The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

"Bật mí" về Vũ Thanh Trung Nam – Cậu bạn vàng của khối chuyên Lý trường Hà Nội – Amsterdam

Post by: trangdh | 24/07/2014 | 6648 reads

Ngày 20/7, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, cả 5 thí sinh của đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Vật lí quốc tế năm 2014 tại Cadắcxtan đều giành được thành tích cao, gồm có 3 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc. Trong đó, bạn Vũ Thanh Trung Nam – học sinh lớp 11 Lý 1- thành viên nhỏ tuổi nhất của đoàn Việt Nam đã đóng góp một huy chương vàng, viết tiếp trang sử vàng về truyền thống học tập của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Hãy cùng tìm hiểu về cậu bạn tài năng này nhé! Đây sẽ là một hành trình vô cùng thú vị với biết bao bí mật được “bật mí” đấy!

Từ nhỏ, Nam đã là một học sinh luôn dẫn đầu lớp và được thầy cô rất mực yêu quý. Ngay từ khi còn học tiểu học, cậu bạn này đã thích làm quen với những con số, những hình học và môn học mà cậu yêu thích là môn Toán. Chính từ niềm yêu thích môn Toán mà Nam đã bén duyên với các môn Khoa học Tự nhiên. Cấp 1, Nam học ở Trường tiểu học Thực Nghiệm sau đó là một trong số ít học sinh của ngôi trường này thi đỗ vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Sang năm cấp hai, đặc biệt là vào năm lớp 8, cậu dần thấy hấp dẫn bởi môn Vật lý. Từ ngày đó, cậu đã trở nên say mê với công thức công suất, áp suất, nhiệt lượng, định luật Acsimet, định luật Jun… Vật lý dần trở thành máu thịt của cậu bạn này. Từ giữa năm lớp 8, được sự ủng hộ, động viên của mọi người, cậu đã quyết định học ôn thi chuyên Lý. Học hết lớp 9 Nam dự thi vào 3 trường THPT chuyên gồm: Chuyên Khoa học Tự nhiên, Chuyên ĐH Sư phạm và THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Kết quả, Nam trúng tuyển cả 3 trường này với thành tích thủ khoa trường chuyên Khoa học Tự nhiên, á khoa trường chuyên ĐH Sư phạm và THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Sau cùng Nam quyết định chọn trường Hà Nội - Amsterdam vì đây là nơi đã gắn bó hồi học THCS.

Và quả thực, quãng thời gian học cấp 3 đã đánh dấu bước ngoặt của cậu bạn ham học này. Năm lớp 10, bạn đã may mắn được sự tận tâm hướng dẫn và giúp đỡ của cô giáo chủ nhiệm, cũng đồng thời là giáo viên dạy Lý – cô Hàn Thu Thủy và thầy giáo Đinh Trần Phương. Ngay từ thời gian đầu dẫn dắt lớp Lý, cô Thủy đã nhận ra sự đam mê môn Lý, tiềm năng và tư chất ẩn sâu ở trong Nam và tin tưởng đây là ứng cử viên sáng gia tham gia các kì thi với thành tích cao nhất. Cô Thủy chia sẻ:“Nam là một học sinh rất tuyệt vời! Thông minh, chăm chỉ, sáng tạo, học rất giỏi các môn và có niềm say mê môn Vật lý!”

Đúng như sự kì vọng của cô, vào năm lớp 11, Nam đã xuất sắc trở thành một trong tám thí sinh được đại diện cho đoàn Việt Nam tham dự kì thi Olympic Vật lý Châu Á- Tháu Bình Dương được tổ chức tại Singapore vào tháng 5 năm 2014. Tuy nhiên, đó có lẽ là thời điểm tài năng chưa chín muồi, may mắn vẫn chưa mỉm cười hoàn toàn với Nam khi cậu chỉ dành được Huy chương Bạc. Tuy có chút tiếc nuối vì không đạt được thành tích cao hơn nhưng tấm huy chương ấy vẫn là phần thưởng cho những nỗ lực và đam mê của cậu.

Trong quãng thời gian hai tháng kể từ khi dành HCB kì thi Olympic Vật lý Châu Á – Thái Bình Dương APhO 2014, Trung Nam lại tiếp tục quá trình ôn luyện của mình. Trong thời gian này, bên cạnh sự tận tình của cô giáo Hàn Thu Thủy, bạn đã được sự giúp đỡ, tận tình chỉ bảo của thầy Nguyễn Xuân Quang, tổ trưởng tổ Vật lý của nhà trường. Trong quá trình học, các thầy cô đã dạy cho Nam rất nhiều kiến thức và hướng dẫn cho bạn hiểu rõ bản chất các vấn đề, chỉ cho các cuốn sách hay để giúp Nam bên cạnh việc ôn luyện ở lớp cũng có thể tự học ở nhà. Và sau hơn hai tháng chăm chỉ, miệt mài ôn luyện, duy trì cách học hiệu quả như trước kia,  cậu bạn này lại tiếp tục trở thành một trong năm đại diện của Việt Nam tham dự một kì thi, nhưng lần này là một kì thi tầm cỡ hơn rất nhiều: Olympic Vật lý Quốc tế IPho 2014. Và không phụ sự kì vọng của mọi người, Nam đã mang về Việt Nam chiếc HCV cao quý, khi mà bạn mới chỉ học lớp 11 và là thành viên nhỏ tuổi nhất đoàn. Vậy là sau các phần thưởng cao quý nhất của các đội tuyển dự thi quốc tế như huy chương vàng Khoa học trẻ quốc tế, Olympic quốc tế Tiếng Nga, Olympic Vật lý quốc tế, trang sử vàng của trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam giờ đây đã được viết tiếp bởi một cậu bạn tài năng yêu khoa học...

