Xếp hạng toàn cầu cao nhờ 'văn hóa' giáo dục
Theo bảng xếp hạng toàn cầu được công bố bởi công ty giáo dục Pearson, hệ thống giáo dục Anh hiện đứng thứ 6 trong số các nước phát triển.
Các bậc phụ huynh Hàn Quốc đang cầu khấn cho con cái đạt kết quả cao trong kỳ thi
Vị trí đầu tiên và thứ hai lần lượt thuộc về Phần Lan và Hàn Quốc.
Bảng xếp hạng này được đưa ra dựa trên những dữ liệu và kiểm tra quốc tế như tỷ lệ tốt nghiệp từ năm 2006 tới năm 2010.
Ông Michael Barber – cố vấn trưởng giáo dục của Pearson cho rằng những quốc gia thành công là những quốc gia mang lại cho giáo viên một địa vị cao cũng như có “văn hóa” giáo dục.
Những so sánh mang tầm quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đang trở nên ngày càng quan trọng và bảng xếp hạng mới nhất này được dựa trên một loạt kết quả kiểm tra trên toàn cầu cộng với các tiêu chuẩn đánh giá một hệ thống giáo dục, ví dụ như có bao nhiêu sinh viên đại học.
Bảng nhận xét tổng hợp này đánh giá Anh cao hơn so với kết quả từ các bài kiểm tra Pisa của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế).
Cạnh tranh toàn cầu
Hai siêu cường quốc về giáo dục là Phần Lan và Hàn Quốc dẫu đầu, tiếp sau đó là 3 hệ thống giáo dục xuất sắc khác là Hồng Kông, Nhật Bản và Singapore.
Vương quốc Anh – được xem là hệ thống giáo dục duy nhất – giành vị trí đầu bảng trong nhóm trên trung bình gồm có Hà Lan, New Zealand, Canada và Ireland.
Nhóm xếp hạng trung bình là Mỹ, Đức và Pháp.
Xếp cuối bảng là Mexico, Brazil và Indonesia.
Vị trí xếp hạng được rút ra dựa trên những bài kiểm tra được tiến hành 3-4 năm/ lần ở các lĩnh vực như Toán, Khoa học và Đọc, do đó hiện lên một bức tranh tụt hậu trong vài năm.
Tuy nhiên, mục đích là để cung cấp một cái nhìn đa chiều hơn về những thành quả của giáo dục và tạo ra một ngân hàng dữ liệu sẽ được cập nhật trong một dự án mà Pearson gọi là Learning Curve.
Nhìn vào những hệ thống giáo dục đã thành công, nghiên cứu này kết luận rằng ngân sách cho giáo dục là quan trọng, nhưng vẫn không quan trọng bằng văn hóa – một yếu tố hỗ trợ cho việc học tập.
Nghiên cứu cũng nói rằng chi tiêu giáo dục dễ hơn phương pháp giáo dục, nhưng những tác động từ thái độ của xã hội tới giáo dục có thể tạo ra khác biệt lớn.
Thành công của các quốc gia châu Á trong bảng xếp hạng này cho thấy sự kỳ vọng của các bậc phụ huynh có liên quan tới thành tích của con trẻ. Điều này có thể tiếp tục là một nhân tố khi các gia đình di cư sang quốc gia khác – báo cáo kèm theo bảng xếp hạng cho hay.
Nhìn vào 2 quốc gia đầu bảng là Phần Lan và Hàn Quốc, báo cáo nói rằng có nhiều khác biệt lớn, nhưng yếu tố cốt lõi là niềm tin xã hội và “mục tiêu đạo đức cơ bản” của nền giáo dục đó.
Chất lượng giáo viên
Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ giáo viên chất lượng cao và sự cần thiết của việc tìm ra cách thu hút một đội ngũ tốt nhất. Điều này có thể là vấn đề địa vị, sự tôn trọng cũng như mức lương.
Xếp hạng này cũng cho thấy không có mối liên hệ rõ ràng nào giữa việc trả lương cao và việc đạt thành tích cao.
Nghiên cứu cũng nói rằng có những hậu quả kinh tế trực tiếp của hệ thống giáo dục yếu kém và hệ thống giáo dục tốt, đặc biệt là trong một nền kinh tế toàn cầu hóa và dựa trên kỹ năng.
Dữ liệu “quan trọng”
Tỷ lệ trường tự chủ cao cũng là một đặc tính của nhiều hệ thống giáo dục xếp hạng cao, dẫn đầu là Trung Quốc, Hà Lan, Anh và Hồng Kông.
Tuy nhiên, Phần Lan – hệ thống giáo dục thành công nhất lại có tỷ lệ trường tự chủ tương đối thấp.
Ông Michael Barber – cựu cố vấn của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair nói rằng việc thu thập những thông tin này là “sự bắt đầu của một thứ gì đó quan trọng”. Nó cung cấp một nguồn tin thực tế cho các nhà hoạch định chính sách muốn học hỏi từ các quốc gia khác.
Về thành tích của giáo dục Anh, ông cho rằng nó đúng với nhận xét: các tiêu chuẩn giáo dục đã tăng lên vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, sau đó chững lại.
Phát ngôn viên giáo dục của Đảng Lao động Stephen Twigg cho biết phát hiện này phản ánh những thành tựu của Chính phủ trước đó.
“Báo cáo này cho thấy sau 13 năm đầu tư và cải cách của Đảng Lao động, các trường học của Anh đã nằm trong số những trường tốt nhất thế giới”.
Ông cũng cho rằng những phát hiện này không phải là bằng chứng cho thấy sự hỗ trợ của Chính phủ hiện tại với các trường học miễn phí.
Một phát ngôn viên của Bộ Giáo dục Anh nói: “Chúng tôi đang điều chỉnh những tiêu chuẩn theo bảng xếp hạng bằng cách đưa những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất vào giảng dạy, phát triển một chương trình đẳng cấp thế giới và lập lại trật tự lớp học của chúng tôi”.
Phát ngôn viên này cũng cho biết Bộ Giáo dục Anh đang tiếp tục thúc đẩy những chương trình trường học miễn phí và sẽ giới thiệu một hệ thống kiểm tra mới nghiêm ngặt hơn.
HN-Ams
(Theo BBC)