Phó thủ tướng yêu cầu xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu đề cương cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT do Hiệp hội các trường ngoài công lập đề xuất và khẩn trương xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2015.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định vừa thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về đề án cải tiến thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu, tham khảo đề cương cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đề xuất và khẩn trương xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2015.
Đầu quý 3/2014, Bộ Giáo dục phải công bố công khai phương án đổi mới như kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH,CĐ vào đầu năm 2014.
Đầu quý 3/2014, Bộ Giáo dục phải công bố công khai phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT.
Trước đó, ngày 24/4, Hiệp hội các trường ngoài công lập có công văn gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề xuất cải tiến thi tốt nghiệp THPT từ năm 2015. Mục tiêu Hiệp hội hướng đến là không tổ chức thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học riêng biệt gây tốn kém cho học sinh và xã hội, mà thay thế bằng kỳ thi khác có nhiệm vụ hỗ trợ cả hai mục tiêu nói trên.
Điểm khác biệt của kỳ thi này là học sinh đã học hết bậc phổ thông (có thể bao gồm những người tự học hoặc không học phổ thông nhưng muốn được xác nhận trình độ và dự tuyển vào các trường đại học và chuyên nghiệp) đều được phép dự thi. Kỳ thi có thể tổ chức 2 hoặc nhiều lần trong năm. Thí sinh được kết quả thấp ở kỳ thi trước có thể đăng ký xin thi lại ở kỳ thi sau để nâng kết quả.
Đề thi được thiết kế chủ yếu theo phương pháp trắc nghiệm khách quan, kết hợp một số câu hỏi tự luận ngắn cho các môn có nhu cầu bổ sung. Việc phát triển ngân hàng câu hỏi, thiết kế đề thi, xây dựng các đề thi tương đương được triển khai theo lý thuyết và công nghệ đo lường hiện đại (Lý thuyết ứng đáp câu hỏi). Công nghệ phát triển ngân hàng câu hỏi, xây dựng đề thi tương đương…sẽ được trình bày cụ thể trong đề án chi tiết.
Các môn thi dự kiến gồm 3 môn thi đơn là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ (một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức), 2 bài thi tích hợp gồm Khoa học tự nhiên (liên quan đến các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Nhân văn và Khoa học xã hội (liên quan đến các môn Sử, Địa, Chính trị). Mọi thí sinh đều phải thi ba môn đơn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và chọn 1 trong 2 môn tích hợp (hoặc thi cả 2) Khoa học tự nhiên, Nhân văn và Khoa học xã hội.
Điểm trung bình của 4 (hoặc 5) môn trên mỗi bài thi là cơ sở để xét trình độ tốt nghiệp THPT và tương đương (theo hướng khoa học tự nhiên hoặc nhân văn - khoa học xã hội hoặc cả hai hướng). Bảng điểm các môn thi của thí sinh là cơ sở để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển thí sinh vào ngành học mà họ xin dự tuyển.
Đối với phần lớn các trường, tổng điểm này và bằng tốt nghiệp phổ thông trung học có thể xem là điểm trúng tuyển, còn những trường đại học có yêu cầu đặc biệt có thể xem là điểm sơ tuyển. Trên cơ sở đó, tổ chức thêm các kỳ thi năng khiếu, nâng cao hoặc phỏng vấn để chung tuyển.
(Theo Vnexpress)