The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Trần Anh Đức - “cơn gió lạ” của Kì thi học sinh giỏi Quốc Gia năm 2012

Post by: Anhnh | 18/03/2012 | 18014 reads

Cùng trò chuyện với Trần Anh Đức -  cậu bạn đã phá tan những định kiến cho rằng môn Văn từ xưa đến nay chỉ dành cho ”phái yếu” bằng việc xuất sắc giành giải Nhất Quốc gia môn Ngữ Văn năm 2012.

PV: Chào bạn! Tuy đã được gần 1 tháng kể từ ngày có kết quả nhưng mình vẫn chúc mừng bạn vì đã giành giải Nhất trong kì thi HSG Quốc Gia với môn Ngữ Văn. Khi nhận được tin mình đạt giải Nhất quốc gia môn Văn, bạn có cảm xúc như thế nào? Bạn có nghĩ là mình được sẽ được giải, và hơn thế còn là giải thưởng cao nhất trong kì thi không?

Anh Đức: Tất nhiên cảm giác đầu tiên là một niềm vui sướng vỡ oà, cả buổi chiều hôm đó mình cảm thấy như đang bay lâng lâng trên chín tầng mây.  Thực sự khi làm xong bài thi, mình vẫn chưa hài lòng lắm, dù mình có niềm tin khá chắc sẽ đạt được một thành tích nào đó. Không thể tưởng tượng nổi mình lại đạt được giải thưởng cao nhất trong kì thi, điều này làm cho hành trình quay trở lại mặt đất của mình thêm phần … khó khăn!

PV: Bạn có thể chia sẻ bí quyết để viết ra những bài văn hay của bạn không?

Cũng không có gì gọi là bí quyết đâu, tất cả chỉ là những thao tác rất thông thường của một học sinh đã “trót” đam mê văn chương gồm : học, đọc, viết. Trong đó, mình rất chú trọng việc học và đọc. Học kinh nghiệm và phát hiện của thầy cô trên lớp cũng như bè bạn xung quanh, để từ đó viết nên một bài văn ít sai sót nhất. Ta cũng không thể viết nên một bài văn hay nếu không có kiến thức văn rộng và sâu sắc – những điều có thể thu nhặt được trong kho tàng sách phong phú. Đặc biệt, đầu sách mình đọc không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực văn học mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác, nhất là lịch sử và văn hoá. Nhưng quan trọng nhất, theo mình, vẫn là niềm đam mê văn chương: chỉ trong một trạng thái say mê hoàn toàn, ta mới có thể học và đọc văn một cách hiệu quả nhất. 

PV: Mình nghe nói bạn có niềm đam mê rất lớn với sách. Vậy loại sách nào đối với bạn là hữu ích nhất cho việc viết văn? Và bí quyết nào giúp bạn vừa có thể tiếp thu kiến thức từ thầy cô vừa dung hòa được những vốn hiểu biết riêng của mình?

Mình cho rằng không có cuốn sách nào lại không hữu ích cho việc viết văn, nếu đó là một cuốn sách tốt. Vì văn chương chính là cuộc sống, hiểu đời tất sẽ hiểu văn, bất cứ quyển sách tốt nào đều là một khám phá về cuộc sống được chắt lọc và kết tinh ở mức cao nhất. Nhưng để đụng chạm trực tiếp đến việc viết văn thì tất nhiên trước hết phải là những đầu sách văn học rồi (các tác phẩm văn chương này, phê bình nghiên cứu văn học, tiểu luận…), sau đó là các sách về triết học, lịch sử, văn hoá, địa lý – những lĩnh vực “chị em” với văn học. Nói vậy thôi, chứ mình nghĩ, cuộc sống của mỗi con người đã là một cuốn sách rồi. Nam Cao nói “Sống đã rồi hãy viết”. Hãy sống gắn bó, chân thực và sâu sắc với cuộc sống của mình thì đó là cuốn sách hữu ích nhất cho việc viết văn.

Mình không gặp khó khăn gì trong việc dung hoà kiến thức từ thầy cô và vốn hiểu biết chung của mình, vì đa phần hai điều đó tương đồng với nhau. Các thầy cô của mình cũng rất khuyến khích học sinh trình bày ý kiến riêng và cả hai cùng bổ sung, hoàn thiện cho nhau.

PV: Không chỉ có một thành tích học tập cực “đỉnh”, bạn còn tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa mà gần đây nhất có lẽ là chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức.  Làm thế nào để bạn có thể cân đối giữa việc học và những hoạt động khác?

Ai cũng có 24 tiếng đồng hồ một ngày, cách tốt nhất để cân đối giữa việc học và hoạt động khác là cân đối sinh hoạt của mình. Việc nào làm trước, việc nào làm sau, tất cả đều cần được sắp xếp khoa học và thực hiện nghiêm túc. Nhưng dù thế nào thì việc học vẫn là quan trọng nhất, xếp vị trí đầu tiên.

PV: Bạn đã có định hướng nghề nghiệp trong tương lai chưa? Bạn dự định thi vào ngành nào? Bạn có tiếp tục theo đuổi sự nghiệp văn chương như trở thành một nhà văn, nhà thơ, nhà báo hay người viết kịch bản... không?

