The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Phỏng vấn anh Phí Trung Đức - Amser 12 Lí 1 đỗ thủ khoa khối A1 Đại học Sư phạm Hà Nội

Post by: giangdh | 03/08/2014 | 7426 reads

Sau khi hầu hết các trường Đại học trên cả nước công bố kết quả tuyển sinh năm 2014, đến ngày 30/07 trường Đại học Sư phạm Hà Nội mới hoàn tất các khâu cuối cùng để thông báo điểm thi tới các sĩ tử. Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nói chung và lớp 12L1 khóa 11 - 14 nói riêng lại tiếp tục đón nhận tin mừng khi Amser Phí Trung Đức đã xuất sắc trở thành tân Thủ khoa khối A1, đồng thời Á khoa toàn trường với tổng số điểm 28 (Toán 9, Lí 9.25, Anh 9.5). Chúng ta cùng nghe anh ấy chia sẻ một chút về cảm nhận cũng như bí quyết học tập của mình nhé!

Em chào anh, em xin chúc mừng anh đã trở thành tân thủ khoa khối A1 trường ĐHSP Hà Nội. Cảm xúc của anh bây giờ như thế nào?

Cảm ơn em! Thực ra danh hiệu thủ khoa là điều sĩ tử nào cũng mong muốn dù không nói ra, vậy nên khi biết tin mình trở thành tân thủ khoa khối A1 đồng thời Á khoa trường ĐHSP Hà Nội, cảm xúc đầu tiên đến với anh chắc chắn là niềm vui khó tả nổi. Chẳng thế mà anh đã liền nhấc máy lên và gọi điện thoại ngay để khoe tin vui ấy cho thầy cô, bố mẹ và bạn bè. Thế nhưng, có được danh hiệu này lại đem đến cho anh những áp lực nhất định. Bởi, một khi mình đã đạt được kết quả cao trong kỳ thi đầu vào thì tất nhiên đồng thời sẽ có những kì vọng nhất định từ không chỉ bố mẹ, thầy cô mà còn từ bạn bè trong trường. Nhưng mà tạm gác qua một bên, anh vẫn sẽ cố tận hưởng nốt những dư vị ngọt ngào của “chiến thắng” ấy để lấy động lực cho bản thân phấn đấu đạt được những mục tiêu cao hơn trong tương lai.


Anh Đức và bạn trong ngày hội Áo Dài - tiền sự kiện Made In 12 2014

 Điều gì đã thôi thúc và là động lực để anh lựa chọn dự thi ở ngôi trường ĐHSP, chứ không phải là thi các trường Đại học khác, ví dụ như là Đại học Khoa học tự nhiên? Phải chăng là anh mong muốn sau này sẽ trở thành một thầy giáo?

Thực lòng mà nói, trước kì thi tuyển sinh đại học năm nay, bố mẹ đã định hướng cho anh theo ngành kinh tế mà cụ thể là thi vào Đại học Ngoại thương – Khoa Kinh tế Đối ngoại bởi trong những năm trước đây kinh tế - tài chính là một lĩnh vực rất “hot” và tạo ra rất nhiều việc làm cho các bạn sinh viên sau khi ra trường. Tuy nhiên, trong quá trình học tập anh đã may mắn được học từ nhiều thầy cô vô cùng tâm huyết với nghề đã truyền rất nhiều cảm hứng cho học sinh cùng với niềm đam mê sẵn có với nghề giáo - một công việc mà theo bản thân anh là vô cùng danh giá mà anh đã quyết định thuyết phục bố mẹ để đồng ý cho anh theo con đường mà mình ấp ủ. Quả nhiên sau một thời gian cân nhắc, gia đình anh đã đi tới thống nhất trường đại học mà anh sẽ dự thi. Và sau này như em và mọi người đã biết đó chính là ĐHSP Hà Nội. Chính từ “bước ngoặt” ấy đã cho anh một nguồn động lực vô cùng lớn để anh có thể đạt được kết quả như bây giờ.

