do cô Tuyết cung cấp - Facebook cô Tuyết