Bộ không đồng ý 'cứu' thí sinh 27 điểm của ĐH Y
Bộ GD&ĐT từ chối phương án xin thêm 150 chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách nhằm cứu thí sinh 27 điểm vẫn trượt ĐH Y Hà Nội.
Sáng 8/8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, từ năm 2011, Bộ đã bỏ hoàn toàn hệ đào tạo ngoài ngân sách vì không được sự đồng tình của dư luận. Vì vậy, Bộ không thể thông qua phương án xin thêm 150 chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách để cứu những thí sinh được 9 điểm mỗi môn vẫn trượt ĐH Y Hà Nội.
Ông Ga cho biết, Bộ đã giao quyền tự chủ để các trường tự xác định chỉ tiêu đào tạo ở mức tối đa. Bộ duyệt tổng chỉ tiêu, còn việc phân phối đến các ngành là quyền của trường. Đối với ĐH Y Hà Nội (hay ĐH Y Dược TP HCM), điểm của thí sinh năm nào cũng cao vì hai trường này tập trung những học sinh xuất sắc.
ĐH Y Hà Nội đang nghiên cứu phương án điểm chuẩn hợp lý.
"Tổng chỉ tiêu của ĐH Y Hà Nội là 1.050, điều này không thể thay đổi. Trường có thể lên phương án điều chỉnh chỉ tiêu ở các ngành cho phù hợp để không bị lãng phí nhân tài", Thứ trưởng Ga nói và cho biết, trường cần tính toán kỹ số lượng thí sinh ảo vì số ảo tập trung ở khối B rất nhiều.
Trước đó, trong cuộc họp giữa Bộ Giáo dục, Bộ Y tế và ĐH Y Hà Nội, Bộ Giáo dục đã giải thích nguyên nhân khiến phương án của ĐH Y bị bác bỏ. Đó là nhằm đảm bảo công bằng giữa các thí sinh dự thi hoặc không dự thi vào trường. Nếu Bộ đồng ý tăng chỉ tiêu cho ĐH Y, một số trường có phổ điểm cao sẽ đòi công bằng và các trường ngoài công lập thì không đồng tình vì nguồn tuyển của họ giảm. Mặc khác, nếu đào tạo hệ ngoài ngân sách, học phí các em phải nộp sẽ rất cao.
Theo thống kê của ĐH Y Hà Nội, số lượng thí sinh dự thi vào trường được từ 27 điểm trở lên là 718, từ 27,5 điểm trở lên là 568, từ 28 điểm trở lên là 407 (đã tính điểm ưu tiên đối tượng, khu vực). Nếu lấy điểm trúng tuyển 27,5 sẽ thừa 112 chỉ tiêu, 28 điểm thì thiếu khoảng 40 chỉ tiêu (số lượng chỉ tiêu này thuộc phạm vi cho phép nếu trường không lấy).
(Theo Vnexpress)