Trò chuyện cùng Đặng Anh Tú – thành viên nhóm thí sinh đạt giải Tư Hội thi Khoa học trẻ Quốc tế ISEF 2014
Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế dành cho học sinh trung học (Intel ISEF) năm 2014 diễn ra từ ngày 11 - 16/5/2014 tại Los Angeles (California, Hoa Kỳ). Đăng ký 6 dự án tham dự hội thi, chung cuộc, đoàn học sinh Việt Nam đã có 2 dự án đạt giải Tư, một trong đó là dự án “Nghiên cứu thu nhận Lipid từ sinh khối vi sinh vật lên men rơm rạ hướng tới nguyên liệu sản xuất Biodiesel” của nhóm thí sinh Đặng Yến Lan, Trần Tiến Đạt và Đặng Anh Tú đến từ Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội.
Hãy cùng chúng tôi trò chuyện cùng các bạn ấy và tìm hiểu quá trình cũng như các khó khăn các bạn ấy gặp phải trong thời gian tham dự Hội thi này nhé!
1. Chào các bạn! Đạt giải Tư trong một cuộc thi khoa học quốc tế quả là một kết quả ấn tượng phải không? Vậy trước khi thành công ở Hội thi ISEF năm nay, điều gì đã thôi thúc các bạn đến với hội thi? Tại thời điểm ấy các bạn đã có bất kỳ ý tưởng cũng như chuẩn bị trước cho cuộc thi không?
Đầu tiên cảm ơn bạn về lời chúc mừng vừa rồi! Với mình thì đây dù chưa phải là kết quả ấn tượng nhất nhưng đây là sự ghi nhận thành quả lao động sau gần 1 năm thực hiện đề tài. Trước khi tham gia hội thi, niềm đam mê khoa học chính là động lực lớn nhất thôi thúc mình đến với cuộc thi. Trong thời gian đó, ý tưởng về việc kết hợp việc tận dụng rơm rạ sau mỗi mùa gặt và giải quyết vấn đề thiếu hụt năng lượng do nguồn năng lượng hóa thạch dần cạn kiệt, cùng với vốn kiến thức sinh học và hóa học của mình, đó là hành trang đầu tiên để mình bắt tay thực hiện đề tài.
2. Mình được biết trong quá trình dự hội thi các bạn luôn có sự trợ giúp của các thầy cô. Vậy thì sự giúp đỡ ấy chính xác là trên những phương diện nào? Các bạn có cảm thấy phụ thuộc hay không?
Thành công của đề tài có sự đóng góp và trợ giúp tận tình của các thầy cô và các nhà khoa học. Sự bổ sung kiến thức cũng như rèn luyện kĩ năng của Nhóm Khoa học và các thầy cô của ban cố vấn đến sự tận tâm, chỉ bảo và hướng dẫn của các nhà khoa học của phòng Vật liệu sinh học – Viện Công nghệ Sinh học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tất cả đã giúp mình hoàn thiện bản thân hơn để có được kết quả như ngày hôm nay. Trong quá trình thực hiện đề tài, các thầy cô và các nhà khoa học luôn tạo cơ hội để mình có thể tự thể hiện bản thân. Hầu như tất cả các thí nghiệm, nghiên cứu cũng như bổ sung kiến thức, các thầy cô và nhà khoa học chỉ gợi ý và nêu ý kiến, còn mình phải tự thực hiện và tìm hiểu, bởi vì đó là cách duy nhất để mình hiểu đề tài hơn – chìa khóa quan trọng cho sự thành công của đề tài.
3. Trong suất quá trình tiến đến thành công năm nay, các bạn có gặp bất kỳ khó khăn hay áp lực lớn nào không? Bạn có thể kể cụ thể khó khăn hay áp lực đó?
Có chứ. Những trở ngại và khó khăn trong quá trình thực hiện đề tài chính là động lực, sự thôi thúc mình để làm đề tài, giúp mình hoàn thiện kĩ năng hơn. Kỉ niệm lớn nhất chính là khi mình làm thí nghiệm giữa trưa hè nắng nóng, nhưng mình vẫn cố gắng hoàn thành thí nghiệm để giữ vững tiến độ đề tài.
4. Các bạn có suy nghĩ gì về các ý tưởng khác trong cuộc thi không? Các bạn có ấn tượng gì về các nhóm cạnh tranh?
Đây là một cuộc thi quốc tế, và các đề tài cũng là các đề tài mạnh nhất của các đoàn dự thi, vì vậy những ý tưởng của các đề tài này, theo mình, chính là những ý tưởng xuất sắc và mang ý nghĩa thực tiễn lớn. Với những nhóm đề tài khác, ấn tượng đầu tiên chính là cảm xúc của các bạn. Khi giao lưu với các nhóm đề tài, các tác giả luôn thể hiện tình yêu, sự đam mê và nhiệt huyết với đề tài. Thứ hai là ý tưởng. Xuất phát từ những câu hỏi thực tế cuộc sống và xã hội đặt ra, các bạn đã nêu lên ý tưởng nhằm trả lời câu hỏi và hiện thực hóa giấc mơ của mình. Và chính hai điều mình nêu lên ở trên cũng là hai tiêu chí chấm điểm quan trọng nhất của hội thi.
5. Các bạn tự tin nhất về điều gì trong dự án của nhóm mình? Đối với các bạn, giải thưởng ở Hội thi ISEF 2014 có ý nghĩa gì?
Tự tin là liều thuốc tinh thần để gặt hái kết quả tốt nhất. Trước ban giám khảo, mình và các bạn tự tin về nội dung và ý nghĩa của đề tài, tin tưởng vào thành quả sau quá trình làm việc nghiêm túc, và tin vào những kĩ năng thuyết trình và trả lời câu hỏi đã được trang bị và rèn luyện hàng ngày. Giải thưởng, như mình đã trả lời từ đầu, đó là sự ghi nhận sau quá trình làm việc nghiêm túc. Ngoài ra, giải thưởng cũng là bước đệm để mình định hướng tương lai.
6. Các bạn suy nghĩ gì nếu ý tưởng của các bạn được đưa vào thực tế sử dụng ở Việt Nam?
Với mình đó là điều tuyệt nhất, vì đó là điều mình muốn gửi gắm qua đề tài. Mình cũng hy vọng trong tương lai không xa ý tưởng của mình sẽ thực sự được người nông dân Việt Nam sử dụng trong sản xuất, vì mình nghĩ rằng Việt Nam chúng ta cần nhiều hơn những sáng kiến như đề tài này để có thể tối ưu hóa công sức lao động.
7. Các bạn có dự định gì trong tương lai với đề tài nghiên cứu của nhóm mình? Các bạn có thông điệp gì muốn gửi gắm qua thành công trong Hội thi lần này không?
Với mình, đề tài sẽ vẫn chưa dừng ở đây. Mình sẽ cố gắng hoàn thiện đề tài khi điều kiện cho phép. Qua hội thi, thông điệp của mình là: Nếu có ước mơ, tâm huyết, niềm tin, bạn sẽ thành công. Với những bạn đang rụt rè, phân vân về việc tham gia hội thi, bạn hãy tin rằng mình có thể, đừng sợ thất bại hay khó khăn, vì đó sẽ giúp bạn trưởng thành hơn hàng ngày. Đó là chìa khóa thành công của mình!
Rất cảm ơn các bạn đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn! Chúc các bạn sẽ gặt hái được thêm nhiều thành công hơn nữa trên con đường của mình và thực hiện được nhiều hơn nữa những ý tưởng cho đất nước trong tương lai!
PV: Thanh Hải (Nga 12-15)