The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Đắng lòng trường học vùng cao

Post by: admin | 31/03/2011 | 6477 reads

Mặc dù là điểm trường chính nhưng tất cả các phòng học từ bậc mầm non đến cấp THCS đều là nhà tạm. Nơi ở cho học sinh nội trú là những túp lều lụp xụp

 Đó là thực trạng trường lớp của xã Na Cô Sa, huyện Mường Nhé (Điện Biên). Đây là một trong những xã nghèo nhất cả nước khi mà 4 yếu tố để phát triển đời sống kinh tế xã hội là “điện, đường, trường, trạm” vẫn còn gặp muôn vàn khó khăn.

Từ thành phố Điện Biên, để đến được Na Cô Sa cần phải vượt hơn 150km đường đèo đến ngã ba xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé. Từ ngã ba này cần phải tiếp tục đi khoảng 26km đường đất dốc, nguy hiểm. Nếu là những ngày khô ráo thì cần phải mất gần 2 giờ đồng hồ, còn nếu trời mưa thì mất khoảng 8 hoặc 9 tiếng thậm chí là không thể đi được vì đường quá trơn.

Đón chúng tôi tại ngã ba xã Quảng Lâm, anh Trần Ngọc Kiên - phó phòng GD-ĐT huyện Mường Nhé nhắc nhở: “Hiện nay ở Na Cô Sa vẫn chưa có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại cũng chưa đến được nên nhà báo cần chuẩn bị mọi thứ cần thiết ở ngoài này trước khi chúng ta lên đường”.

Thầy Cường - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Lâm, người tình nguyện cùng với anh Kiên đưa chúng tôi đến Na Cô Sa tâm sự: “Trước năm 2009, Na Cô Sa là một điểm trường phụ của xã Quảng Lâm. Ngày đó đường xá chưa được như bây giờ, thầy cô muốn vào trong đó phải đi bộ dưới lòng suối từ sáng sớm đến chiều tà mới đến nơi. Từ khi tách ra thành lập xã thì được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hơn nhưng vẫn còn gian truân lắm”.

 


Để đến được Na Cô Sa cần phải vượt qua những con đường đất dốc ngược như thế này. Nếu có mưa thì việc đi lại vô cùng khó khăn.

 

Cũng theo thầy Cường, thì vào những ngày mưa nếu đường không quá trơn để đi được xe máy thầy cô ở Na Cô Sa phải chế thêm cho lốp xe thiết bị chống trượt bằng cách buộc xích hoặc dây cao su vào lốp.

Trong chuyến công tác lần này, rất may mắn cho chúng tôi khi mà những ngày qua ở huyện Mường Nhé không có mưa nên đường vào Na Cô Sa thuận lợi hơn. Tuy nhiên, chặng đường đến UBND xã Na Cô Sa chỉ khoảng 18km nhưng chúng tôi cũng phải đi mất gần 2 tiếng đồng hồ. Sau khi gửi xe tại đây tiếp tục vượt khó 6km đường mòn nhỏ chúng tôi mới đến được điểm trường chính của Na Cô Sa.

Chồng chất khó khăn

Đứng trên bãi đất trống dốc ngược xuống, thầy Cường chỉ tay về phía những khu nhà lụp xụp thông báo: “Chúng ta đến nơi rồi. Đây là cơ sở chung của cả trường tiểu học và THCS Na Cô Sa”. Nhìn hướng thầy Cường chỉ mà chúng tôi giật mình bởi mặc dù đi thực tế ở các tỉnh vùng cao tương đối nhiều nhưng đây là lần đầu tiên được chứng kiến một điểm trường chính có cơ sở vật chất nghèo nàn đến vậy. Toàn bộ khu vực trường đều là những ngôi nhà tranh tre, nứa lá sơ sài. Mặc dù còn cách trường một khoảng đất trống nhưng không khó để có thể nhìn thấy rõ những hoạt động của cô và trò trong lớp.

 


Toàn bộ khuôn viên trường tiểu học và THCS Na Cô Sa nhìn từ trên cao.

 

Trường học được bố trí thành 3 khu nhà. Mỗi khu nhà được chia ra thành các phòng học nhỏ. Ngăn cách giữa các phòng chỉ là một tấm vách mỏng được làm từ tre, nứa. Thứ sang nhất trong mỗi phòng học là bảng viết và những bộ bàn ghế kiên cố do các dự án rót về.

