Chương Trình Giáo Dục Trải Nghiệm Về Quốc Hội Việt Nam
Ngày 29/10, tại Hội thảo Chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội Việt Nam do VPQH phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức, nhiều ý kiến đề xuất mở rộng đối tượng tham gia Chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội, nhằm giúp thế hệ trẻ có thêm kiến thức về tổ chức bộ máy Nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng, nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo ông Hoàng Minh Hiếu, Vụ trưởng Vụ thông tin, Văn phòng Quốc hội cho biết, kết quả điều tra về nhận thức của người dân về Quốc hội thực hiện năm 2011 cho thấy chỉ có 20% người dân có nhận thức đầy đủ về Quốc hội. Vì vậy, từ tháng 9 năm 2017, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật bản triển khai Chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội Việt Nam tổ chức hơn 40 phiên giáo dục trải nghiệm về Quốc hội cho hơn 3.600 học sinh, sinh viên của một số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố.. Trong đó, đối tượng tham gia chương trình chủ yếu là học sinh bậc Trung học cơ sở, đặc biệt là học sinh lớp 8 vì trong chương trình có môn học tìm hiểu về nhà nước và pháp luật
Ông Hoàng Minh Hiếu, Vụ trưởng Vụ thông tin, Văn phòng Quốc hội thông tin về một số nội dung tổng quan về Chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội Việt Nam.
Mục đích của Chương trình nhằm giới thiệu cho học sinh tìm hiểu về Quốc hội, giá trị dân chủ mà Quốc hội đang đại diện, qua đó giúp học sinh hiểu được sự tham gia của người dân vào hoạt động của Quốc hội. Thông qua các Phiên họp mô phỏng Phiên họp toàn thể của Quốc hội, Chương trình lồng ghép nội dung các Luật nhằm tuyên truyền, phổ biến cho học sinh hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật. Đồng thời, Chương trình cũng góp phần rèn luyện kỹ năng mềm cho học sinh, nhất là khả năng làm việc tập thể và phát biểu trước công chúng.
Về các hoạt động chính của Chương trình, học sinh được tham quan công trình Nhà Quốc hội, tham quan phòng họp Diên Hồng, Bảo tàng Quốc hội và khu trưng bày khám phá khảo cổ học lòng đất Nhà Quốc hội. Các em cũng được tham gia trò chơi “Tìm hiểu về Quốc hội Việt Nam” với các câu hỏi tập trung vào tìm hiểu vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức hoạt động Quốc hội, nhằm tăng cường sự hiểu biết về lịch sử đất nước, lịch sử hình thành, phát triển của Quốc hội Việt Nam. Đặc biệt, học sinh được tham gia Phiên họp mô phỏng Phiên họp toàn thể của Quốc hội. Theo đó, trong thời gian khoảng 45 phút, các em học sinh được đóng vai là đại biểu Quốc hội và thành phần đại biểu tham gia các phiên họp để học sinh được trải nghiệm, học hỏi về tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Chia sẻ về Chương trình giáo dục trải nghiệm về Nghị viện Nhật Bản, ông Kayamori Yusuke, Phó Trưởng phòng Truyền thông, Vụ Tổng hợp, Văn phòng Thượng viện Nhật Bản cho biết, Chương trình trải nghiệm đặc biệt Thượng nghị viện Nhật Bản là chương trình đặc biệt mà các em học sinh sau khi đến tham quan Nhà Quốc hội sẽ được trải nghiệm mô phỏng theo hình thức đóng vai diễn cho các phần thảo luận về Dự thảo Luật tại các Ủy ban và các phiên họp chính thức của Quốc hội, nhằm làm cho các em học sinh hiểu sâu hơn về Quốc hội. Trong Chương trình, các em học sinh được tham gia với tư cách là các Nghị sỹ Quốc hội, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch các Ủy ban, Bộ trưởng, Nghị sỹ trình Dự thảo luật... Trong quá trình tham gia chương trình, học sinh được tham quan Nhà Quốc hội, tìm hiểu cơ cấu, vai trò, quy trình xây dựng và ban hành Luật.
Chương trình giúp học sinh tìm hiểu và trải nghiệm hoạt động của Quốc hội
Tại hội thảo, ông Đỗ Đức Quế, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có bài tham luận chia sẻ các nội dung liên quan đến hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Trong đó, hoạt động giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp là một trong những nội dung của Chương trình Giáo dục phổ thông mới, nhằm hình thành cho học sinh ở cấp tiểu học thói quen tích cực trong cuộc sống hàng ngày; thực hiện trách nhiệm của người học sinh ở nhà, ở trường và địa phương; biết tự đánh giá và tự điều chỉnh bản thân; hình thành những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hóa; có ý thức hợp tác nhóm và hình thành được năng lực giải quyết vấn đề.
Đối với cấp trung học cơ sở, hoạt động giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp giúp học sinh củng cố thói quen tích cực, nền nếp trong học tập và sinh hoạt; hình thành các giá trị của cá nhân theo chuẩn mực chung của xã hội; hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề trong cuộc sống; có hứng thú, hiểu biết về một số lĩnh vực nghề nghiệp…
Đối với cấp trung học phổ thông, hoạt động giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp sẽ giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở, học sinh có khả năng thích ứng với các điều kiện sống, học tập và làm việc khác nhau; có khả năng phát triển hứng thú nghề nghiệp và ra quyết định lựa chọn được nghề nghiệp trong tương lai; xây dựng được kế hoạch rèn luyện đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp và trở thành người công dân có ích.
