The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Hoàng đế Quang Trung - bậc kỳ tài

Post by: webams | 02/11/2018 | 8617 reads

Trong lịch sử dân tộc, hình ảnh những vị vua sáng nghiệp và rực rỡ với những bước ngoặt thúc đẩy tiến trình phát triển xã hội không nhiều. Hoàng đế Quang Trung là một người như vậy. Khởi nghĩa từ miền Tây Sơn, lần lượt đánh tan quân đội chúa Nguyễn ở phía Nam rồi ra Bắc phá tan cơ đồ chúa Trịnh tồn tại đã mấy trăm năm, sau đó lại chóng vánh tiêu diệt đội quân ngoại bang Xiêm La và quân đội nhà Thanh. Hướng tới kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2019), hãy cùng Ams wide web tìm hiểu về cuộc đời hoàng đế Quang Trung nhé

Vận hội thúc bách

Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của hoàng đế Quang Trung ta thấy chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi hơn 20 năm của lịch sử mà bao sự kiện dồn dập. Không xuất thân khoa bảng, không xuất thân võ tướng triều đình, chỉ là những người nông dân buôn bán, tụ nghĩa rồi phất cờ đứng lên. Lịch sử đã trao “con mắt xanh” cho vị thầy Trương Văn Hiến nhìn ra và đào tạo những con người thay đổi vận mệnh lịch sử. Thầy Trương Văn Hiến vốn là môn khách của Trương Văn Hạnh. Còn Trương Văn Hạnh lại là thầy dạy của Nguyễn Phúc Luân (cha của Nguyễn Ánh). Vì Trương Văn Hạnh bị Trương Phúc Loan hãm hại nên Trương Văn Hiến phải chạy vào Bình Định và tìm cách báo thù. Tương truyền, câu sấm: “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công” là của Trương Văn Hiến tạo ra cốt gây ảnh hưởng thần quyền cho ba anh em Tây Sơn. 

Không chỉ giỏi võ nghệ, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ còn sáng tạo ra phái võ của riêng mình. Nguyễn Huệ khai sáng Yến Phi quyền, Nguyễn Lữ khai sáng Hùng kê quyền và ba anh em cùng khai sáng Độc lư thương. Và sức mạnh của đội quân Tây Sơn dần dần trở nên mạnh mẽ ngoài việc giỏi võ nghệ còn là việc chế tạo ra những vũ khí tối tân hơn các đối thủ. Theo PGS. TS Đỗ Bang: “Chỉ riêng về trang bị, quân Tây Sơn đã đạt một trình độ kỹ thuật của tiêu chuẩn quốc tế mà các nước phương Đông, phương Tây hồi bấy giờ không thể so sánh kịp”. Ví như thuyền chiến Tây Sơn có thể chở được từ 700 đến 800 thủy thủ và mang được 60-70 đại bác. Trong khi thuyền chiến phương Tây trang bị cho Nguyễn Ánh chỉ được 200 người và 30 đại bác. Voi chiến Tây Sơn có thể chở 13 người và mang theo đại bác. 

Năm 1771, đánh dấu mốc cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bắt đầu với danh nghĩa diệt trừ quyền thần Trương Phúc Loan, phò giúp chúa Nguyễn Phúc Dương. Ngay từ ban đầu, anh em Tây Sơn đã có những võ tướng giỏi như: Nguyễn Thung, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú, Trương Mỹ Ngọc, Võ Xuân Hoài. Từ căn cứ địa Tây Sơn Bình Định, chỉ trong hai năm, nghĩa quân Tây Sơn đã làm chủ dải đất dài từ Quảng Ngãi tới Bình Thuận. Năm 1776, Nguyễn Nhạc xưng Tây Sơn Vương. Và chỉ trong vòng 7 tháng của năm 1777, quân Tây Sơn đã tiêu diệt cả hai chúa Nguyễn. Năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi xưng đế, đặt niên hiệu là Thái Đức.

Nguyễn Ánh bị thua trận nhiều lần nên cầu cứu Pháp. Quân Pháp bị thua trận. Nguyễn Ánh tiếp tục cầu cứu quân Xiêm. Và trong đêm 19 rạng 20 tháng 1 năm 1785 (đêm 9 rạng 10 tháng 12 năm Giáp Thìn), 20 vạn quân Xiêm đã bị đánh tơi bời trong trận đánh Rạch Gầm – Xoài Mút. 

Đánh xong trận Rạch Gầm – Xoài Mút, Nguyễn Huệ ngay lập tức quay lại phía Bắc đánh chiếm Phú Xuân. Rồi theo mưu kế của Nguyễn Hữu Chỉnh tiến quân ra Bắc. Chỉ trong mấy tháng sau trận Rạch Gầm – Xoài Mút mà các thành lũy của vua Lê chúa Trịnh trải dài từ Phú Xuân ra Thăng Long đều bị đánh tan, cơ đồ hơn 200 năm của nhà Trịnh tan thành mây khói. 

