The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Phan Thị Hà Dương: Cựu học sinh trường Hà Nội - Amsterdam từng được phong Phó Giáo sư ở tuổi 26

Post by: Trần Ngọc Linh | 22/02/2012 | 4849 reads

Một tấm gương sáng cho các Amser học chuyên Toán-Tin nhé. Chị chính là cựu học sinh trường Hà Nội -Amsterdam khóa 1989 - 1990. Ở tuổi 26, ngay khi vừa bảo vệ xuất sắc luận án tiến sỹ, chị đứng đầu trong kỳ thi tuyển vào vị trí Phó Giáo sư của ĐH Paris 7. Đến nay, chị vẫn là người phụ nữ Việt trẻ nhất đạt thành tích này đấy.

Mới đây, chị về nước để thực hiện mong muốn suốt 12 năm ở Pháp: Giảng dạy cho sinh viên Việt Nam.

 

PGS.Phan Thị Hà Dương cùng với GS Ngô Bảo Châu tại Đại hội toán quốc tế 2010.

Chọn ngành học ứng dụng nhiều hơn

 Thị Hà Dương sinh năm 1973, là con của GS Phan Đình Diệu. Năm 1990, chị là thành viên nữ duy nhất của VN thi Học sinh giỏi Toán quốc tế tại Bắc Kinh, Trung Quốc và dành Huy chương Đồng.

Cùng năm đó, rời trường Hà Nội - Amsterdam, chị trở thành sinh viên Khoa Toán - Cơ - Tin, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Giai đoạn này, sau khi nước Đức thống nhất và Liên Xô sắp tan rã, việc du học tại các nước Đông Âu tạm thời gián đoạn.

 Hết năm thứ 3, Hà Dương được học bổng của Chính phủ Pháp. Với hồ sơ đẹp, chị được xét đặc cách vào học tiếp năm thứ 4 (điều hy hữu xảy ra) tại ĐH Paris 6, mang tên 2 vợ chồng nhà bác học Pierre và Marie Curie.

Lấy bằng cao học về Hình học đại số năm 1995, chị được thầy hướng dẫn, GS Christian Peskine, trưởng Viện Toán của ĐH Paris 6 và Paris 7, một tên tuổi trong làng Toán học thế giới chủ động đề nghị làm việc trong những bước nghiên cứu tiếp theo. Rất mê Toán và tiếc cơ hội này, nhưng chị chọn ngã rẽ khác.

Lý  do là “Ngành Toán Việt Nam đã có nhiều đại thụ xuất sắc trong khi ngành Tin mới mẻ hơn. Tin học ở nước ta hiện nghiêng về ứng dụng, nhưng càng phát triển, Tin càng cần nhiều nghiên cứu cơ bản, trong đó có Toán".

 Phó Giáo sư ở tuổi 26

 1999 là năm đại hỷ của Hà Dương. Tháng 1, luận văn Tiến sỹ của chị được Hội đồng chấm luận án ĐH Paris 7 xếp vào loại rất xuất sắc (très honorable) và tháng 8, mối tình với người bạn đồng môn từ thời cấp 3 đơm hoa bằng một đám cưới. Đặc biệt, năm đó, tin chị trúng tuyển vị trí Phó Giáo sư tại trường này gây bất ngờ lớn.

 Lúc đó, chị đã xin được học bổng postdoc tại Mỹ và có cơ hội ở gần người yêu sau 6 năm xa cách (anh làm tiến sỹ ngành topo đại số tại ĐH Wayne), nên chị không đặt nhiều kỳ vọng vào đợt thi này. Đột ngột, cơ hội quá lớn đến làm thay đổi dự định (lấy nhau, hai người vẫn tiếp tục sống xa cách một thời gian).

“Khi biết tin này, tôi cảm giác như hạnh phúc rơi ụp từ trên trời xuống đầu mình. Khi ấy, tôi tròn 26 tuổi, là một trong những người trẻ nhất ở Pháp được vị trí này. Mấy tuần sau đó, tôi cứ cảm thấy trời đất chao đảo, không làm được việc gì” - nguyên văn lời chị khi nói về thời điểm này. 

 Quá trình xét tuyển vào vị trí PGS và GS tại Pháp có 2 bước chính. Đầu tiên, những người có bằng TS được quyền nộp đơn để Hội đồng Nhà nước xét tiêu chuẩn, dựa trên các công trình nghiên cứu và kinh nghiệm giảng dạy. Những người đủ tiêu chuẩn mới được quyền nộp đơn vào các ghế Phó GS, GS của các trường có nhu cầu.

