The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Trò chuyện với “người anh cả” lớp 12 Trung: Nguyễn Đức Cường

Post by: webams | 18/11/2019 | 3011 reads

Ngay từ những ngày đầu tiên bước vào lớp, thầy Cường đã gây ấn tượng mạnh cho lớp 12 Trung. Với khuôn mặt trẻ trung, ai cũng cho rằng đây là một người bạn học đi nhầm lớp, chứ không phải là giáo viên dạy thay môn Toán cho lớp. Tuy vậy, trải qua hơn 1 năm, những tiết học Toán với thầy không chỉ đơn thuần là giải những bài tập nữa mà đan xen những câu nói đùa, những tiếng cười và chia sẻ về cuộc sống hằng ngày như những người thân trong gia đình.

PV: Chào thầy! Lời đầu tiên em xin cảm ơn thầy đã dành thời gian phỏng vấn với AWW ngày hôm nay. Khi mới vào trường, không biết thầy đã có ấn tượng với học sinh trường Ams như thế nào ạ và liệu những ấn tượng có gì thay đổi sau hơn 1 năm giảng dạy không ạ?

Lúc đầu khi mới vào trường, thầy đã nghĩ học sinh Ams đa phần các em chắc sẽ không thật gần gũi với các thầy cô giáo vì là học sinh thành phố. Thầy vốn xuất thân từ làng quê ra, quen với cuộc sống rất tình cảm, nhớ ngày trước chia tay các thầy cô mà cả lớp còn khóc thút thít cơ, nên tất nhiên không tránh khỏi sự so sánh. 

Thế mà sau hơn một năm thì thầy có cái nhìn khác hẳn đấy. Học sinh Ams chính ra rất gần gũi và có những bạn cũng rất tâm lí nhé, nhìn thấy cả những mệt mỏi của các thầy cô và hay hỏi thăm, động viên thầy cô nữa. Có một điều nữa, học sinh Ams rất giỏi, nhưng nhiều bạn lại chưa nhìn ra tiềm năng của mình, nên cứ tự ti không đáng có ấy. Các em không biết rằng mình thực sự là tương lai, là trụ cột của cả đất nước, cả thế hệ mới đấy! Không lâu đâu!

Hình ảnh thầy Nguyễn Đức Cường, giáo viên môn Toán học

PV: Trong khoảng thời gian này liệu thầy có kỉ niệm nào thầy không thể quên được không ạ?

Chắc là lúc đầu bước vào lớp 11 Trung (năm nay là 12 Trung rồi). Lúc đó, các bạn nhìn mình như người ngoài hành tinh ấy, thật sự không thể quên ánh mắt mấy bạn lúc bấy giờ, rất là... dân tộc và đáng yêu. 

PV: Vậy thầy có thể chia sẻ kỉ niệm 20/11 đáng nhớ nhất khi còn là học sinh hoặc sinh viên không ạ? 

Thầy bây giờ cũng chẳng thể nhớ nổi chi tiết nữa, nhưng những 20/11 đáng nhớ nhất có lẽ trải dài khắp tuổi thơ thầy. Những lần đó, thầy còn bé thôi, nhưng mà yêu các cô lắm (dù bị mắng suốt), tặng các cô bông hoa hồng được lớp tự bọc trong báo. 

Rồi năm lớp 10, lớp thầy các bạn đều rời quê hương ra các trường chuyên ngoài này học hết, nhưng 20/11 tất cả hẹn nhau về trường cũ. Tuy không đủ hết nhưng cả lũ luôn kéo nhau đến nhà các thầy cô, trò chuyện xem ra Hà Nội những gì mới, ôn lại chuyện xưa. Tình thầy trò đơn giản mà rất ấm áp.

Hình ảnh lớp 12 Trung và thầy 

PV: Là một giáo viên mới, thầy có gặp khó khăn gì trong lúc giảng dạy không ạ?

Khó khăn lớn nhất khi dạy ở Ams là các bạn có các định hướng khác nhau trong một lớp học. Bạn thì chỉ cần đỗ tốt nghiệp thôi, bạn thì thi đại học. Việc cân bằng cả lớp đau đầu phết đấy! Thi thoảng có vài bạn kiểm soát thời gian cá nhân chưa tốt, tập trung vào hoạt động ngoại khoá nhiều quá, hay dành nhiều thời gian cho các chứng chỉ như SAT, IELTS và nộp đơn du học mà bỏ bê học trên lớp. 

Thứ nữa, không chỉ học sinh Ams, mà cả học sinh các trường khác hầu hết vẫn chưa biết được học toán để làm gì, có ứng dụng gì vào cuộc sống. Các em mới chỉ biết giải bất đẳng thức, bất phương trình hay khảo sát hàm số tìm max min, nhưng chưa thấy ứng dụng lớn lao của nó trong những bài toán tối ưu, bài toán kinh tế. Các em biết giải phương trình logarit, tính lãi suất ngân hàng, nhưng cũng chưa biết rằng Warren Buffett từng nói rằng: “Có 3 thứ làm nên tài sản đồ sộ của tôi: Gen tốt khiến tôi sống lâu, nước Mĩ với những cơ hội tuyệt vời, và quan trọng nhất, thứ ba chính là lãi suất kép.” 

PV: Cuối cùng, nhân dịp 20/11, thầy có lời gì muốn nhắn nhủ với học sinh không ạ?

Tự tin lên nhé, và hãy sống một cách kỷ luật. Kỷ luật không phải là kìm kẹp ngăn cản các em đến với thế giới, nó không cướp đi sự tự do của các em. Trái lại, đến một ngày các em sẽ hiểu rằng: kỷ luật là sức mạnh, là cội nguồn của tự do, không có kỷ luật thì sẽ không có sự tự do. Cái mà các em đang ảo tưởng là mình đang tạo ra tự do cho mình, bằng việc thả trôi mình nhiều quá, dễ tính với mình quá, nó lại là nhà tù vô hình mà chỉ ở tương lai, khi đi làm rồi các em nhìn về mới thấy rõ được.

Sống kỷ luật, thực ra rất đơn giản, ví dụ như đặt mục tiêu mỗi ngày ngồi vào bàn học mấy tiếng này; mỗi tuần đi tập thể thao 4-5 tiếng này; đi ngủ trước mấy giờ và dậy trước mấy giờ này; không đi học muộn; một ngày uống ít nhất 2 lít nước, cứ 15 phút uống một ngụm nhỏ... những điều đó tưởng rất đơn giản thôi, nhưng sẽ tạo cho các em nền tảng sức mạnh không tưởng đấy!

Một lần nữa em xin cảm ơn thầy vì đã dành thời gian phỏng vấn ngày hôm nay! Nhân ngày 20/10 em xin chúc thầy luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn thành công trong cuộc sống!

PV: Doãn Thị Thanh Hà- Trung 1720

Ảnh: NVCC