Cậu học trò cựu Amser học siêu và... 'liều
Đó là một teen boy học cực siêu, đang học ở trường danh tiếng tại Mỹ nhưng sẵn sàng bảo lưu 1 năm để về nước chăm mẹ ốm và làm thực tập.
Gặp Sơn giữa dòng người ngược xuôi buổi cuối chiều trong cái lạnh đầu đông, tớ thực sự bất ngờ bởi theo những gì tớ được biết thì cậu bạn 19 tuổi này đang chăm chỉ đèn sách ở Trường ĐH Depauw tít tận bên nửa kia trái đất. Cậu bạn chỉ cười xòa trước cái mắt chữ A mồm chữ O của tớ “Tớ bảo lưu một năm để ở nhà chăm sóc mẹ ốm và đi làm thực tập”.
Tớ và Sơn học cùng trường cấp 3. Nhớ hồi cuối lớp 12, trong khi bọn tớ đôn đáo cho kỳ thi đại học thì cậu bạn đã ung dung với một suất học bổng gần như tuyệt đối ở ngôi trường nằm trong top 40 nước Mỹ mang tên DePauw. Có lẽ với nhiều bạn cái tên này vẫn còn lạ lẫm nhưng tớ dám chắc là nó khá quen thuộc với những du học sinh bên đó, một ngôi trường có bề dày lịch sử, cơ sở vật chất và hệ thống giáo dục hàng đầu ở Mỹ. Tuy không thường xuyên liên lạc nhưng tớ vẫn thỉnh thoảng “chộp giật” được vài câu chuyện trên YM đủ để biết một năm xa xứ thật sự đã đem lại nhiều điều cho Sơn cũng là khoảng thời gian để Sơn khẳng định mình và chứng tỏ tài năng của sinh viên Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Cực học sinh chuyên Toán 05-08 trường Hà Nội – Amsterdam
Sinh viên trường Depauw University (Hoa Kỳ)
Thành tích:
Thử nhắc qua về việc học hành nhé. Hồi cấp 3, Sơn đã được biết đến là một trong những nhân học “trâu” nhất nhì lớp chuyên Toán nên cũng không lạ nếu kết thúc năm nhất với một bảng điểm được lấp đầy bởi những điểm A, chỉ duy nhất một điểm B+ cho môn religions (môn học về các tôn giáo). Khi được hỏi về các môn học ở trường, Sơn chia sẻ “Ở bên này sinh viên mình có lợi thế với các môn tự nhiên, điểm bao giờ cũng cao nên tớ không lo lắng gì nhiều lắm. Hồi đầu, tớ sợ nhất writing(môn viết) vì nghe các anh chị khóa trên truyền đạt thì môn này “khoai chuối” lắm, khó mà được điểm B chứ không nói đến điểm A. Nhất là khi mình còn là sinh viên quốc tế chứ không phải sinh viên bản địa. Thế nên tớ đầu tư khá nhiều cho môn này và kết quả vượt sức tưởng tượng của tớ. Cô giáo đã gọi riêng tớ ra và khen ngợi cũng như động viên rất nhiều, tớ đã dành được điểm tối đa của môn học. Nói chung ban đầu hơi khó một tí vì chưa quen hệ thống giáo dục mới, nhưng cứ kiên trì và chăm chỉ mình sẽ không thua kém ai cả”.
Zoom vào đời sống sinh viên một chút. Sơn cũng như phần lớn sinh viên Việt Nam đi du học ở trong ký túc xá của trường (dorm). Bạn ấy có roomate người Mỹ cực kỳ cute nhé, hai người hiểu và quan tâm đến nhau nên ít khi xảy ra xích mích. Một lợi thế lớn của Sơn là bạn ấy không gặp bất cứ trở ngại nào trong giao tiếp ngay từ những ngày đầu vì thế bạn ấy hòa nhập rất nhanh với cộng đồng sinh viên quốc tế. Sơn kể ở bên ấy, số lượng sinh viên Trung Quốc bao giờ cũng đông hơn, họ chơi với nhau và ít giao tiếp với các sinh viên nước khác.
Không chỉ học giỏi, Sơn còn khuân về gia tài thành tích của mình một loạt những sự tích “ăn chơi” đáng nể. Trong buổi prom của sinh viên quốc tế, Sơn cùng cô bạn Nepal đã giật giải “Mr and Miss ISA(International Student Association)” và giải “đôi nhảy đẹp nhất Prom”. Không phải người có một kho tài lẻ nhưng tớ dám chắc tài lẻ mà tớ sắp kể sau đây sẽ khiến nhiều bạn nữ phải ghen tỵ với Sơn. Bạn ấy cực kỳ giỏi làm thiệp pop-up (thiệp nổi) và nấu ăn rất ngon.
Sơn bảo “Ở xa nhà nên cũng phải học nấu nướng để thỉnh thoảng thèm đồ Việt Nam còn tự nấu phục vụ mình, với lại thỉnh thoảng hội Việt Nam cũng tụ tập nên tớ cũng học lỏm được vài món.” Còn thiệp thì tranh thủ sau kỳ nghỉ đông, bài vở chưa nhiều, Sơn đăng ký một lớp học làm thiệp pop-up và tác phẩm cuối khóa chính là quyển sách nổi để dành tặng bạn bè của bạn ấy. Ngoài ra, Sơn cũng chọn piano làm một môn học ở trường, tuy đánh chưa được pro nhưng cũng đáng để những dân ngoại đạo như tớ phục lăn.
Trải nghiệm cuộc sống tự lập và đi nhiều nơi là điều Sơn tâm đắc nhất trong suốt một năm xa nhà. Cứ đến những kỳ nghỉ dài như thanksgiving, winter break là cậu bạn lại balo trên vai hăng hái đi làm tình nguyện viên cho các tổ chức từ thiện. Hồi còn ở nhà thỉnh thoảng Sơn “alo” rủ rê tớ đi thăm các em nhỏ ở viện Nhi, chính bạn ấy cũng lôi kéo nhiều người tham gia dự án “Bring a smile” (một dự án nhằm đem lại nụ cuời cho các em nhỏ trong viện Nhi Hà Nội). Sang Mỹ bạn ấy tích cực làm tình nguyện cung cấp các bữa ăn cho những người vô gia cư. Theo Sơn, đó còn là cơ hội để được khám phá đất nước của “nữ thần tự do” vì các hoạt động ấy thường được tổ chức ở nhiều nơi khác nhau. Chưa gì mới chân ướt chân ráo sang Mỹ mà Sơn đã đi được khá nhiều nơi rồi đấy nhé, nào là kinh đô điện ảnh Hollywood, Washington DC, Chicago…
Dự định trong thời gian tới của Sơn là chăm sóc và làm mẹ vui, hoàn thành tốt công việc ở Ngân Hàng để lấy kinh nghiệm, năm sau bạn ấy sẽ quay trở lại Mỹ để tiếp tục việc học ở trường DePauw. Tớ xin kết thúc bài viết bằng một câu nói của Sơn mà tớ rất thích “Cuộc sống giống như một chuyến đi dài mà xuất phát điểm mình chẳng có chút hành lý nào, cứ đi và trải nghiệm cuộc sống mình sẽ tích lũy hành lý dần dần từ chiếc túi xách nhỏ, đến cái balo rồi vali… cho đến cuối cuộc hành trình mình sẽ từ một kẻ “vô sản” trở thành người giàu có về cả kiến thức và vốn sống”.
Theo Kenh14