Mình dự định theo đuổi ngành Luật và Hoạt động tư pháp. Có thể mình là một luật sư, hoặc trở thành một công chức toà án chưa biết chừng. Nhưng duyên nợ giữa mình với văn chương chắc không vì thế mà dừng lại. Sự nghiệp văn chương thật khắc nghiệt mà cũng thật dễ chịu : nó không ép buộc bạn chỉ được theo đuổi mình nó. Rất có thể mình sẽ viết một vài tiểu thuyết, sáng tác một vài bài thơ, thỉnh thoảng đăng một vài bài báo và mình mong chúng sẽ không gặp mình trong nhà vệ sinh công cộng!

PV: Phần lớn các nhà văn nổi tiếng thuộc phái mạnh nhưng thực trạng của lớp văn lại là rất hiếm con trai. Bạn nghĩ sao về điều này? Theo bạn làm thế nào để môn Ngữ văn trở thành môn học yêu thích của các bạn nam?

Theo mình, có một rào cản tâm lý của nam giới với môn Văn : hình như môn Văn được mặc định là môn học dành cho con gái. Hơn nữa, với xã hội hiện nay, không chỉ môn Văn, mà các môn học xã hội đều bị xem nhẹ và ít người theo đuổi, nên khối Văn không chỉ ít con trai mà số lượng cũng dần dần giảm xuống. Mình nghĩ đây là một vấn đề cần được ngành giáo dục quan tâm giải quyết, bởi vì để trở thành một con người hoàn thiện, không thể thiếu các kĩ năng xã hội – chúng ta đang sống với nhau trong xã hội loài người kia mà ? Mặt khác, mình cho rằng, vấn đề giới tính không liên quan gì đến việc học giỏi hay không giỏi văn học. Thực tế chỉ ra rằng có nhiều bạn dân tự nhiên nhưng học Văn không phải là tồi, họ viết văn lô-gic, mạch lạc, rõ ràng – chỉ thiếu chút tài hoa để thành một bài văn hay mà thôi.

Văn học cũng chỉ là một sản phẩm của trí tuệ con người, bất cứ ai cũng có thể học và hiểu môn văn, điểm cốt yếu ở đây là cách dạy và học văn như thế nào mà thôi. Cuối cùng, không thể bắt môn Ngữ văn trở thành môn học yêu thích của ai đó được mà hãy khiến ai đó khám phá và yêu thích những nét đẹp của môn Ngữ văn. 

PV: Là một trong số 3 bạn nam của lớp văn có khiến bạn mặc cảm, tự ti không? Bạn đã làm gì để có thể xóa bỏ định kiến của nhiều người về con trai lớp văn nói riêng và lớp văn nói chung?

Thực ra lớp Văn khoá mình có 3 con trai là một thành công quá lớn so với các khoá trước rồi. Đôi lúc cũng có tự ti chứ, nhất là trong những ngày 8 – 3 và 20 – 10 khi lực lượng lao động thiếu thốn trầm trọng nhưng bù lại, mình là một thành viên của một tập thể tuyệt vời. Thế là đủ rồi !

Mình có biết một số định kiến nào về con trai lớp văn nói riêng hay lớp văn nói chung nhưng thật buồn cười, hình như khối chuyên nào cũng phải chịu một số định kiến thì phải. Mình không quan tâm và chưa bao giờ có ý phải xoá bỏ định kiến cả. Hãy để sự thật tự nói lên !

PV: Bạn có lời khuyên nào dành cho các em lớp 9 có ý định thi vào lớp chuyên Văn không, đặc biệt là các bạn nam? Khi bạn quyết định thi vào lớp chuyên Văn, gia đình đã có những lời khuyên và cổ vũ bạn như thế nào?

Chắc mình chẳng có lời khuyên nào “cổ lỗ sĩ” hơn và ý nghĩa hơn điều này “Hãy viết hết mình”. Hãy chứng tỏ tài năng và sự tài hoa của mình trên trang giấy trắng, đừng e ngại bất cứ ai hay bất cứ điều gì. Tài năng nghĩa là sự chắc chắn, mạch lạc và dễ hiểu, đặc biệt là sự chân thành. Còn tài hoa là chút say, chút bay, chút điểm sáng tạo nên điểm nhấn cho toàn bài văn. Đó chắc chắn sẽ là những trang văn đầy quyến rũ và là con đường trải đầy hoa hồng đưa các em đến với khối chuyên Văn, đến với thành công.

Khi mình thi vào khối Văn, gia đình mình không nói gì nhiều, chỉ khuyên mình hãy thử sức để sau này không phải hối hận. Thú thực năm ấy mình thi vào Ams với tâm thế “thi cho vui” vì lúc đó mình cũng như gia đình đang nghiêng về phương án học trường THPT Thăng Long (mình đỗ vào Thăng Long với điểm khá cao). Nhưng đến phút thứ 89, mọi chuyện thay đổi. Và giờ thì mình đang ở đây tại Ams mến yêu.

Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện này. Chúc bạn lựa chọn được trường Đại học phù hợp để thực hiện ước mơ của mình và trở nên thành công hơn nữa trong tương lai!

(Ảnh do nhân vật cung cấp)

Hằng Anh (Chuyên Văn khóa 10-13)