The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Xử phạt nghiêm hành vi không đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 ở nơi công cộng

Post by: webams | 01/11/2020 | 1455 reads

Ngày 28/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.

Hiện nay, hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp bị áp dụng mức xử phạt về hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Hành vi này bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng theo khoản 1 điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP.

Tuy nhiên, theo điểm a khoản 1 điều 12 Nghị định 117, quy định mức phạt với hành vi không đeo khẩu trang ở nơi cộng cộng là từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng (mức phạt tăng gấp 10 lần so với quy định hiện nay). Phạt tiền từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc Covid-19; không thực hiện hoặc từ chối thực hiện biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch; không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch.

Song song với đó, Nghị định 117 cũng quy định những hành vi vi phạm việc áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo hướng tăng mức phạt tiền lên nhiều lần so với quy định hiện nay.

Cụ thể, khoản 3 điều 14 Nghị định 117 nêu rõ, sẽ phạt tiền từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng với hành vi lợi dụng dịch bệnh để định giá mua, bán giá bất hợp lý với thuốc, trang thiết bị y tế, nguyên liệu làm thuốc, nguyên liệu sản xuất trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Đây là nội dung hoàn toàn mới, không có trong Nghị định 176/2013 về xử phạt trong lĩnh vực y tế.

Ngoài ra, với hành vi trên còn có hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, chứng chỉ hành nghề dược, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trong thời hạn 12-24 tháng. Đồng thời, buộc hoàn trả cho người mua hoặc người bán toàn bộ số tiền chênh lệch. Trường hợp không hoàn trả được cho khách hàng thì nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Ban biên tập