The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Hội thảo bàn về Cải cách giáo dục Việt Nam hiện nay

Post by: admin | 28/09/2012 | 2947 reads

Vấn đề "cải cách giáo dục (CCGD) đặt ra tại buổi đàm "Đông kinh nghĩa thục (ĐKNT) và CCGD hiện nay" tổ chức vào chiều 20/9 được sự quan tâm đông đảo của giới tri thức, giảng viên, sinh viên các trường ĐH. Đặc biệt trong buổi tọa đàm còn có sự tham gia của hậu duệ ĐKNT. Số đông người tham gia đều trầm trồ, thán phục "tư tưởng giáo dục đi trước thời đại" của cha ông cách đây 105 năm...

Bài học

GS Nguyễn Khắc Mai, diễn giả buổi tọa đàm đúc kết: "ĐKNT trăm năm trước xuất hiện như một ánh sao băng trong lịch sử hiện đại Việt Nam, một đi không trở lại. Hình ảnh của nó, ánh sáng của nó, hiện tượng của nó ta chỉ ghi nhận được trong khoảng khắc, nhưng năng lượng của nó lan tỏa ra thì lan truyền mãi trong vũ trụ...."

Nguyên phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (đứng) đang phát biểu

"Cái năng lượng mà ta cần và phải tiếp nhận từ ĐKNT là những Minh triết mà chỉ có người thuở ấy tạo ra" - ông nói.

Rồi GS Mai đặt câu hỏi: Tại sao ngành giáo dục không nhân dịp kỷ niệm 105 năm ngôi trường vĩ đại - ĐKNT của dân tộc mà tổ chức một cuộc học hỏi thật nghiêm túc và thông tuệ để tiếp thêm năng lượng cho sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay? 

Đi sâu nghiên cứu các hoạt động của sĩ phu Việt Nam - nhà giáo Vũ Đình Khôi (Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây) tiếp lời, bài học từ ĐKNT được coi là một mẫu mực về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục. Cơ bản là phải thay đổi cái gốc. ĐKNT chỉ ra cái cơ bản là phải thay đổi tư duy - chừng nào chưa thay đổi được tư duy thì mọi thay đổi chỉ là vụn vặt và ngày càng rối, phản tác dụng dẫn đến cải tiến rồi lại...cải lùi.

Theo GS Khôi, sự đổi mới phải kết hợp được truyền thống của phương Đông kết hợp với phương Tây - phải dựa trên triết lý giáo dục "khai dân trí".

"Mục tiêu của ĐKNT là phải đào tạo ra những người biết độc lập suy nghĩ và tự hành động" thay vì đào tạo ra các thần dân bùi nhìn chỉ biết làm theo mệnh lệnh" - GS Khôi chia sẻ. Từ đó nội dung phải thay đổi - nội dung thay đổi thì phương pháp cũng phải thay đổi. Học trò phải có sáng tạo chứ không chỉ là "thầy giảng trò chép" "thầy bình trò nghe"...

Ông Đào Tiến Thi (NXB Giáo dục Việt Nam) hùng hồn phát biểu, ông đọc "những tư tưởng của các cụ - đọc đến đâu sáng đến đó và làm cho mình trở thành con người".

Cải cách ngược?

Theo nhà giáo Vũ Thế Khôi, muốn đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục thì phải kế thừa các bài học nêu trên. Phải đổi mới tư duy giáo dục cơ bản vì tư duy giáo dục chi phối mục tiêu. Mục tiêu là dạy chữ hay dạy làm người cần phải xác định rõ? Chứ hô hào "đổi mới toàn diện" nhưng chỉ thấy dạy chữ là chính, không thấy nội dung "dạy làm người".

"Tất cả CCGD chỉ tập trung vào chữ là chính: từ chữ có đầu chuyển sang chữ cụt đầu, từ a chuyển sang ô, từ ô chuyển sang e. Nay mai chưa biết chừng chuyển sang i ấy chứ?...." - GS Mai lo lắng.

Hệ thống giáo dục bao gồm một cấu trúc tầng bậc mục tiêu - nội dung - phương pháp. Trong thực tế, chúng ta không đổi mới mục tiêu nhưng lại đòi hỏi đổi mới phương pháp. Thậm chí không đổi mới nội dung, nhưng lại bắt dùng phương pháp mới để dạy cái cũ cho nên...càng rối.

CCGD theo nhiều nhà nghiên cứu hiện nay phải gắn liền với cải cách tư duy - phải xây dựng cho được một tư duy hệ thống, tiến bộ để thay thế cho tư duy ý thức hệ. Tư tưởng ĐKNT tiên tiến hơn rất nhiều tư tưởng tư tưởng giáo dục hiện nay đang chi phối nền giáo dục.