 


Mỗi phòng học được ngăn cách bằng tấm phên tre. Thứ sang nhất của phòng học là bàn ghế và bảng viết.

 

Nghe tin có phóng viên đến thăm trường, ban giám hiệu cả 3 cấp học (mầm non, tiểu học và THCS) niềm nở ra đón tiếp. Mời chúng tôi vào trong căn nhà 3 gian chặt hẹp để cất bớt đồ đạc lỉnh kỉnh, thầy Quàng Văn Quyết - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Na Cô Sa ngần ngại nói: “Cơ sở vật chất còn rất nhiều khó khăn, nên nhà báo phải hết sức thông cảm cho nhà trường”.

 

Theo quan sát của tôi, mặc dù đây là căn nhà kiên cố nhất của Trường tiểu học Na Cô Sa dùng để làm phòng họp hội đồng, thư viện và phòng ban giám hiệu nhưng ngồi trong nhà có thể nhìn thấy mọi thứ xung quanh. Ngoài cùng là gian phòng dành để làm thư viện. Để tránh việc mưa gió ảnh hưởng đến thiết bị dạy học và sách vở ở thư viện, nhà trường cũng phải khó khăn lắm với mua được một ít vải bạt để che đậy bảo quản.

 


Phòng họp hội đồng ngổn ngang sách vở và thiết bị dạy học do phòng thư việnđã hết chỗ.

 

Kế tiếp đến căn phòng họp hội đồng chỉ có tuềnh toàng vài chiếc bàn gỗ và những chiếc ghế cũ nát, một khoảng lớn của căn phòng được dùng để chứa sách vở và các thiết bị dạy học do phòng thư viện quá hẹp. Trong cùng là phòng ban giám hiệu, đây là gian phòng được che đậy kín đáo nhất bởi nó có một nhiệm vụ quan trọng đó là bảo vệ thiết bị “quý giá” mà nhà trường vừa mới được hỗ trợ.

 


Phòng Ban giám hiệu được cho là kín đáo nhất với mục đích bảo vệ thiết bị máy phát điện sử dụng năng lượng mặt trời.

Chỉ tay về chiếc máy phát điện sử dụng năng lượng mặt trời, phó hiệu trưởng Quyết cho biết: “Xã Na Cô Sa được một tổ chức của Hà Lan hỗ trợ cho 3 chiếc máy phát điện sử dụng năng lượng mặt trời. Trước sự khó khăn của thầy cô nơi đây, xã đã ưu tiên cấp cho trường một chiếc. Mặc dù nguồn điện không lớn nhưng chí ít nó cũng sáng hơn so với việc dùng máy phát điện sử dụng sức nước”.

Tạm dừng câu chuyện, thầy Quyết xin phép ra ngoài và tiến nhanh đến khu vực bờ rào và cầm chiếc máy điện thoại đang treo lủng lẳng trên chiếc cọc tre nhỏ. Thấy vẻ ngạc nhiên của chúng tôi, anh Trần Ngọc Kiên giải thích: “Ở trong này chưa có trạm thu phát sóng viễn thông nên thầy cô phải đi dò tìm những điểm có “sóng rơi” và treo điện thoại ở đó. Mục đích là chỉ để nhận tin nhắn thông báo từ các Phòng, Ban. Chứ gọi điện thì không được”.

 


Chưa có điện lưới quốc gia nên sóng điện thoại cũng chưa đến.

Để liên lạc với bên ngoài thầy cô phải dò tìm "sóng rơi" để hi vọng nhận được tin nhắn.

Thầy Lò Văn Hiến - phó hiệu trưởng Trường THCS Na Cô Sa cho biết thêm: “Bây giờ đang là thời điểm thầy cô lên lớp. Chứ nếu hết giờ học thì toàn bộ khu vực tường rào này đều lủng lẳng những chiếc điện thoại treo. Hầu hết thầy cô ở đây đều là người ở dưới xuôi lên nên luôn ao ước nhận được tin nhắn động viên hỏi han của gia đình và người thân. Nhưng khổ nỗi ở đây không phải lúc nào cũng có “sóng rơi”. Chỉ những ngày nắng ráo thì may ra, còn nhưng hôm ẩm ướt thì chịu”.