Với sự phát triển không ngừng của xã hội hiện đại ngày nay, cơ hội nghề nghiệp đối với các bạn học sinh rất phong phú. Vậy tại sao anh lại chọn một nghề tuy không mới nhưng vẫn có thể nói khá đặc biệt với con trai như nghề “thầy giáo”

Có thể nói với tốc độ phát triển không ngừng của xã hội hiện đại ngày nay, cơ hội nghề nghiệp đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp là vô cùng phong phú. Nhưng theo anh luôn có hai nghề “sống mãi với thời gian” đó là ngành Y và ngành Sư phạm. Sở dĩ anh chọn làm thầy giáo là bởi hai từ “đam mê” và “yêu thích”. Mà nếu đã là đam mê và yêu thích thì không thể nói ra được tại sao mình lại chọn con đường như vậy cũng như trong tình yêu khi mà nhà văn Xuân Quỳnh từng nói trong bài thơ “Sóng”:

“Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau”

Và cũng nếu đã là đam mê và yêu thích thì “Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”…


Anh Đức (ngoài cùng bên phải) đã xuất sắc đạt danh hiệu thủ khoa khối A1 cao quý

Xuất sắc dành danh hiệu thủ khoa, chắc chắn đây là kết quả của một sự cố gắng không ngừng nghỉ, anh có thể chia sẻ thêm để mọi người cùng biết về bí quyết học tập của anh được không?

Nếu gọi là một sự cố gắng không ngừng nghỉ thì có lẽ cũng chưa hoàn toàn chính xác, bởi chẳng ai có thể học tập từ sáng đến đêm mà không dành ra cho mình một phút nào để nghỉ ngơi thư giãn giảm thiểu áp lực. Và anh cũng không phải là ngoại lệ. Thực ra bản thân anh thấy quá trình ôn luyện để thi đại học của mình cũng không căng thẳng cho lắm và theo anh để học tập có hiệu quả nhất thì tinh thần phải thoải mái nhất. Bởi anh không bao giờ học liên tục nhiều giờ liền và làm quá nhiều bài tập. Trong quá trình học, chúng ta nên có cho mình những mốc thời gian cụ thể để có thể vừa hoàn thiện kiến thức tạo nền tảng vững chắc vừa có thể tổng ôn lại nhiều lần để nâng cao điểm số. Trong giai đoạn “nước rút”, anh luôn tự đề ra cho bản thân mình một lịch trình cụ thể cho mỗi ngày ôn tập kiến thức. Ví dụ như một ngày có sáng, chiều và tối thì anh thường dành ra cho mình buổi sáng để chỉ làm một đề tự luyện môn Lí, buổi chiều một đề môn Anh và buổi tối một đề môn Toán. Những kiến thức mà chúng ta chưa nắm chắc hoặc làm nhiều nhưng vẫn còn quên thì có thể viết ra một cuốn sổ tay để ghi nhớ. Chỉ vậy thôi!

Kì thi Đại học vừa rồi lại diễn ra đúng dịp World Cup. Là con trai chắc chắn ai cũng thích xem bóng đá. Vậy thì anh có thức khuya để xem nhiều trận bóng đá không a? Bố mẹ anh có ủng hộ việc anh thức khuya xem đá bóng không?

Tất nhiên rồi! Đây là cơ hội 4 năm mới có một lần mà em. Nhưng bố mẹ nào cũng muốn con mình có sức khỏe tốt nhất để ôn luyện nên bố mẹ hạn chế anh xem. Vì vậy, anh thường học đến khoảng 10 giờ 30 phút tối, sau đó nghỉ ngơi một thời gian và đón xem trận đấu lúc 11 giờ. Kết thúc trận đấu, anh đi ngủ dành sức sáng ngày hôm sau có thể minh mẫn ôn tập. Những trận đấu diễn ra vào ban đêm, lúc rạng sáng thì anh vẫn cập nhật đều đều kết quả vào mỗi buổi sáng. Nhưng những trận có đội bóng mà anh yêu thích anh vẫn trốn bố mẹ bật tivi và đóng chặt cửa phòng để xem “khẽ”.


Anh Đức bên tập thể lớp 12 Lí 1

Để có được kết quả cao như vậy ở cả 3 môn học, chắc hẳn anh phải có một sự sắp xếp thời gian khoa học sao cho tinh thần và sức khỏe luôn ở trạng thái ổn định nhất. Vậy  anh  giải trí và tiếp thêm năng lượng cho mình trong những ngày ôn thi căng thẳng bằng cách nào?