Ý kiến khác nêu thực tế, vấn đề GD Việt Nam hiện đứng trước mâu thuẫn: người có trí thì không có tiền, còn doanh nhân có tiền thì đầu tư tính toán vụ lợi từ hợp đồng, cổ phần, %... dẫn đến làm biến dạng các trường ĐH. Cho nên "thục" là trường tư nhưng "nghĩa thục". Các cụ xưa vì việc nghĩa mà bỏ công sức, tiền bạc, thậm chí chấp nhận vào tù....để làm nên một trường học đúng "nghĩa thục": ai đến học cũng được, không phải đóng học phí.

Không phải đổi "thần tượng"

Ghi nhận những giá trị ĐKNT khai mở, nhà giáo Phạm Toàn nêu quan điểm: Tất cả những gì sinh ra đều có lí riêng và nếu nó không đứng được cũng có cái lí riêng. Cho nên, tư tưởng không là gì cả mà cách thực hiện tư tưởng mới là vấn đề. Buổi tọa đàm "ĐKNT và CCGD hiện nay". Vậy chúng ta nên coi tư tưởng của ĐKNT như một tham chiếu và tất cả tham chiếu khác điều có giá trị như nhau.

"Phương pháp khôn ngoan nhất, minh triết nhất là Phương pháp cất rượu. Khi chúng ta có tất cả các thứ, nhưng phải có men để cuối cùng ra một sản phẩm không còn là ngô - khoai - sắn nữa mà là rượu" - lời nhà giáo Phạm Toàn.

Cách làm việc hiện nay là cách làm việc của nhiều vật liệu và men (vấn đề thuộc về phương pháp) để ra phương pháp làm CCGD. Chứ tư tưởng về CCGD thì cái nào cũng có một chút hợp lí riêng. Chúng ta không thể bỏ qua ý thức hệ. Phải có ý thức hệ này mới có ý thức hệ khác. Vấn đề là phải tìm ra được cái tổng quát nhất. Cái tổng quát nhất dựa vào đâu để đánh giá?

Cái tổng quát nhất là tất cả các khuynh hướng đều có thể chấp nhận và đánh giá phải dựa trên cái thực. Hiện nay người ta đánh giá dựa trên đánh giá của một bộ phận tự cho mình cái quyền đánh giá. Đánh giá phải dựa trên cái thực. Ví dụ, CCGD thì GD phải làm gì?

GS Nguyễn Khắc Mai đáp lời, khi chúng tôi nghiên cứu tư tưởng ĐKNT thì có người nhắn "Có phải các ông định nêu cao những người này và hạ thấp những người khác không? Tôi nói không - không bao giờ chúng tôi làm cách ngớ ngẩn như vậy. Nhưng cha ông là ai, là gì, là như thế nào thì mình phải biết.

Cho nên, ở đây không có chuyện "thay thần tượng" - đưa ĐKNT lên thay mà là kế thừa, bổ sung, làm tốt hơn - chứ không phải nâng "thần tượng này hạ thần tượng kia". Những bài học ĐKNT có ý nghĩa sâu sắc.
"Điều đáng tiếc là giáo dục hiện nay không làm bừng nở những năng lực sẵn có của con người mà làm thui chột đi. Đến mức ai có tài phải ra nước ngoài thi mới bừng sáng. Cách học của chúng ta cũng đang được nhìn nhận có vấn đề" - GS Mai băn khoăn.

Ông cũng mong muốn buổi tọa đàm đánh lên một tiếng chuông - tiếng chuông ấy không phải là tiếng chuông rè mà là tiếng chuông ngân vang có những âm sắc chói tới tai những nhà quản lí giáo dục của Bộ GD-ĐT....

"Nên rút những gì tinh túy nhất của ĐKNT để bổ sung đổi mới giáo dục toàn diện. Ai cũng thấy rằng GD-ĐT chúng ta hiện nay  còn bất cập. Mà GD tốt thì tất cả những việc khác của đất nước mới tốt. Vậy chúng ta phải làm gì cho công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục này?Theo tôi, trong ngành GD nhận thức vấn đề này chưa đầy đủ, xã hội nhận thức về giáo dục cũng chưa hẳn đúng....Việc chúng ta bàn hôm nay để góp sức - vậy cần xem mỗi người góp được vấn đề gì cho đổi mới GD toàn diện?

Nguyên phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình

Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời tại Hà Nội, chỉ tồn tại trong 9 tháng, từ tháng 3 đến tháng 12/1907.

Tên gọi có ý nghĩa: Ngôi trường mở tại đất Đông Kinh mang tinh thần đại nghĩa. Trường do hai nhà cách mạng Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu chỉ đạo về tư tưởng, thục trưởng là Lương Văn Can. Nhiều học giả nổi tiếng như Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Thượng Hiền, Dương Bá Trạc… tham gia phong trào này.

Lê Đức Thuận (Theo Vietnamnet)