Cũng ngay trong năm 1787, Nguyễn Huệ từ Thăng Long quay ngay vào Nam đánh chúa Nguyễn Ánh. Rồi lại quay ra Bắc dẹp nạn Vũ Văn Nhậm phản bội. Xong việc, Nguyễn Huệ giao quyền cho Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm ở lại giữ Bắc Hà vì vua Lê Chiêu Thống đã bỏ chạy sang cầu viện nhà Thanh để quay lại Phú Xuân. 

Tháng 10/1788, vua Lê Chiêu Thống theo quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy rầm rộ kéo quân sang. Lúc này, cả hai mặt trận Nam – Bắc đều thúc bách và cần tới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ. Tính toán nhanh, Nguyễn Huệ quyết định thần tốc cất quân ra Bắc và dẹp tan đội quân 20 vạn nhà Thanh một cách chóng vánh sau đó sẽ quay lại phía Nam để đánh chúa Nguyễn. Để có tính chính danh, tháng 12-1788, Nguyễn Huệ ngay lập tức làm lễ lên ngôi hoàng đế tại Phú Xuân. Sau đó kéo quân ra Bắc.

Ngày 20 tháng 12 năm Mậu Thân (tức 15-1-1789), đại quân của Quang Trung đã ra đến Tam Điệp. Sau khi vạch rõ kế sách, Quang Trung chia quân làm 5 đạo rồi quả quyết ngày 7 sẽ ăn Tết tại Thăng Long. Thật không ngờ kế hoạch lại thành công trước 2 ngày dự kiến. Thực là phi thường.

Sau khi đánh tan quân Thanh, hoàng đế Quang Trung bắt tay kiến tạo đất nước. 

Hoài bão lớn 

Dù chỉ tại vị có 4 năm ngắn ngủi, nhưng vua đã chứng tỏ ngài không phải chỉ là một nhà quân sự lỗi lạc nhất trong lịch sử mà còn là một nhà chính trị xuất sắc nhất, với hùng tâm mở một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt.

Một con người kỳ vĩ như Quang Trung, nằm trong bối cảnh lịch sử xã hội phong kiến lúc bấy giờ tất nhiên không thể có thể chế nào khác ngoài chế độ quân chủ phong kiến. Tuy nhiên, tư tưởng của Quang Trung rất cải tiến so với các vị vua khác.

Cũng đề cao việc học, nhưng chỉ đạo của Quang Trung thật cụ thể và thiết thực. Đầu tiên là việc quyết định dùng chữ Nôm thay cho chữ Hán. Các văn bản hành chính như chiếu, chỉ đều sử dụng chữ Nôm. Các kỳ thi đều dùng chữ Nôm. Để chữ Nôm được phổ biến, năm 1791, Quang Trung đã cho lập Sùng chính viện để dịch kinh sách từ Hán sang Nôm. Và việc học, ngày yêu cầu từ nhà vua cho đến dân thường. Bản thân nhà vua thì 5 ngày học kinh sách một lần theo sự chỉ dạy của quan văn. Đối với dân thường, ngài cho mở trường học khắp các thôn xã trong Chiếu lập học ông ra lệnh: “Phải chọn Nho sĩ bản địa có học thức, có hạnh kiểm đặt làm thầy dạy, giảng tập cho học trò”. Những nơi nào không thể mở trường học thì mượn đình chùa làm nơi dạy dỗ. Vua Quang Trung là ông vua Việt nam đầu tiên đã có sáng kiến áp dụng một nền giáo dục phổ thông cho dân chúng.

Những cải cách này không được lòng nhiều nhà nho vốn quen lối cũ. Cùng với việc lập học, hoàng đế Quang Trung còn xuống chiếu cầu hiền. Và khi đã chọn được người hiền tài thì cũng trọng dụng dù đó là quan lại nhà Lê – Trịnh. Việc dùng kẻ sĩ của vua Quang Trung nổi tiếng ngay từ khi ông dùng Ngô Thì Nhậm lúc đánh quân Thanh: “Phải phiền ông làm một bài thơ đuổi giặc. Nếu không được thì túi dao, bao kiếm là phận sự của kẻ võ thần”. Và ngay khi vừa đánh tan quân Thanh năm 1789, Quang Trung đã cho tổ chức kỳ thi hương ở Nghệ An để tuyển chọn nhân tài do Nguyễn Thiếp làm chánh chủ khảo.

