Nhiều trường ĐH công bố chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012
Nhiều trường đại học vừa công bố dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012. Theo đó, nhiều trường cơ bản giữ ổn định như năm trước nhưng nhiều trường tiếp tục tăng chỉ tiêu tuyển sinh và có khá nhiều điểm mới thí sinh cần chú ý.
Trường ĐH Giao thông vận tải, dự kiến tổng chỉ tiêu năm 2012 là 5.000, tăng 300 so với năm 2011. Trong đó, chỉ tiêu khu vực phía Bắc là 3.500 và phía Nam là 1.500. Hiện trường vẫn có 15 ngành đào tạo. Theo ông Nguyễn Thanh Chương, trưởng phòng đào tạo của trường cho biết: “Tuyển sinh 2012, trường không thay đổi nhiều so với năm trước. Trường không tổ chức thi khối A1”.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ông Hoàng Minh Sơn, trưởng phòng đào tạo của trường cho biết, trường vẫn thực hiện theo phương thức “3 chung”, hình thức tuyển sinh vẫn theo như năm trước. Tổng chỉ tiêu của trường năm nay cũng không thay đổi, hệ đại học 5.200, hệ cao đẳng 800”.
Trường ĐH Công đoàn năm nay lại giảm 200 chỉ tiêu tuyển sinh. Tổng chỉ tiêu vào trường năm 2012 là 2.000.
Trường ĐH Mỏ Địa chất, theo PGS.TS Lê Trọng Thắng, trưởng phòng đào tạo của trường, chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay tăng hơn so với năm trước. Cụ thể, hệ đại học là 3.500 chỉ tiêu, tăng so với năm trước 300 chỉ tiêu, hệ cao đẳng 1.000 chỉ tiêu, tăng 400 so với năm 2011. Trường mở thêm chuyên ngành mới là ngành Hệ thống điện, Xây dựng dân dụng, Xây dựng hạ tầng cơ sở và ngành Kỹ thuật môi trường. Hệ cao đẳng, trường mở thêm chuyên ngành mới là Công nghệ thông tin.
Trường ĐH Điện lực năm nay cũng tăng 300 chỉ tiêu. Theo đó, tổng chỉ tiêu vào trường năm 2012 là 2.600. Ông Bùi Đức Hiền, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết, trường tăng chỉ tiêu do năm vừa qua trường tăng số lượng giảng viên và xây dựng thêm nhiều cơ sở vật chất. Trường dự kiến và đang xin Bộ GD-ĐT mở thêm mã ngành mới là Xây dựng, trong đó có chuyên ngành là Công trình điện. Về phương thức tuyển sinh, trường giữ ổn định như năm 2011, không thay đổi nhiều.
Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam năm nay về cơ bản giữ ổn định như năm trước, thi theo hình thức “3 chung”. Đối với khối thi, trường dự kiến tổ chức thi thêm khối A1 (theo quy định của Bộ GD-ĐT) đối với các ngành có thi khối A.
Đối với Khối V: gồm Toán, Lý và môn năng khiếu (môn Vẽ mĩ thuật). Môn Vẽ mĩ thuật nhân hệ số 2 và chỉ tổ chức thi tại cụm thi ĐHLN - Hà Nội. Thí sinh sẽ làm hai bài thi, gồm: (i)- bài thi chính (vẽ tổ hợp tĩnh vật có nền - 7 điểm) và (ii)- bài thi phụ (kiểm tra khả năng sáng tạo của thí sinh theo chủ đề - 3 điểm). Thí sinh cần chuẩn bị các vật dụng: bảng vẽ khổ A3, bút chì (loại HB, 2B, 3B, v.v...), kẹp cố định giấy, que ngắm tỷ lệ.
Điểm trúng tuyển theo khối thi và nhóm ngành học. Nếu thí sinh không đủ điểm vào ngành đăng ký sẽ được chuyển vào ngành khác cùng khối thi có điểm trúng tuyển thấp hơn (nếu còn chỉ tiêu). Trong quá trình học, sinh viên được xem xét chuyển nguyện vọng học.
Nếu thí sinh không đủ điểm vào đại học sẽ được đăng ký xét tuyển vào Cao đẳng.
Ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên: đào tạo theo chương trình tiên tiến với sự giảng dạy của các Giáo sư, Tiến sĩ đến từ của Đại học tổng hợp Colorado - Hoa Kỳ); hỗ trợ SV học tiếng Anh trong 6 - 12 tháng đầu để đủ điều kiện học tập bằng tiếng Anh, học phí 1.200.000 đồng/tháng, học bổng 1.000.000đồng/tháng cho sinh viên khá, giỏi. Sau khi nhập học, sinh viên có thể đăng ký học theo chương trình liên kết đào tạo 2+2 giữa trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam với các trường Đại học hàng đầu Trung Quốc các ngành Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật xây dựng công trình, Công nghệ Chế biến lâm sản, Lâm sinh, Kế toán, Công nghệ sinh học... Sinh viên học 2 năm đầu tại Việt Nam (được hỗ trợ học tiếng Trung Quốc), học 2 năm cuối tại Trung Quốc. Bằng tốt nghiệp được cấp bởi Đại học phía Trung Quốc.
Lê Đức Thuận (Theo Dân trí)