Vắng bóng nhà công vụ và nội trú

Nhân lúc thầy Quyết ra kiểm tra điện thoại, chúng tôi tiến tới một dãy nhà xiêu vèo nằm kế sát phòng ban giám hiệu. Hầu hết các phòng đều tuềnh toàng, chỉ có một số ít phòng được che đậy kín đáo hơn bằng vải bạt. Buồn bã, thầy Lò Văn Hiến tiết lộ: “Đây là những phòng ở dành cho giáo viên ở đây. Hầu hết đều do chính tay các thầy cô tự xây dựng lên. Những phòng có che bạt là của giáo viên nữ để đảm bảo sự kín đáo”.

 


Nhà ở cho giáo viên đều do thầy cô tự tay xây dựng lên. Hầu hết các phòngđều tuềnh toàng như thế này.

Lời chia sẻ của thầy Hiến khiến lòng chúng tôi xót xa. Hầu hết giáo viên nơi đây đều là những người có độ tuổi rất trẻ đến từ các tỉnh miền xuôi như Hà Nam, Thái Bình, Thanh Hóa…thậm chí là cả ở Hà Nội. Chỉ lòng nhiệt huyết và sự cảm thông với sự khó khăn của vùng cao mới có thể thôi thúc họ lên đường đến với Na Cô Sa. Đáng lẽ ra những sự hi sinh đó cần phải được bù đắp phần nào, chí ít cũng là nơi ăn chốn nghỉ để họ có thể yên tâm công tác. Nhưng khi nhìn những phòng ở dành cho thầy cô nơi đây chắc hẳn không ai có thể gọi đó là “nhà công vụ”.

   

Trước sự cảm thông của chúng tôi, một thầy giáo bộc bạch: “Dẫu sao thì thầy cô còn “sướng” hơn các em học sinh ở nội trú. Nhiều lúc nhìn nơi ở của các em mà lòng chúng tôi đau xót lắm”. Như minh chứng cho lời mình nói, thầy chỉ tay về phía những căn nhà lụp xụp nằm sát cạnh khu phòng học ngấn lệ nói: “Nơi ở của các em đó nhà báo ạ”.

 


Khu nhà được gọi là nơi ở nội trú của học sinh.

 

Chúng tôi tiến đến cái nơi được gọi là nhà ở nội trú cho học sinh. Một đồng nghiệp đã phải thốt lên: “Sao các em có thể ở trong những ngồi nhà như vậy được!”

 

Gọi là nhà ở nội trú nhưng thực tế đó chỉ là các túp lều được các em dựng lên để ở. Diện tích của mỗi túp lều này chỉ vừa vặn để đặt chiếc giường tre nhỏ. Mọi sinh hoạt của các em trong việc nấu nướng, ăn uống đều được thực hiện trước mỗi cửa lều. Chính vì điều đó dẫn đến việc ứ đọng nước và gây sự mất vệ sinh ở mỗi lều ở.

 


Ngôi lều này là nơi ở của học sinh.

 

Phó hiệu trưởng Lò Văn Hiến chia sẻ: “100% học sinh ở đây đều là người Mông. Mặc dù người Mông có tục lệ kết hôn sớm nhưng việc ở tạm và sống gần nhau thế này dẫn đến tình trạng tảo hôn ở độ tuổi rất trẻ”. Thầy Hiến cũng cho biết, đầu năm học 2010-2011 toàn trường THCS có khoảng gần 270 học sinh nhưng đến nay chỉ còn 100 em chuyên cần đến lớp. Phần lớn các học sinh bỏ học đều là đối tượng lấy vợ hoặc lấy chồng.

 

 Trước những thực trạng và khó khăn trong việc phát triển giáo dục, anh Lê Ngọc Kim - Bí thư Chi ủy xã Na Cô Sa tâm tư: “Chúng tôi mong sao những hình ảnh thực ở Na Cô Sa sẽ được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa để làm sao có thể hỗ trợ xây dựng trường, lớp học kiên cố. Có như vậy thì mới lôi cuốn được các em đi học”.

Lê Sơn (theo Dân trí)