(Lần lượt từ trái sang) Thầy Phương, Cô Thủy và Thầy Quang bên hai thành viên của đội tuyển Vật lý trường Ams khóa 10-13

Trong sự thành công của Nam, không thể không nhắc đến công lao to lớn của các thầy cô 

Khi được hỏi về “bí quyết” và được yêu cầu chia sẻ cách học, Nam cho biết: “Mình nghĩ để lọt vào các vòng thi cấp quốc gia, quốc tế, trước hết các bạn phải nắm vững kiến thức cơ bản và hiểu rõ bản chất của các vấn đề, ngoài ra các bạn nên trang bị cho mình một chút kiến thức Toán. Về thời gian học thì mình nghĩ các bạn học tầm 2-3 tiếng một ngày là đủ, còn về phần tài liệu các bạn ngoài làm các sách bài tập còn nên đọc thêm các sách lý thuyết vật lý đại cương”.

Bên cạnh sự quan tâm của nhà trường, thầy cô, trong suốt thời gian Nam ôn luyện, cậu cũng luôn được an tâm bởi hậu phương vững chắc thứ hai, đó là gia đình. Gia đình của Nam đã luôn động viên và chăm sóc, cổ vũ tinh thần, tạo cho Nam điều kiện học thoải mái nhất để tránh bị áp lực. 

Vậy thì có bạn nào tò mò trong lớp Nam là một học sinh như thế nào không nhỉ? Khi được hỏi về cảm nhận của các bạn trong lớp về mình, Nam chia sẻ:“Các bạn thường khen mình có kết quả học Lý khá tốt, có tinh thần quyết tâm, nỗ lực và còn nhận xét mình là một người nói nhiều nữa”. Tuy nhiên, khi được hỏi rằng bạn tự nhận xét mình như thế nào, Nam khiêm tốn trả lời:“Mình thấy kết quả học tập của mình mới chỉ khá thôi, mình còn phải cố gắng hơn rất nhiều để có thể đi thi lấy học bổng du học hoặc vào ngôi trường Đại học Khoa học Tự nhiên – trường mà mình ao ước. Bản thân mình thấy mình cũng khá trầm tính và được cái là có tính kiên trì rất cao”. 

Nếu đến với lớp 11L1, nơi cậu bạn này đang theo học, thì đặc điểm nhất ấn tượng nhất mà Trung Nam để lại cho các bạn cùng lớp đó chính là sự tiết kiệm. Nam được các bạn biết đến với biệt hiệu “siêu tiết kiệm giấy nháp”, bởi thật quá khó để có thể tìm thấy một chỗ trống trên tờ giấy nháp của Nam. Chính Nam cũng tự nhận:“Giấy nháp của mình đều là vở cũ và mình thường viết kín tất cả những chỗ có thể viết được trên tờ giấy. Đôi khi minh thấy như vậy là tiết kiệm thái quá, nhưng cũng thành thói quen rồi, mình cũng khó sửa lắm! Nhiều lần bố mẹ cũng bảo mình phải đổi cách nháp đi, cô Thủy còn đùa với mình là sẽ tài trợ nháp cho dùng nên không cần viết kín thế!” Đây cũng là “thương hiệu” của Nam có từ hồi học THCS. Giải thích về việc “tiết kiệm” giấy nháp một cách thái quá, Nam chỉ hóm hỉnh cho biết: “Thú thực mình nháp không theo trình tự nên cũng lộn xộn. Mình tận dụng mọi chỗ trống trên giấy để viết vì làm như vậy mình sẽ nhìn được tổng quan nhưng gì mình viết. Nếu viết qua tờ khác thì sẽ khó theo dõi.”

Thời gian nói chuyện với Trung Nam không được nhiều, nhưng cảm nhận của tôi về cậu bạn này có lẽ là sự khiêm tốn, đôi khi khiêm tốn quá đến mức rụt rè, ngại chia sẻ. Nếu mới tiếp xúc với Nam lần đầu, đừng ngại nói chuyện khi thấy Nam trông có vẻ khó gần nhé! Thực ra Trung Nam rất dễ gần, dễ nói chuyện đấy các bạn ạ! Cậu bạn này thực ra có rất nhiều điểm tốt nhưng luôn tự nhận mình “chẳng có đức tính gì tốt cả”. Hãy tự tin lên, Nam nhé! Cậu có nhiều điểm tốt đấy, Nam ạ, chỉ là cậu chưa phát hiện ra thôi...

Lời cuối cùng, chúc cậu sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa, Trung Nam nhé! Bây giờ cậu mới chỉ lên lớp 12, và cậu sẽ còn một năm để phấn đấu và gặt hái nhiều huy chương hơn nữa. Thành công của cậu chính là động lực phấn đấu học tập cho các học sinh trường Ams nói riêng và học sinh cả nước, học sinh thủ đô nói chung. Và mình tin tưởng rằng, chúng ta – những Amsers còn đang ngồi trên ghế nhà trường, sẽ cùng nhau lập thành tích hướng tới chào mừng kỉ niệm 30 năm thành lập trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.

PV: Hà Trang P2 1215