“Thiên tài sống” bật mí bí quyết tạo ra diễn viên Robot như người thật
GS Hiroshi Ishiguro (GS bộ môn Hệ thống phát minh, Trường Cao học về Khoa học Kỹ thuật, Đại học Osaka – Nhật Bản) đã có buổi chia sẻ bí quyết phát minh ra các con Robot thông minh với sinh viên Việt Nam.
GS Hiroshi Ishiguro được biết đến trên thế giới là người là Trưởng nhóm thí nghiệm Robot thông minh và Truyền thông tại Viện Nghiên cứu Công nghệ viễn thông tiên tiến và ATR. Các nghiên cứu của ông chủ yếu tập trung vào hệ thống phân phối cảm biến, tương tác Robot và công nghệ Android.
Trong buổi thuyết trình và trình diễn công nghệ chế tạo Robot tiên tiến của mình tại Trường ĐH FPT của Việt Nam, GS Hiroshi Ishiguro đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm cũng như ý tưởng để sáng tạo ra những con Robot tiên tiến.
GS Hiroshi Ishiguro rất bất ngờ trước sự quan tâm, ham học hỏi, đam mê khoa học, muốn làm Robot của các sinh viên Việt Nam. Ảnh Xuân Trung
GS Hiroshi Ishiguro cho biết, công nghệ Android hiện đang được nghiên cứu để đưa vào áp dụng trong lĩnh vực GD&ĐT. Nếu áp dụng được trong các lớp học học sinh sẽ cảm thấy thú vị hơn. Tuy nhiên, đây là một ý tưởng tương lai không xa để thực hiện nó.
Thực tế, sự phát triển của khoa học công nghệ luôn luôn không ngừng, ngược lại muốn xã hội phát triển thì phải có khoa học công nghệ, do đó hai phạm trù này phải đi đôi với nhau. Để tạo ra được nhiều con Robot thông minh, tiên tiến thì phải cần tới nhiệm vụ của con người. GS Hiroshi Ishiguro cũng cho biết, hiện công nghệ cao đã được phát triển rộng trên toàn thế giới, việc chế tạo Robot giờ không còn là xa vời như trước kia.
Chia sẻ với sinh viên Việt Nam về ý tưởng làm Robot, GS Hiroshi Ishiguro cho rằng các bạn trẻ đừng vội nghĩ những câu hỏi ngu ngơ, thắc mắc của trẻ nhỏ là vô nghĩa, là buồn cười, mà hãy tôn trọng suy nghĩ đó một cách công bằng và nghiêm túc. Ảnh Xuân Trung
Đến Việt Nam, GS Hiroshi Ishiguro rất bất ngờ trước sự quan tâm, ham học hỏi, đam mê khoa học, muốn làm Robot của các sinh viên Việt Nam. Nhiều sinh viên các trường kỹ thuật mong muốn GS Hiroshi Ishiguro có thể chia sẻ một chút ý tưởng, cảm hứng để “lên khuôn” một con Robot. GS Hiroshi Ishiguro cho biết, quan trọng nhất trong nghiên cứu khoa học là tìm ra được điều gì đó mới, điều mới này không hẳn nằm trong SGK, do vậy phải học một cách cơ bản. Tìm ra thứ mới đó là mục đích của nghiên cứu khoa học. “Phải học, phải tìm ra thứ gì đó chuyên sâu cho mình”, GS Hiroshi Ishiguro nhấn mạnh.
GS Hiroshi Ishiguro cho rằng các bạn trẻ đừng vội nghĩ những câu hỏi ngu ngơ, thắc mắc của trẻ nhỏ là vô nghĩa, là buồn cười, mà hãy tôn trọng suy nghĩ đó một cách công bằng và nghiêm túc. “Đừng vì mình đã lớn rồi mà không đặt ra những câu hỏi theo kiểu trẻ con nữa. Bất kể ai cũng thế, thường đặt ra những câu hỏi rất ngớ ngẩn. Các bạn nên nhớ phải luôn luôn có những câu hỏi thắc mắc cho mình thì mới tìm được cái hay, cái mới, cái mà con người hướng tới”, GS Hiroshi Ishiguro khẳng định.
Rất nhiều sinh viên các trường ĐH ở Hà Nội tham gia buổi thuyết trình của GS Hiroshi Ishiguro. Ảnh Xuân Trung
Mang đến Việt Nam một số con Robot thông mình của mình, GS Hiroshi Ishiguro cho biết về cấu tạo và phương thức hoạt động của chúng chủ yếu sử dụng các động cơ nhỏ đều chuyển động. Các Robot được sử dụng bằng công nghệ Android thông minh trong lồng ngực và miệng để phát ra tiếng nói, âm thanh. Cơ chế hoạt động sử dụng không khí nén, giống như sử dụng bơm kim và đẩy, sử dụng xi lanh để tạo khí nén cho chuyển động.
Việc nghiên cứu Robot có những cử chỉ, hành động giống với người thật đang là mục tiêu của cac nhà khoa học. Tuy nhiên, theo GS Hiroshi Ishiguro công việc khó nhất hiện nay khi chế tạo Robot là ứng dụng các giác quan trong khi chế tạo. “Hiện nay có 6 giác quan thì thị giác có thể cảm nhận được nhưng khó nhất là thính giác. Chúng tôi đang nghiên cứu Robot có thể cảm nhận được bằng 6 giác quan của con người. Có thể không bằng con người nhưng sẽ cố gắng giống nhất”, GS Hiroshi Ishiguro chia sẻ.
Robot được chế tạo ra theo nhiều người đánh giá đó là một sản phẩm trí tuệ nhân tạo, vậy làm thế nào để áp dụng trí tuệ này như một lập trình viên? GS Hiroshi Ishiguro gợi ý: “Nếu chúng ta lựa chọn được địa điểm để ứng dụng trí tuệ nhân tạo thì có thể sử dụng được. Máy tính cũng chưa thể làm được việc nghe và nói, tuy nhiên với công nghệ hiện đại như ngày nay có thể ứng dụng được rộng rãi, nhưng quan trọng chúng ta ứng dụng công nghệ đó ở địa điểm nào cho phù hợp. Đó là thời đại trong tương lai, có thể là sang năm hoặc có thể là lâu hơn”.
Lê Đức Thuận (Theo GDVN)