Thi THPT Quốc gia năm 2016: Tập trung ôn tập, nắm vững quy chế
Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 đạt kết quả tốt, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi THPT Quốc gia nhằm thông tin và giải đáp những băn khoăn của đại diện các địa phương và cơ sở giáo dục về quy trình, thủ tục, cũng như những điểm cần lưu ý trong công tác chuẩn bị và thực hiện kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.
Thí sinh cần nắm vững quy chế thi
Giống như năm 2015, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 cũng nhằm hai mục đích: lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT; cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Về môn thi và hình thức thi, đối với thí sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT dự thi để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh phải đăng ký dự thi các môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng. Đối với thí sinh chưa có bằng tốt nghiệp THPT, để xét công nhận tốt nghiệp THPT thí sinh phải thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại (Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học). Riêng học sinh hệ GDTX phải thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và hai môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại (có thể chọn môn Ngoại ngữ). Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ ngoài dự thi 4 môn để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh do trường ĐH, CĐ quy định.
Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 180 phút. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút. Các môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút. Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: đọc hiểu và làm văn.
Thời gian đăng ký dự thi, từ ngày 1/4/2016 đến ngày 30/4/2016, tất cả các thí sinh phải đăng ký dự thi để cung cấp thông tin cá nhân của thí sinh, các môn đăng ký dự thi (xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển sinh ĐH, CĐ). Sau ngày 30/4/2016, thí sinh không được quyền thay đổi cụm thi và các thông tin về môn thi đã đăng ký.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay có một số điểm mới cần lưu ý đó là mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có thể tổ chức hai cụm thi, cụm thi cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT và với trường ĐH, CĐ khác tổ chức; cụm thi cho thí sinh dự thi chỉ để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT do Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với trường ĐH, CĐ tổ chức. Năm nay, HS ở tỉnh nào dự thi tại tỉnh đó, không ghép tỉnh như năm 2015. Chủ tịch Hội đồng thi căn cứ số lượng thí sinh đăng ký dự thi tại cụm và điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ để quyết định thành lập các điểm thi đặt tại trường ĐH, CĐ trung cấp và các cơ sở giáo dục khác đáp ứng được các yêu cầu tổ chức thi. Mỗi điểm thi có Trưởng điểm thi và có thể có các Phó Trưởng điểm thi do Chủ tịch Hội đồng thi quyết định để điều hành toàn bộ công tác coi thi tại điểm thi được giao phụ trách. Trưởng điểm thi bố trí cán bộ giám sát phòng thi đảm bảo mỗi cán bộ giám sát không nhiều hơn 7 phòng thi…
Để đảm bảo cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 diễn ra nghiêm túc, đạt kết quả tốt, tại hội nghị triển khai công tác thi THPT Quốc gia, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đã đề nghị các nhà trường cần tổ chức quán triệt cho toàn thể giáo viên, học sinh của trường mình nắm rõ quy chế thi. Đặc biệt chú trọng triển khai công tác ôn tập cho học sinh. Các nhà trường lên danh sách các học sinh có học lực yếu, kém để có kế hoạch bồi dưỡng cho các em. Vận động mỗi nhà giáo đỡ đầu một vài học sinh yếu kém để các em có thể đạt kết quả tốt trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới.
Tác giả: Nguyễn Hồng
Nguồn tin: Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số tháng 4/2016