TRÒ CHUYỆN CÙNG ANH LÊ HOÀNG MINH: TÂN SINH VIÊN ĐẦY TÀI NĂNG CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC CORNELL
Du học Mỹ đã không còn xa lạ với các bạn trẻ hiện nay nói chung và các Amsers nói riêng. Hàng năm, ngoài việc đạt thành tích cao trong các cuộc thi về văn hoá, thể thao, trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam còn tự hào với số lượng học sinh được nhận vào các trường đại học danh tiếng trên Thế Giới. Hãy cùng phóng viên của AWW khám phá hành trình bước tới đại học Cornell của anh Hoàng Lê Minh nhé!
PV: Chào anh Hoàng Minh, lời đầu tiên em xin chúc mừng anh vì kết quả thành công mỹ mãn trong đợt tuyển sinh vừa qua. Anh có thể chia sẻ một chút cảm xúc của mình hiện tại khi nhận được lá thư chấp nhận và chính thức trở thành tân sinh viên Cornell’24 được không ạ?
Hoàng Minh (HM): Cảm ơn các em! Lá thư chấp nhận của trường Đại học Cornell như “soi sáng” cả kỳ tuyển sinh của anh vậy, vì trước đó anh đã nhận khá nhiều thư cho vào danh sách chờ hay từ chối nhập học. Tất nhiên là được một trường đại học lâu đời và danh giá như Cornell gọi tên thì anh cảm thấy rất vui và hào hứng với 4 năm học tiếp theo của mình tại nơi đây rồi. Anh cũng muốn gửi lời cảm ơn đến bố, mẹ, các thầy cô, bạn bè và những người thân đã động viên anh trong quá trình ứng tuyển vào các trường đại học Mỹ, và nhất là Cornell rất nhiều – khi mỗi năm mùa tuyển sinh lại càng trở nên khó khăn và khốc liệt hơn.
Anh Lê Hoàng Minh trong buổi chụp kỷ yếu với lớp
PV: Du học Mỹ là ước mơ của rất nhiều người sau khi hoàn thành cấp bậc THPT. Chắc hẳn, quá trình apply hoàn toàn không hề dễ dàng. Quá trình apply của anh bắt đầu từ bao giờ và diễn ra như thế nào ạ?
HM: Như bao bạn bè cùng trang lứa khác, anh bắt đầu chuẩn bị cho quá trình apply vào các trường đại học Mỹ từ cuối năm lớp 10 – đầu năm lớp 11. Lúc có một vài bạn có điểm SAT, ACT, TOEFL hay IELTS cao rồi, anh cũng khá lo lắng vì mình chưa chuẩn bị kịp (học kì I lớp 10 anh thi IJSO). Quá trình chuẩn bị cho điểm thi và các yếu tố khác của bộ hồ sơ của anh kéo dài từ thời điểm đó… thậm chí là đến giữa tháng 2, khi anh thi thêm một số bài thi phụ hoặc phỏng vấn theo yêu cầu của tuỳ trường. Nền tảng tiếng Anh của anh cũng không thật sự mạnh nên việc chuẩn bị có hơi gian nan và khó khăn với anh chút, nhưng anh nghĩ chính sự khó khăn và thú vị của mùa apply làm anh cảm thấy biết ơn công sức của những người đã hỗ trợ mình rất nhiều.
PV: Anh có dự định theo đuổi ngành nào và lý do tại sao anh lại chọn ngành đó ạ?
HM: Là một học sinh đang học lớp chuyên Hóa, hiện tại anh đang có ý định theo học tiếp ngành này trên đại học. Anh thấy môn Hoá có rất nhiều ứng dụng thú vị, chẳng hạn như điều chế các loại dược phẩm chữa bệnh hay xử lý môi trường. Tuy nhiên, trường Đại học Cornell cho phép sinh viên đến cuối năm thứ hai (hoặc đầu năm thứ ba) mới phải xác định rõ chuyên ngành mình theo đuổi sau này, nên anh sẽ cố gắng tận dụng các cơ hội và trải nghiệm ở trường tốt nhất để biết rõ mình thích gì và muốn làm gì trong tương lai.
PV: Quá trình tuyển sinh vào đại học Mỹ thường rất khắt khe và cân nhắc thí sinh một cách tổng thể, từ điểm số trên lớp, điểm thi chuẩn hoá cho đến các hoạt động ngoại khoá và các bài luận, vậy việc chuẩn bị hồ sơ nên bắt đầu khi nào ạ?