Ông Đỗ Đức Quế đánh giá cao Chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội Việt Nam do Văn phòng Quốc hội Việt Nam thực hiện. Đây là một trong những hoạt động cần thiết, bổ ích nhất là trong thời điểm Việt Nam triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, giúp cho học sinh các cấp học có thêm kiến thức, hiểu biết về lịch sử hình thành, phát triển, vị trí, chức năng nhiệm vụ và hoạt động của Quốc hội Việt Nam.
Có số học sinh tham gia đông đảo nhất trong 3 năm thực hiện chương trình Giáo dục trải nghiệm về Quốc hội Việt Nam, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) Đặng Văn Tiến chia sẻ: "Trường đã tổ chức 3 khóa cho học sinh lớp 8 tham gia chương trình, bởi có bộ môn liên quan trực tiếp là Giáo dục công dân, nội dung học về Nhà nước và pháp luật. Qua đó cho thấy đây là chương trình ý nghĩa, bổ ích, thiết thực, thú vị với học sinh. Các em được tham gia trải nghiệm thực tế, mô phỏng hoạt động Quốc hội, được trang bị kiến thức tốt và tạo niềm đam mê học tập. Chương trình không những phù hợp với học sinh lớp 8 mà còn phù hợp với học sinh các lớp học khác, ngoài môn Giáo dục công dân, có thể tích hợp với môn Lịch sử và các môn có liên quan để lồng ghép kiến thức liên môn..."
Hiệu trưởng Trần Thuỳ Dương chụp ảnh lưu niệm tại nhà Quốc hội
“Hoạt động này vô cùng thiết thực với học sinh, nhất là khi nhiều em hiện nay có xu hướng du học, qua các kỳ thi vào các trường ở nước ngoài, các em thường hiểu biết về lịch sử, luật pháp và Quốc hội của các nước nhiều hơn là Quốc hội Việt Nam. Hy vọng đây sẽ là hoạt động thường niên của nhà trường, cho học sinh THCS, THPT được tham gia, có thể trực tiếp hoặc trực tuyến” - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam Trần Thùy Dương chia sẻ.
Tại hội thảo, đại diện các trường tiểu học, trung học phổ thông, đại học của Việt Nam mong muốn Chương trình được mở rộng cho các đối tượng học sinh các khối tiểu học và trung học phổ thông, không chỉ tập trung vào học sinh lớp 8, để thấy Quốc hội thực sự thân dân, gần dân. Tuy nhiên, chương trình cần mở rộng hơn với nhiều đối tượng, có nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Đại diện các nhà trường cũng mong muốn Ban tổ chức Chương trình sẽ xây dựng các kịch bản phù hợp với từng đối tượng học sinh để Chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội cho học sinh đạt hiệu quả cao hơn
Phó Giám đốc Học viện Tài chính Trương Thị Thủy cho rằng, chương trình có thể mở rộng, gắn sinh viên với các vấn đề của đất nước, có thể cho giảng viên, sinh viên học các chuyên ngành khác nhau dự thính khi Quốc hội thảo luận các dự án luật liên quan... Chương trình cần hoàn thiện cách thức tổ chức, nội dung, hệ thống tài liệu... Đặc biệt, kịch bản phiên họp mô phỏng phiên họp toàn thể của Quốc hội cần được thiết kế mở, để giới trẻ được sáng tạo, thể hiện chính kiến; có thể sự tham gia của ĐBQH để lắng nghe tâm tư, ý kiến của giới trẻ...Bên cạnh đó, tiến hành truyền thông bằng nhiều hình thức để giới thiệu về hoạt động của Quốc hội giúp nhiều đối tượng được tiếp cận hơn. Ngoài ra, đại diện các nhà trường cũng mong muốn Ban tổ chức Chương trình sẽ xây dựng các kịch bản phù hợp với từng đối tượng học sinh để Chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội cho học sinh đạt hiệu quả cao hơn. Đại diện trường Đại học Tây Bắc cũng kiến nghị có các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa có điều kiện tham gia Chương trình.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cho biết, hội thảo đã được nghe các báo cáo chuyên đề về một số nội dung tổng quan về Chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội Việt Nam; Đánh giá việc phối hợp triển khai Chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội trong khuôn khổ Dự án JICA; Cách thức tổ chức và những kết quả đạt được trong Chương trình giáo dục trải nghiệm về Nghị viện Nhật Bản; Hoạt động giáo dục trải nghiệm trong Nhà trường ở Việt Nam hiện nay…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cho rằng các câu hỏi của đại diện một số trường học được các chuyên gia Thượng viện Nhật Bản trao đổi thẳng thắn, cung cấp nhiều thông tin hữu ích nhằm thực hiện tốt hơn Chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội Việt Nam trong thời gian tới. Đại diện các nhà trường cũng khẳng định sự cần thiết phổ biến kiến thức về pháp luật, xã hội tới đối tượng học sinh, sinh viên các cấp học; đồng thời mong muốn mở rộng đối tượng tham dự ở cả tất cả các khối lớp của khối trung học cơ sở, sinh viên các trường đại học, nhất là học sinh, sinh viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Các ý kiến cũng đề nghị hình thức tổ chức Chương trình phong phú hơn, đa dạng hơn như xây dựng các video, trang web, xây dựng kịch bản đóng, kịch bản mở cho học sinh ở các cấp học khác nhau. Ngoài việc trải nghiệm, tìm hiểu kiến thức về Quốc hội, hoạt động này cũng được gắn với các môn khoa học xã hội khác trong quá trình học tập của học sinh, sinh viên. Một số ý kiến đề xuất bên cạnh tổ chức hoạt động theo hình thức truyền thống, có thể thực hiện theo hình thức trực tuyến để học sinh các địa phương khác có thể tham gia…../.
Tổng hợp