Như anh đã nói ở trên, muốn học tập hiệu quả thì tinh thần phải ở trạng thái hưng phấn nhất. Chính vì vậy, anh luôn ngồi vào bàn học khi mà tư tưởng luôn phấn chấn, vậy nên dù anh không bỏ quá nhiều thời gian học tập vào giai đoạn cuối nhưng anh luôn đạt được hiệu quả cao nhất. Kết thúc mỗi buổi học, anh thường tự “thưởng” cho mình từ một đến hai giờ đồng hồ ngồi xem tivi hoặc lướt qua facebook một chút để tiếp thêm năng lượng và hứng khởi học tập. Nói nhỏ nhé, trước khi bước vào năm học lớp 12, anh đã tự hứa với bản thân rằng mình chỉ được học thôi không được dùng facebook hay lướt web nữa nhưng đến vài tháng cuối anh chợt nhận ra rằng học tập thôi không đủ, vẫn cần phải giải trí để mình thật thư thái, nhưng cũng cần hợp lí nữa. Anh nhiều khi vẫn trốn bố mẹ ngồi chơi điện tử một lúc rồi sau đó mới tiếp tục ngồi học đấy!

Anh có gặp khó khăn gì trong lúc ôn luyện không ạ? Và điều gì giúp anh vượt qua những khó khăn đó vậy?

Làm gì có con đường nào tiến tới thành công mà không có chông gai đâu em! Trước kỳ thi đại học, vào dịp nghỉ lễ 30/4, mùng 1/5, do ăn uống nghỉ ngơi chưa hợp lý mà anh đã suýt chút nữa phải mang sách vở vào viện để học đấy! May mà cũng không quá nghiêm trọng nên anh được bác sĩ cho điều trị tại nhà để hồi phục sức khỏe. Trong thời gian ấy, anh đã cảm nhận được tình cảm vô bờ bến mà bố mẹ dành cho mình, nếu không có những lời động viên cùng với sự chăm sóc ân cần và tận tình của bố mẹ thì có lẽ anh đã chẳng thể phục hồi nhanh chóng và tiếp tục chiến đấu cho ước mơ của mình. Trong thời gian bị ốm, anh đã rút ra được cho mình bài học quý báu rằng có sức khỏe là có tất cả, không có sức khỏe thì chẳng ước mơ nào thanh sự thực đuợc đâu em!

Anh có muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt tới những ai lúc này không ạ?

Nếu muốn gửi lời cảm ơn lúc này thì có lẽ nhiều lắm mà anh chẳng thể kể ra hết được. Nhưng trước hết, anh phải cảm ơn bố mẹ - những người đã sinh ra anh, đã nuôi nấng anh trưởng thành, đã luôn ở bên anh những lúc thuận lợi cũng như khi khó khăn. Sau đó chính là mái trường Hà Nội – Amsterdam đã cho anh một môi trường học tập vô cùng tuyệt vời mà bao học sinh hằng mơ ước và cũng chính ở nơi đây có những người thầy, người cô luôn tận tâm, tận lực, hết lòng vì học sinh thân yêu - những “đứa con” của mình. Qua đây, anh muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt nhất tới thầy Lê Đức Thuận – giáo viên dạy Toán ở trên lớp, thầy đã truyền lửa cho biết bao thế hệ học sinh trường Ams và là nguồn cảm hứng chính cho anh để có thể vững tin trên con đường mà anh đã lựa chọn. Thêm nữa, không thể quên cảm ơn thầy Nguyễn Xuân Quang – GVCN Lý 1 11-14, một người thầy giản dị, hài hước và luôn âm thầm dõi theo từng bước tiến của học sinh, trong đó có anh. Còn cô Nguyễn Thị Ngọc Oanh – giáo viên bộ môn Ngữ văn nữa chứ, tất nhiên rồi, cô tuy nghiêm khắc nhưng lại vô cùng yêu thương học sinh, luôn dạy cho lớp anh những bài văn vô cùng tâm huyết, sôi nổi.

Anh có thể chia sẽ một chút về dự định tiếp theo của bản thân cho các bạn độc giả được biết không?

Dự định thì nhiều lắm em ạ! Ai mà chả có ước mơ, hoài bão cho riêng mình, dù cho có viển vông tới đâu. Anh cũng có một vài ước mơ chứ, từ những ước mơ tưởng như xa vời cho tới những ước mơ gần ngay trước mắt. Tới đây thì có lẽ anh chỉ mong bản thân phấn đấu học tập trong ngôi trường mới ĐHSP Hà Nội thật tốt để quá trình học tập luôn đạt được kết quả cao nhất trong khả năng và khi ra trường có được tấm bằng ưng ý nhất. 

Cảm ơn anh rất nhiều về những chia sẻ chân thành và thú vị. Chúc anh luôn tự tin vững bước và thành công trên mỗi bước đi trong tương lai!

PV: Hà My Văn 1316