Những năm gần đây, các ngành nghề khoa học kĩ thuật, tài chính ngân hàng trở nên hấp dẫn, mở ra nhiều cơ hội mới cho học sinh theo học khối A, B. Tuy nhiên, đứng trước xu thế nổi lên những ngành nghề “nóng” như vậy, một bộ phận lớn học sinh theo khối C, D cảm thấy hoang mang, lo lắng cho tương lai của mình. Kéo theo xu thế đó là hiện tượng cả xã hội thấy bất an hơn khi càng ngày càng ít học sinh muốn theo học các môn Văn, Sử, Địa; các trường đại học khối khoa học xã hội càng ngày càng vắng bóng thí sinh dự thi ngành Sư phạm, Lịch sử, Văn học, Triết học, Lưu trữ...
Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, thách thức lớn đặt ra cho xã hội lại là vấn đề nổi trội: làm thế nào để “hòa nhập nhưng không hòa tan”. Đó là lý do khiến một ngành học mới đang càng ngày càng được quan tâm nhiều hơn: văn hóa học và ứng dụng các kiến thức văn hóa trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Một số trường đại học mở ra ngành đào tạo Văn hóa học như trường ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Văn hóa TPHCM... để đáp ứng nhu cầu mới của xã hội. TS. Đặng Hoài Thu - trưởng khoa Văn hóa học, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho biết: "Khoa Văn hóa học đào tạo cử nhân Văn hóa học để xây dựng một lực lượng lao động mới có kiến thức cơ bản, hệ thống, hiện đại về văn hóa, có khả năng nghiên cứu, tổ chức và tham gia các hoạt động văn hóa... Khoa Văn hóa học luôn mong muốn mang đến cho sinh viên những kiến thức mới nhất để có thể ứng dụng trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay”.
Nghiên cứu văn hóa hiện nay như một lối mở mới cho học sinh theo các khối C, D có thêm nhiều khả năng tham gia vào các ngành nghề có tính năng động, nhạy bén hơn.
Có nhiều chuyên ngành được xây dựng từ ngành văn hóa học như chuyên ngành Nghiên cứu văn hóa, Văn hóa Truyền thông, Văn hóa đối ngoại hay hoạt động Công chúng... Mỗi chuyên ngành đều có những mục tiêu đào tạo cụ thể và càng ngày càng găn bó với thực tế công việc và nhu cầu xã hội hơn. Trong khi sinh viên các trường khoa học xã hội đang càng ngày càng khó khăn hơn về hoạt động xác định nơi làm việc sau khi ra trường thì dường như nhu cầu về nguồn nhân lực dành cho các vị trí có đào tạo chuyên sâu về văn hóa học ngày càng cao hơn trong xã hội.
Có thể kể đến những vị trí cụ thể như chuyên viên nghiên cứu, khảo sát, phân tích, điều tra các giá trị văn hóa cá nhân và cộng đồng; chuyên gia thẩm định, đánh giá các chương trình tài trợ đầu tư phát triển văn hóa xã hội; chuyên viên lập dự án văn hóa, hoạch định các chính sách về văn hóa hay các giảng viên giảng dạy, nghiên cứu về văn hóa Việt Nam và thế giới; Phóng viên, biên tập viên, thông tín viên, bình luận viên, phát thanh viên, người sản xuất chương trình, người dẫn chương trình, chuyên viên quan hệ công chúng, chuyên viên quảng cáo, cộng tác viên... liên quan đến văn hóa được đào tạo bài bản về các kĩ năng làm chương trình nhưng kiến thức về văn hóa lại chưa đủ khiến cho các chương trình chưa thực sự hoàn thiện cả về nội dung lần hình thức.
Phải chăng đó là một lối mở mới cho những thí sinh khối C, D có thể mở rộng cơ hội ngành nghề của mình trong quá trình lựa chọn đăng kí thi đại học?
Theo Dân Trí
Hằng Anh (Chuyên Văn 10 - 13)