The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Tỉnh táo khi chọn ngành thi đại học

Post by: Nguyễn Minh Phương | 15/02/2012 | 5053 reads

Đối với nhiều học sinh, việc chọn khối, chọn ngành thi đại học đã được lên kế hoạch sẵn từ khi học trung học cơ sở. Nhưng không ít bạn thậm chí đến lớp 11, 12 vẫn chưa định hướng rõ khối thi đại học.

 

Những môn các bạn chọn thi đại học thường là những môn bản thân học tốt nhất và yêu thích nhất. Chúng thường được các bạn đầu tư nhiều thời gian lẫn công sức hơn. 
Nguyên nhân
Lực học không đều giữa các môn.
Nhiều bạn chọn khối A làm khối thi, học khá Toán, Lí nhưng lại lẹt đẹt môn Hóa. Có bạn chọn khối D, kiến thức Văn, Anh khá vững nhưng lại "gà mờ" môn Toán.
Nhiều hơn cả là những bạn học trội những môn ít liên quan đến nhau và chưa có khối thi cho những bộ đôi, bộ ba này, ví dụ như môn Sinh và tiếng Anh, môn Toán và Hóa,…
Không tự xác định đường đi cho bản thân, bị tác động.
Có những bạn học khá tất cả các môn nhưng không thật sự bứt phá ở một số môn nhất định. Khối nào các bạn cũng có thể thi nhưng không chắc chắn vào lượng kiến thức mình đang có.
Cũng không ít bạn bị tác động từ bên ngoài, như chọn khối theo ý của ba mẹ hoặc do thấy bạn bè học môn này, vào trường này, ngành này nhiều nên cũng nhắm mắt chọn theo mà không hề xét đến việc mình có thích, mình có học tốt khối đó hay không.
Linh (sv năm 2 - ĐH Thăng Long) là một thực tế khi vướng phải những lí do trên. Lên lớp 12, khi bạn bè ai nấy đều chọn cho mình một khối thi, miệt mài ôn luyện thì cô bạn vẫn phân vân không biết chọn khối nào. Linh thậm chí còn không biết mình thích học ngành nào, đam mê công việc gì trong tương lai. Linh học tốt các môn xã hội: Văn, Sử, Địa nhưng không thích các chuyên ngành khối C mà lại đăng kí hồ sơ vào khoa Quản trị kinh doanh của đại học Công Đoàn, thi khối D. Trong khi đó, bố mẹ Linh thì luôn định hướng cho con gái học ngành Kế Toán và kết quả là cô bạn đăng kí nguyện vọng 2 theo sự lựa chọn của phụ huynh.

Xác định khối thi không đúng năng lực, sở thích của bản thân luôn dẫn đến những thất bại đáng tiếc.

Chán nản, mất phương hướng, không còn động lực tiếp tục theo đuổi khối học hiện tại.
Có bạn định hướng ngành học, khối thi từ khi bắt đầu học trung học cơ sở. Sau một quá trình học tập dài hơi, vì thấy việc học hành không đi đến đâu như bài vở vừa nhiều, vừa khó, cảm thấy mình không thích hợp với các môn học mình dùi mài bấy lâu, muốn thử những môn học khác nên các bạn chẳng ngần ngại chuyển khối và bị "lạc lối" trong sự lựa chọn của chính mình.
Đơn cử như N.Hương - cựu học sinh trường THPT Nguyễn Huệ. Cô bạn học lớp chuyên Sinh và ước mơ trở thành một bác sĩ nha khoa được cô bạn ấp ủ từ những năm tháng học trung học cơ sở. Mọi người đều kì vọng vào Hương, ai nấy đều tin tưởng với khả năng của Hương, giấc mơ của cô bạn sẽ sớm trở thành hiện thực. Thế nhưng, bước vào kì 2 năm học cuối cấp, cô bạn quay ngoắt 360 độ chuyển sang ôn thi khối D với một lí do khó ai có thể chấp nhận: muốn thi khối ấy, học ngành Sư phạm để ở lại trường công tác.
Hệ quả
Việc không xác định đúng khối thi, ngành học phù hợp luôn mang lại kết quả không mong muốn. Rất ít bạn mắc phải một trong những trường hợp trên có khả năng đỗ đạt vào những trường đại học chính quy.
Ban đầu bạn bè tưởng cô bạn chỉ học thêm một chút để thi thêm một trường cao đẳng nào đó, đề phòng trường hợp xấu nhất: trượt Đại học Y. Nhưng không ngờ, Hương chuyển một mạch sang khối D, gác lại khối B và bỏ ngỏ ước mơ trở thành bác sĩ y khoa. Dù lao vào đi học thêm trung tâm này nọ, cày đêm cày ngày nhưng lượng kiến thức quá lớn của Văn và tiếng Anh không thể khiến Hương nhồi nhét trong vài tháng cuối. Hơn nữa, cô bạn còn phải chia thời gian cho những môn thi tốt nghiệp. Hậu quả là Hương thi đại học với số điểm thấp không ngờ, để lại bao nhiêu sự ngỡ ngàng, thất vọng trong mắt người thân, thầy cô, bạn bè.
Còn Linh, sau một kì ngồi trên giảng đường đại học. Một phần vì chưa thích ứng được với môi trường học tập mới, một phần chán nản vì cho rằng chuyên ngành Kế toán không phù hợp với bản thân, cô bạn quyết định bảo lưu kết quả, ở nhà ôn luyện cho kì thi đại học tháng bảy. Gia đình, họ hàng, bạn bè ra sức thuyết phục, động viên tinh thần thì cô bạn mới chịu quay lại trường.
Lời khuyên
Trong quá trình học tập, các bạn nên định hướng trước cho bản thân khối, ngành học phù hợp với sở thích, năng lực bản thân. Bắt đầu vào trung học phổ thông, các bạn nên đầu tư thời gian nhiều hơn một chút cho những môn mình yêu thích, khối học mình định thi. Nhờ thầy cô, anh chị tư vấn (người đi trước thường có nhiều kinh nghiệm hơn mà). Nếu chán nản và có ý định chuyển khối thi đại học, các bạn đừng vội vàng từ bỏ mà hãy bình tĩnh nhìn nhận lại vấn đề, xem mình học hổng kiến thức ở đâu, tại sao mình lại từ bỏ để theo đuổi ngành học khác, liệu mình có thể học kịp các môn học đó hay không trong khi thời gian không còn nhiều.
Học tập là một quá trình trau dồi, rèn luyện kiến thức dài hạn. Đam mê và cố gắng hết mình thì bạn sẽ thành công.

Minh Phương (Trung 10-13)

Theo kenh14.vn