The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Ôn thi tốt nghiệp THPT 2013: Chạy nước rút

Post by: hn-ams | 02/05/2013 | 2475 reads

Với nhiều trường THPT tại Hà Nội, chạy “nước rút” ôn thi tốt nghiệp THPT chỉ thực sự vào cuộc khi kết thúc chương trình lớp 12.

Lệch “tủ” môn Sử, học sinh thở phào

Khá nhiều HS, phụ huynh, thậm chí cả giáo viên thường dự đoán môn thi tốt nghiệp THPT theo hình thức loại trừ những môn đã thi năm trước, hoặc cân đối tỷ lệ giữa các môn tự nhiên - xã hội. Vài năm gần đây, khi mà kết quả thi môn Lịch sử luôn trong tình trạng báo động thì trong dự đoán của phần lớn HS, giáo viên đều có tên môn này.

Vì vậy, khi Bộ GD-ĐT công bố 6 môn thi bắt buộc (gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, hóa học, sinh học và địa lý), nhiều HS cho biết thời gian qua đã ôn lệch "tủ". Một số giáo viên cũng cảm thấy bất ngờ vì đây là năm thứ 6 liên tiếp môn địa lý có tên trong danh sách các môn thi, trong khi môn lịch sử "luôn trong tầm ngắm" lại vắng mặt. Tuy nhiên, bởi môn Lịch sử không có trong danh sách 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm nay, nên đa phần học sinh đều có tâm lý thoải mái hơn.

Năm nay, tâm lý thi cử của học sinh có phần thoải mái hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng 6 môn thi tốt nghiệp năm nay nhìn chung có lợi cho đa phần HS THPT vì hầu hết các em đều đăng ký dự thi ĐH, CĐ khối các môn khoa học tự nhiên là khối A và B (tỷ lệ này mọi năm vào khoảng 60-70%).

Để tâm lý HS ổn định trước mỗi kì thi, các giáo viên đều cho rằng HS nên bỏ quan điểm “thi gì học nấy” và tập trung học đồng đều ngay từ sau khai giảng, chứ không đợi đến khi công bố môn thi mới cắm đầu cắm cổ học. Việc này không dễ, nhưng không phải không làm được. Dư luận còn nhớ rõ, sau kỳ thi tốt nghiệp năm 2006, năm đầu tiên triển khai "Hai không", nhiều thầy, cô giáo đã không giấu nổi vui mừng khi thấy học trò của mình ngay từ đầu năm học đã răm rắp học hành và hầu hết đều cố gắng học thật, chứ không phải vừa học vừa ngóng!

Gấp rút chặng cuối nhưng tránh đối phó

Ông Đoàn Hoài Vĩnh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra yêu cầu với các trường THPT trên địa bàn thành phố: “Các trường cần xây dựng kế hoạch để đảm bảo hoàn thành chương trình theo đúng thời gian quy định. Thực hiện dạy đúng, dạy đủ chương trình, bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức và kỹ năng. Quan trọng là phải hướng dẫn học sinh nắm vững các kiến thức, tránh học tủ, học vẹt và dành nhiều thời gian cho việc tự học”.

Học sinh đang gấp rút ôn thi cho đợt thi tốt nghiệp đầu tháng 6 tới.

Thầy Nguyễn Thiết Sơn, Hiệu trưởng trường THPT Kim Liên, Đống Đa cho biết, khó khăn với trường không rơi vào các môn sẽ thi tốt nghiệp mà là với các môn không thi như Thể dục, Giáo dục công dân hay Công nghệ... “Không ai dám cắt các môn này để tập trung cho thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, giáo viên các bộ môn rất vất vả vì ngay sau khi có môn thi tốt nghiệp, tâm lý học sinh đều chểnh mảng với những môn không thi. Dù có lên lớp nhưng hiệu quả giảng dạy, học tập không cao” – ông Sơn chia sẻ. “Nếu để thực sự hợp lý, theo tôi Bộ nên phân phối chương trình sao cho hết tháng 4 có thể kết thúc nội dung các môn để tháng 5 tập trung vào ôn thi thì đem lại hiệu quả thực tế thay vì học và dạy đối phó”.

Đối với các trường dân lập, lãnh đạo nhà trường cũng như giáo viên phải đổ công sức nhiều hơn. Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng – thầy Hoàng Tùng Lâm cho biết, trường đã hoàn thành chương trình lớp 12 từ cuối tháng 3 và tăng tốc ôn thi tốt nghiệp ngay tháng 4. Ngoài 3 môn thi cố định Toán, Văn, Ngoại ngữ trong quá trình dạy đến đâu ôn tập chắc kiến thức đến đấy thì với 3 môn Hóa, Địa, Sinh trường thực hiện tăng mỗi môn từ 2 lên 5 tiết.

Trường Đinh Tiên Hoàng ngoài 5 buổi sáng trong tuần học kín cũng phải dành cho 4 tiết buổi chiều các ngày 2, 4, 6 để học ôn các môn thi tốt nghiệp.

“Vì học sinh dân lập sức học yếu, ý thức học cũng không được tốt nên nhà trường bố trí giờ truy bài để đối phó với việc học sinh ôn bài chểnh mảng. Riêng buổi chiều 3 ngày có tăng tiết, các thầy cô dành hẳn tiết 5 để nhặt ra những em yếu kèm riêng.

Do các em dễ nản khi có áp lực nên cùng việc thường xuyên đôn đốc, các giáo viên phải động viên, khích lệ tinh thần học sinh. Để cho các em làm quen, trường sẽ tổ chức thi thử tốt nghiệp 2 lần, lần 1 vào ngày 27 - 28/4 tới và lần 2 vào 22 - 23/5” – Thầy Lâm cho biết.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Bộ GD-ĐT sẽ không ban hành tài liệu hướng dẫn ôn tập tốt nghiệp THPT năm 2013. Sách giáo khoa và vở ghi của HS là tài liệu ôn tập tốt nhất cho HS. Bộ không khuyến khích các địa phương tập trung tổ chức ôn tập quá căng thẳng để ảnh hưởng tới sức khỏe và việc tiếp nhận kiến thức của HS.

Lê Đức Thuận

(Theo Petrotimes)