Ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào đại học, cao đẳng năm 2015
Bắt đầu họp từ 14h ngày 28/7, Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào gồm đại diện các trường đại học, cao đẳng công lập, ngoài công lập ở các vùng miền, đại diện Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đã thống nhất đưa ra ngưỡng xét tuyển - mức điểm thấp nhất thí sinh cần đạt được để đủ điểu kiện nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Năm 2015, ngưỡng xét tuyển là 15. Đây là tổng điểm 3 môn không nhân hệ số dành cho thí sinh khu vực 3 và nhóm không ưu tiên. Mức này được xác định dựa trên phổ điểm của thí sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, đặc điểm vùng miền, đảm bảo hệ số dôi dư để các trường có thể tuyển đủ thí sinh. So với điểm sàn vào đại học, cao đẳng năm ngoái, ngưỡng xét tuyển năm nay cao hơn 1-2 điểm.
Phát biểu sau buổi họp thống nhất ngưỡng xét tuyển, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, mọi năm có 5 tổ hợp truyền thống thì có 5 ngưỡng. Năm nay có khoảng 15 tổ hợp cũng chỉ có một ngưỡng nhằm tạo điều kiện cho thí sinh dễ nhớ, dễ xác định.
"Phổ điểm phân bố đẹp nên không có gì khó khăn trong việc xác định ngưỡng xét tuyển đầu vào. Các trường đại học phải công bố ngưỡng nhận hồ sơ trước ngày bắt đầu nhận hồ sơ là 1/8", ông Ga nói và nhấn mạnh các trường không nên sợ thiếu nguồn tuyển mà hạ thấp ngưỡng, gây khó khăn cho thí sinh nộp hồ sơ, nhiều em nộp vào lại phải rút ra.
Thứ trưởng phân tích, tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học năm 2015-2016 khoảng 400.000, trong đó 350.000 dành cho các trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển và khoảng 50.000 dành cho trường có phương án tuyển sinh riêng, xét tuyển bằng kết quả học tập ở THPT. Trong khi đó, với mức điểm 15, có 531.180 thí sinh có ít nhất một tổ hợp với tổng điểm bằng hoặc cao hơn 15 điểm, gấp 1,52 lần chỉ tiêu.
Nhận xét về ngưỡng điểm xét tuyển năm 2015, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Bách khoa Hà Nội Nguyễn Phong Điền cho rằng với phổ điểm năm nay mức sàn 15 là tương đối thấp. Tuy nhiên, đây là mức có thể "thông cảm được" để các trường top dưới, đặc biệt là những đại học, cao đẳng mới ra đời, sẽ tuyển sinh được và nhu cầu học đại học của hơn 700.000 thí sinh được đáp ứng.
Theo ông Điền, mức điểm sàn 15 không làm khó cho các trường top trên và các thí sinh đạt điểm từ 21 trở lên trong khâu tuyển sinh. Nhưng nhóm thí sinh được từ 20 điểm trở xuống sẽ nằm trong top có nguy cơ trượt đại học nếu không tỉnh táo lựa chọn trường, còn các đại học phải tuyển sinh phức tạp hơn. Hiện Đại học Bách khoa Hà Nội đã ra mức điểm chuẩn vào trường là 18.
Sau khi có ngưỡng xét tuyển, các trường đại học, cao đẳng sẽ nhận hồ sơ của thí sinh. Căn cứ vào chỉ tiêu, lượng thí sinh đăng ký và ngưỡng xét tuyển, các trường sẽ ra được điểm chuẩn. Hiện có gần 200 đại học, cao đẳng có đề án tự chủ tuyển sinh, xét tuyển một phần chỉ tiêu dựa vào kết quả thi THPT quốc gia và phần còn lại xét tuyển bằng kết quả học tập phổ thông.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục, số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng thi đủ ba môn khối A truyền thống là 320.000, số dự thi đủ ba môn khối B là 187.000, khối C có 111.000 và số thi đủ ba môn khối D là 543.000. Khối A có 110.000 em đạt từ 20 điểm trở lên, 243.000 em đạt từ 15 điểm trở lên. Khối B có 45.000 thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên, 121.000 em đạt từ 15 điểm trở lên.
Các khối thi truyền thống như A, B, C và các tổ hợp môn thi có ít nhất từ hai môn tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh) trở lên thì mức điểm trung bình thí sinh đạt được nằm trong khoảng 16-18. Các tổ hợp gồm môn Toán kết hợp với các môn xã hội hoặc môn Ngoại ngữ thì điểm thi trung bình ở mức 13-15.
Ban biên tập Website tổng hợp