Với mỗi vị trí này, thường có khoảng 50 đến 100, thậm chí 200 hồ sơ, đa phần là những người đã có bằng postdoc (sau tiến sỹ) hoặc có kinh nghiệm giảng dạy hợp đồng nhiều năm.

Hội đồng xét tuyển các trường sẽ chọn ra từ 5 đến 10 người để phỏng vấn. Việc này thường rất căng thẳng và họ soi rất kỹ các hồ sơ, đặc biệt là hồ sơ khoa học (các bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành nổi tiếng hoặc trình bày tại các hội nghị lớn được tính hệ số điểm cao hơn). Sau đó sẽ bỏ phiếu kín để xếp hạng.

Năm đó, Khoa Tin học, ĐH Paris 7 cần tuyển 3 Phó GS mà có tới 100 đơn. Và, cô Tiến sỹ trẻ măng đã vượt qua hầu hết những người lớn tuổi và kinh nghiệm hơn mình để xếp ở vị trí số 1.

“Tôi say mê dạy học”

Hà Dương nói về nghề dạy một cách hào hứng. Chị kể, những năm đầu ĐH, được học các thầy nổi tiếng và dạy cực hay như thầy Đào Trọng Thi dạy hình, thầy Mai Thúc Ngỗi, Trần Văn Nhung giải tích, thầy Nguyễn Quốc Toản, Nguyễn Hữu Việt Hưng đại số... chị rất mong một lúc nào đó được đứng trên bục giảng để truyền niềm say mê cho học trò như cảm giác của mình lúc đó.

Những người thầy tuyệt vời chính là hình mẫu để chị phấn đấu trong nghề. Chị chịu ảnh hưởng nhiều của thầy Phan Văn Tiện, dù chỉ dạy Toán đúng năm lớp 5, nhưng được cả lớp yêu mến vì luôn biến những bài toán thành trò vui, cực kỳ gần gũi với học sinh và bao năm vẫn nhớ tên từng em, cả bố mẹ, vợ chồng con cái của từng người. Hơn 20 năm qua, ngày 20/11 nào nhà thầy cũng ngập tràn học trò.

“Tôi mơ ước sau này cũng được hưởng niềm hạnh phúc được học trò tôn trọng và yêu mến như thế”. 6 năm làm thầy ở Pháp, chị luôn nỗ lực để đạt được mục tiêu ấy.

Tâm lý này khiến chị không bằng lòng với cách dạy và học làng nhàng, mà chị cho là khá phổ biến ở các trường VN hiện tại. Về nước dạy cao học, chị hơi hụt hẫng khi SV quên nhiều kiến thức ĐH. “Cao học ở các nước thường là bậc học căng nhất. Việc học thạc sỹ ở VN cần phải xem lại và quản lý chặt hơn” - chị nói.

Về nước là điều tất nhiên

Nhưng, tháng 8/2005, chị rời vị trí là niềm ao ước của nhiều người để trở về làm cán bộ tại Viện Toán học VN với mức lương 1 triệu/tháng. Anh Lê Minh Hà, chồng chị, giảng dạy nhiều năm tại Mỹ, Pháp, Anh cũng về làm giảng viên khoa Toán - Cơ - Tin (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG HN).

“Về nước không phải là chọn lựa của chúng tôi giữa việc về hay ở mà là điều tất nhiên tôi sẽ làm. 12 năm du học, lúc nào tôi cũng tâm niệm sẽ trở về. Với nhiều người, ở nước ngoài là cần thiết, và cũng có thể đóng góp rất hiệu quả cho đất nước, nhưng với chúng tôi, được dạy cho SV VN và làm việc trong cơ quan VN là niềm vui và ý nghĩa. Tôi về vì ở đây có bố mẹ, bạn bè, có môi trường đã quá quen thuộc với mình. Tôi cũng muốn con trai tôi có tuổi thơ ở VN giống như mình đã có” - chị tâm sự.  

Hiện chị đang làm việc tại phòng Cơ sở Toán học của Tin học, nghiên cứu về các thuật toán và mô hình, nhằm mở phạm vi ứng dụng Tin học sang nhiều ngành khác. Chị cũng tham gia dạy cao học và vẫn liên lạc với nhóm nghiên cứu bên Pháp. Thiết lập mối quan hệ lâu dài giữa hai cơ quan cũ và mới của mình là mong muốn và cũng là một phần chị đang làm.

Tất nhiên, về là chấp nhận hi sinh một phần: điều kiện giảng dạy, môi trường nghiên cứu... nhưng “chính vì thế, mình càng phải làm việc sao cho xứng đáng với quyết định thay đổi ấy”.

Trần Ngọc Linh (Theo Dân Trí)