The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

BABEL BABBLE _ Vấn đề ngôn ngữ dưới góc nhìn Tâm lý học

Post by: webams | 02/08/2018 | 3520 reads

Cuộc sống hiện đại càng văn minh, tiến bộ; bộ môn Tâm lý học càng trở nên gần gũi với con người hơn. Con người ta bắt đầu quan tâm nhiều tới Tâm lý học, không phải với tinh thần tìm hiểu thứ gì đó xa xôi trừu tượng, mà là kiếm tìm lời giải đáp cho những điều rất gần gũi xung quanh ta. Workshop Babel Babble, nằm trong chuỗi sự kiện M.I.N.D 3.0 của CLB Psi Ams, đã ra đời với mục đích mang một khía cạnh rất quen thuộc của cuộc sống trong góc nhìn Tâm lý học đến với các bạn: NGÔN NGỮ.

M.I.N.D 3.0 là chuỗi sự kiện tiếp nối của M.I.N.D và M.I.N.D 2.0. Đây là sự kiện hè thường niên của CLB Psi Ams với mục đích phổ biến những kiến thức Tâm lý học cơ bản và đáng tin cậy đến các bạn trẻ, mà đặc biệt là các bạn học sinh THPT trên địa bàn Hà Nội. Trải qua 2 mùa hè thành công và nhận được rất nhiều phản hồi tốt, M.I.N.D quay trở lại với tên gọi M.I.N.D 3.0, chủ đề Tâm lý học Nhận thức.

Workshop Babel Babble chính là sự kiện thứ 2, và cũng là sự kiện cuối cùng của M.I.N.D 3.0. Hãy cùng nhau tìm hiểu nguồn gốc cái tên Babel Babble cũng như những bí mật sẽ được hé lộ trong 3 buổi workshop tới đây nhé!

Cái tên "Babel Babble" được lấy cảm hứng từ Tháp Babel, tên một công trình gắn với cách Thiên Chúa giáo lý giải sự đa dạng ngôn ngữ. Theo Kinh Thánh, ngày xưa con người dùng chung một thứ tiếng; cuộc sống thịnh vượng khiến họ kiêu căng đi xây một toà tháp, chính là Tháp Babel, cao chạm tới cả Thiên đàng. Để cản trở điều này, Chúa khiến mỗi người nói một thứ tiếng khác nhau, dẫn đến không ai hiểu ai, lời người này đối với người khác như những tiếng bi bô vô nghĩa, làm việc xây tháp bị bỏ dở. Mặc dù câu chuyện về toà tháp chỉ là câu chuyện được dựng nên bằng trí tưởng tượng của con người để lý giải nguồn gốc về sự ra đời của các ngôn ngữ, nhưng nó lại gợi ra một vấn đề cần thiết trong cuộc sống: việc tìm hiểu các ngôn ngữ khác nhau, để từ đó tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau, giúp con người nối kết với nhau. Với tên gọi Babel Babble, Psi Ams muốn cùng các bạn tìm hiểu thêm về ngôn ngữ - sáng tạo kì diệu của loài người với chủ đề sự kiện: tìm hiểu về ngôn ngữ, từ cách con người sáng tạo và tiếp thu ngôn ngữ, đến cách ngôn ngữ được dùng để bộc lộ suy nghĩ.

Mục đích của sự kiện:

- Cung cấp thêm kiến thức về Tâm lý học Nhận thức.

- Giới thiệu cách tiếp cận ngôn ngữ mới theo góc nhìn của Tâm lý học cho người tham gia.

- Giúp người tham gia hiểu quá trình hình thành từ vựng và ngữ pháp của một số ngôn ngữ.

- Tạo môi trường giao lưu giữa những người yêu thích bộ môn Tâm lý học.

Để có thể truyền tải những kiến thức trên một cách trọn vẹn và khoa học nhất, workshop Babel Babble sẽ được chia ra làm 3 buổi với nội dung về 3 khía cạnh của ngôn ngữ: Từ vựng, Ngữ pháp và Ảnh hưởng của ngôn ngữ.

Nội dung cụ thể của từng buổi như sau:

- Ngày 1: Từ vựng: Làm thế nào con người phân biệt được từ ngữ và các tập hợp chữ cái vô nghĩa? Vì sao nhiều người nghĩ từ “pain” trong tiếng Pháp là “nỗi đau” trong khi nghĩa của nó là “bánh mì”?

 

- Ngày 2: Ngữ pháp: Tại sao các thứ tiếng khác nhau lại có một số thành phần ngữ pháp giống nhau như danh từ và động từ riêng biệt? Tại sao người học nhiều ngôn ngữ có xu hướng nói lẫn lộn các tiếng đó với nhau? Điều gì làm nên một câu được coi là rõ ràng về ngữ nghĩa?

 

- Ngày 3: Ảnh hưởng của ngôn ngữ: Ngôn ngữ được sử dụng để biểu đạt cảm xúc thế nào? Cách tư duy chi phối ngôn ngữ, vậy điều ngược lại có đúng không?

Bên cạnh nội dung của workshop, chúng mình xin gửi tới các bạn một số thông tin chi tiết về thời gian cũng như địa điểm tổ chức workshop:

- Link đơn đăng kí: https://goo.gl/vqHnKF

Deadline: 23h59 ngày 3/8/2018

- Thời gian: 14h00 - 17h00 ngày 6- 8/8/2018

- Địa điểm: Trường học nhiếp ảnh ColorMe số 58A đường Trung Kính, toà nhà Trung Yên I, Hà Nội

Để không bỏ sót bất kì thông tin quan trọng nào về workshop Babel Babble, hãy theo dõi facebook page Psi Ams: https://www.facebook.com/psiams/ nhé!

PV: Linh Chi – Văn 1619