Về luật pháp, buổi đầu hoàng đế Quang Trung cho áp dụng chế độ quân chính rất nghiêm khắc. Đó là công việc tức thời trong bối cảnh đất nước nội loạn, ngoại xâm. Pháp lệnh chưa được lập, nên mọi việc thưa kiện đều do các quan và nhà vua xử. Ngay cả Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân, cũng chịu hình phạt như người dân. Theo PGS. TS Đỗ Bang: Hoàng hậu Ngọc Hân cũng có lần bị phạt đánh 20 đòn về tội bao che cho thân mẫu (vợ vua Lê Hiển Tông) vì thân mẫu đã xin tha cho các quan lại nhà Lê bất phục Tây Sơn. Tuy nhiên, nhận thấy tính cấp thiết của việc phải có ngay bộ luật, nên hoàng đế Quang Trung đã sai soạn ngay trong hai tháng. Tuy đến nay bộ luật này không còn (có lẽ do bị nhà Nguyễn tiêu hủy) nhưng từ năm 1793 đã được những thương nhân nước ngoài quan tâm và dịch ra tiếng Pháp. 

Về quân sự, quân lực Tây Sơn gồm 5 quân căn bản là: Tiền, Hậu, Trung, Tả, Hữu và những đội quân đặc biệt dùng như lực lượng trừ bị là: Tả bật, Hữu bật, Ngũ chế, Kiến thành, Thiên cán, Thiên trường, Thiên sánh, Hổ bôn, Hổ hầu, Thị Lân, Thị Loan. Ở các phủ huyện, có quân đội địa phương gồm có Ðạo, Cơ, Ðội. Quân chủ lực của Tây Sơn bấy giờ cứ 5 người mới có một cây súng trường, nhưng thiện dụng hỏa hổ, và gan dạ phi thường. Vì chuẩn bị đánh nhau với nhà Thanh sau này, ngài thu đố đồng trong nước để đúc đồ binh khí.

Về ngoại giao, thời đại Quang Trung là thời đại ngoại giao vàng son nhất lịch sử chúng ta. Từ xưa chưa có một vị vua nào tỏ vẻ lấn áp Trung hoa như vua Quang Trung. Trước hết, ngài đã không chịu thân hành đi đón sắc phong của vua Càn Long, hủy bỏ tục cống người vàng hằng năm cho Tàu để đền mạng Liễu Thăng đã có kể từ thời vua Lê Thái tổ. Và cuối cùng cử Đại tướng Võ Văn Dũng đi sứ nhà Thanh cầu hôn công chúa nhà Thanh và xin hai vùng lưỡng Quảng (Quảng Châu, Quảng Tây). Ðòi hỏi của vua Quang Trung đúng là sự khiêu khích đối với Càn Long, là một ông vua cao ngạo và anh minh vào bậc nhất đời nhà Thanh. Tuy nhiên, Càn Long đã phải chấp nhận để tỉnh Quảng Tây cho vua đóng đô và chọn ngày đưa công chúa Thanh qua Việt Nam. 

Không chỉ cứng rắn, mạnh mẽ trong mối quan hệ ngoại giao với nhà Thanh, hoàng đế Quang Trung còn có quan điểm ngoại giao tiến bộ đối với các nước phương Tây. Việc buôn bán hay truyền giáo của người nước ngoài được hoàng đế Quang Trung cho phép. Điều này trái ngược hẳn với nhà Nguyễn sau đó. Nhà Tây Sơn còn chủ động mời cả thương nhân châu Âu đến buôn bán.  

Ðến năm Quang Trung thứ tư, đời sống của người dân mười phần khổ cực trước đây đã bớt đến năm sáu. Khi tình hình đất nước bắt đầu có chuyển biến tốt thì Quang Trung đột ngột qua đời ở tuổi 39. Sau cái chết của ông, nhà Tây Sơn suy yếu nhanh chóng.

Lịch sử không thể nói hết những nét phi thường của vua Quang Trung. Ngài là một vị tướng bách thắng. từ lúc cầm quân đánh Phú yên cho đến lúc mất chưa bao giờ biết nếm mùi thất bại. Ngài là một nhà chính trị tài ba chứng tỏ sau bốn năm xây dựng Bắc hà qua các chính sách kinh tế, văn hóa, giáo dục. Khi Quang Trung mất, nhân dân nhiều nơi đã xây lăng, lập đền thờ, dựng tượng đài và bảo tàng để tưởng nhớ công lao của ông. Dù sau này nhà Nguyễn (đối thủ của nhà Tây Sơn) tìm nhiều cách xóa bỏ uy tín của Quang Trung (phá bỏ đền thờ, cấm người dân thờ cúng, truy lùng các bề tôi, con cháu của Quang Trung...) và gọi ông là "giặc" trong các tài liệu triều đình, nhưng ký ức về các chiến công của ông vẫn được những người mến mộ ông truyền tụng cho đến ngày nay.

 

 

Tổng hợp