HM: Theo anh, việc chuẩn bị hồ sơ nên bắt đầu càng sớm càng tốt. Điểm trung bình các môn học trên lớp tất nhiên là phải cố gắng trong suốt năm học rồi. Còn anh thấy thời gian để thi các chứng chỉ chuẩn hoá tốt nhất là nên từ học kỳ II của lớp 10 đến học kì II của lớp 11. Việc bố trí lịch học các chứng chỉ này hợp lý sẽ giúp các em tăng tối đa cơ hội nâng cao điểm số, làm đẹp thêm bộ hồ sơ của mình (TOEFL/IELTS chỉ có hạn 2 năm nên theo anh tốt nhất các em nên thi chứng chỉ này vào tầm học kì II của lớp 11). Còn về hoạt động ngoại khóa, anh nghĩ các hoạt động này nên được bố trí xuyên suốt trong năm học và nếu có thể thì nên tập trung vào hè lớp 10 và lớp 11. Ngoài các điểm thi chuẩn hóa cũng như hoạt động ngoại khóa, việc chuẩn bị luận chính, luận phụ và thư giới thiệu theo anh nên bắt đầu từ tầm hè lớp 11 (tháng 6, 7) để đến gần deadline các em sẽ có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh nhất.
Anh Hoàng Minh (ngoài cùng bên trái) chụp cùng đội tuyển IJSO
PV: Theo anh, nên tham gia các hoạt động ngoại khoá như thế nào để phát triển bản thân và làm mạnh hồ sơ một cách tốt nhất ạ?
HM: Các trường Đại học tại Mỹ theo anh nhìn các hoạt động ngoại khoá theo cả hai hướng: có tập trung đến chuyên ngành các em định học sau này hay không và các em có cố gắng thử sức trên nhiều lĩnh vực hay không. Theo anh, các em nên xây dựng các hoạt động ngoại khoá tập trung để chủ yếu liên quan tới chuyên môn của mình, và nên bổ sung thêm 2 – 3 hoạt động ngoài chuyên môn để tăng thêm sự đa dạng, phong phú cho hồ sơ. Ngoài ra, việc tham gia các hoạt động ngoại khoá nếu bắt đầu từ lớp 10 (hoặc lớp 9 thì càng tốt) và xuyên suốt trong suốt năm học cũng như lên được vị trí lãnh đạo thì rất tốt. Còn nếu không, anh thấy các em tham gia với niềm đam mê học hỏi, cống hiến cũng như làm hết sức của mình đã là tuyệt vời rồi.
PV: Cuối cùng, anh có những lời khuyên gì gửi tới các em khoá 1821 sẽ nộp hồ sơ năm sau?
HM: Anh biết giữa thời điểm dịch COVID-19 đang bùng phát trên nhiều quốc gia, các bài thi chuẩn hóa cũng như các hoạt động ngoại khoá đều đang bị hoãn lại hoặc hủy. Giữa thời điểm như thế này, anh nghĩ các em có thể dành thêm thời gian để ôn nốt các chứng chỉ chuẩn hoá rồi khi nào hết dịch sẽ là “điểm rơi phong độ” của các em để đi thi với kết quả tốt nhất. Các hoạt động ngoại khoá cũng có thể được triển khai trực tuyến, tận dụng nền tảng mạng mà các em đang có (các em có thể tham gia một số khóa học trên Coursera hay các nền tảng trực tuyến khác được các trường đại học nước ngoài cung cấp khóa học chẳng hạn). Hoặc nếu các em đã hoàn thành xong các yếu tố trên, chuẩn bị viết luận chính, luận phụ và các yếu tố khác của bộ hồ sơ vào bây giờ sẽ giúp các em tranh thủ được thời gian và chuẩn bị sức lực tốt nhất cho mùa apply khá căng thẳng và gay go này. Lời cuối cùng, anh chúc các em mạnh khỏe, thành công và may mắn, nhất là với mùa apply năm sau!
PV: Cảm ơn anh đã nhận lời tham gia phỏng vấn, chúc anh có những trải nghiệm thật thú vị tại ngôi trường mơ ước của mình!
PV: Trần Mai Liên - Địa 1922