Phúc khảo điểm thi tuyển sinh Đại học: Những điều cần lưu ý
Trước khi đưa ra quyết định xin phúc khảo, các bạn dự thi đại học cần chú ý những điều sau.
Đối tượng được phúc khảo: Mọi thí sinh đều có quyền nộp đơn xin phúc khảo nếu thấy kết quả điểm thi do các trường công bố không phù hợp với bài làm của mình. Tuy nhiên, thí sinh chỉ có quyền phúc khảo các môn thi văn hóa, không có quyền phúc khảo các môn năng khiếu.
Thời gian phúc khảo: Hội đồng tuyển sinh (HĐTS) các trường ĐH, CĐ sẽ nhận đơn xin phúc khảo các môn văn hóa của thí sinh trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày công bố điểm thi và trả lời thí sinh chậm nhất 15 ngày kể từ khi hết hạn nhận đơn.
Thủ tục phúc khảo: Các bạn đến gặp Hội đồng tuyển sinh của trường ĐH, CĐ mà mình dự thi và xin mẫu đơn phúc khảo điểm thi, điền đầy đủ các thông tin vào đơn, sau đó nộp lại đơn cùng lệ phí phúc khảo cho Hội đồng tuyển sinh.
Lệ phí phúc khảo: Lệ phí phúc khảo là 15.000 đồng/môn. Nếu sau khi phúc khảo, điểm bài thi thay đổi thì thí sinh được trả lại tiền phúc khảo.
Các thí sinh dò điểm thi.
Sau khi phúc khảo, các bạn cũng nên nhớ:
Điểm môn tự luận thường là giữ nguyên
Các teen thường khó có thể dự đoán một cách chính xác nhất điểm thi các môn tự luận, nhưng dựa vào thang điểm và đáp án tương đối cụ thể của Bộ GD và ĐT, teen cũng có thể tính toán được điểm thi của mình nằm ở ngưỡng nào.
Tuy nhiên, khi tự chấm điểm bài làm của mình, các bạn thường chỉ dựa vào sự trùng khớp giữa bài thi và đáp án mà không chấm điểm phần trình bày. Chính vì lý do đó, điểm do các bạn tự chấm và điểm thực tế đôi khi chênh lệch nhau khá lớn (1 - 3 điểm). Thực ra, khi chấm một bài thi tự luận, các thầy cô thường chấm toàn bộ, bao gồm cả nội dung bài làm và hình thức trình bày. Cho dù bài làm đúng với đáp án, nhưng không trình bày một cách thuyết phục, thì bạn cũng khó có thể đạt được điểm tối đa. Vì vậy, điểm sau khi phúc khảo thường không có sự thay đổi.
Một lý do khác khiến điểm thi các môn thi tự luận rất khó cao hơn đó là: quy trình chấm thi được thực hiện rất chặt chẽ. Trước khi chấm, Hội đồng tuyển sinh các trường thường có tổ chức chấm thử và thảo luận kỹ phương án chấm dựa trên đáp án và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Các bài thi được tổ chức chấm hai vòng độc lập tại hai phòng chấm riêng biệt. Rất hiếm có trường hợp chấm thiếu hoặc cộng thiếu điểm cho thí sinh.
Đơn và hồ sơ xin phúc khảo
Môn trắc nghiệm nhiều cơ hội được nâng điểm
Ở các môn thi trắc nghiệm, ngay sau khi thi xong là đã có đáp án. Các bạn dễ dàng biết được mình đạt bao nhiêu điểm với thang điểm cố định cho từng câu ở từng môn thi. Thế nhưng, không phải trường hợp nào điểm số do teen tự chấm và điểm thực tế được thông báo cũng là y xì đúc như nhau. Nhiều teen có những thắc mắc như: “Tại sao môn Hóa mình so đáp án và tự chấm được 5 điểm nhưng kết quả lại chỉ được 4 điểm”. Đó là vì các môn thi trắc nghiệm hoàn toàn được chấm bằng máy, nên các bạn đừng vội đổ lỗi cho sai sót của cán bộ chấm thi. Thực chất, nguyên nhân nằm trong chính bài thi của bạn.
Lý do là khi tô đáp án, thí sinh thường mắc các lỗi như tô quá mờ hoặc tô quá rộng ra bên ngoài khung đáp án, khiến máy chấm không nhận câu trả lời, và thế là bạn bị mất điểm ở câu đó. Trong trường hợp này, nếu như số điểm mà bạn bị “nuốt chửng” quá nhiều và có quyết định tới việc đỗ hay trượt, thì bạn hãy tiến hành phúc khảo. Bài thi có thể sẽ được chấm lại bằng tay, và những câu trả lời bị “lỗi” từ việc tô đáp án của thí sinh sẽ được các thầy cô kiểm chứng lại.
Lê Đức Thuận (Theo Tiin)