The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Post by: webams | 04/08/2018 | 4224 reads

Nhân dịp kỉ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2018), chúng ta cùng ôn lại cuộc đời hoạt động Cách mạng và những cống hiến to lớn của người chiến sĩ Cách mạng kiên cường, trung thành của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế; nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng, của dân tộc, đã hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Lịch sử Cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, gắn liền với tên tuổi Hồ Chí Minh và Tôn Đức Thắng, hai vị Chủ tịch nước kính mến, hình ảnh tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc.

Tình cảm giữa Bác Hồ và Bác Tôn đã hình thành từ lâu, khi hai bác còn chưa gặp nhau. Cách mạng Tháng Tám thành công, từ nhà tù Côn Đảo, Bác Tôn trở về đất liền, tham gia lãnh đạo Cách mạng. Tháng 3/1946, Bác Tôn được Trung ương Đảng điều động ra Bắc và lần đầu tiên được gặp Bác Hồ - lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mà Bác Tôn hằng ngưỡng mộ từ năm 1919 trên đất Pháp và những năm tháng bị tù đày ở Côn Đảo.

Còn Bác Hồ, nghe danh người công nhân Tôn Đức Thắng đã tổ chức Công hội bí mật từ năm 1920. Đến năm 1926, tại Trung Quốc, khi cử hai đồng chí Nguyễn Văn Lợi và Trần Trọng Bình về Sài Gòn gây dựng cơ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí Lý Thụy (bí danh của Bác Hồ) căn dặn: Đến Sài Gòn, phải tìm cách liên lạc được với anh Tôn Đức Thắng!

Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc mừng cụ Tôn Đức Thắng được Quốc hội bầu giữ chức Phó Chủ tịch nước

Đồng chí Tôn Đức Thắng sinh ngày 20 tháng 8 năm 1888 trong một gia đình nông dân tại xã Mỹ Hoà Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Năm 1910, sau mấy năm học nghề ở trường Bách nghệ, đồng chí làm công nhân trong một xưởng máy của thực dân Pháp ở Sài Gòn. Truyền thống quật cường của quê hương đất nước và cuộc sống giai cấp công nhân đã sớm rèn luyện nhiệt tình yêu nước của đồng chí. Năm 1912, đồng chí tổ chức và lãnh đạo cuộc bãi công của học sinh Trường Bách nghệ và công nhân Nhà máy sửa chữa tàu thuỷ Ba Son. Bị thực dân Pháp lùng bắt, đồng chí phải trốn sang Pháp làm công nhân trong một công ty hàng hải, rồi làm thợ máy trong hải quân Pháp. Đồng chí đã tham gia các cuộc vận động chính trị của giai cấp công nhân trong hàng ngũ lính thuỷ Pháp. Năm 1919, trong cuộc chiến tranh can thiệp của bọn đế quốc hòng bóp chết nước Cộng hoà Xôviết - Nga mới ra đời, đồng chí bị nhà cầm quyền Pháp điều động tới một đơn vị hải quân được lệnh tiến công Xêvaxtôpôn trên bờ Biển Đen. Đồng chí đã tham gia cuộc binh biến chống cuộc chiến tranh can thiệp và phản cách mạng của bọn đế quốc, góp phần bảo vệ Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới.

Sau đó, đồng chí ra khỏi hải quân, làm thợ máy hãng xe hơi Rơno, gia nhập Tổng Công hội Pháp, tiếp tục hoạt động trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước của kiều bào ta ở Pháp.

Trở về Sài Gòn năm 1920, đồng chí cùng với các bạn chiến đấu của mình xây dựng những cơ sở công hội bí mật tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin qua các sách báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tư liệu từ Pháp gửi về, các cơ sở ấy đã lãnh đạo phong trào bãi công sôi nổi của thủy thủ và công nhân Nam Bộ, tiêu biểu nhất là cuộc bãi công của công nhân ở Ba Son tháng 8 năm 1925.

Năm 1926, đồng chí tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một tổ chức tiền thân của Đảng ta, và năm 1927 đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Kỳ bộ Nam Kỳ.

Cuối năm 1929, đồng chí bị bọn thực dân Pháp bắt giam ở Khám lớn Sài Gòn, sau đó, bị kết án 20 năm khổ sai, và đến tháng 6 năm 1930, bị đày ra Côn Đảo.

Mùa Thu năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được chính quyền cách mạng đón về. Bước chân lên đất liền trong lúc thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, đồng chí bắt tay ngay vào cuộc chiến đấu mới của đồng bào Nam Bộ và của nhân dân cả nước.

Hơn hai mươi năm qua, là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và người lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Mặt trận Dân tộc thống nhất, đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần cống hiến xứng đáng của mình vào cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc vì độc lập tự do của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Làm Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ năm 1955 và Phó Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà từ năm 1960, đồng chí tiêu biểu cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tại kỳ họp đặc biệt của Quốc hội khoá ba, tháng 9 năm 1969.

Do những cống hiến to lớn của mình đối với Tổ quốc và nhân dân, năm 1958 đồng chí được Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Sao vàng. Và với những cống hiến của đồng chí trên cương vị Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam đối với phong trào hoà bình thế giới, năm 1955 đồng chí được Uỷ ban Giải thưởng hoà bình quốc tế Lênin tặng Giải thưởng Lênin Vì hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc. Năm 1967, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 Cách mạng Tháng Mười, đồng chí được Đoàn chủ tịch Xôviết Tối cao Liên Xô tặng thưởng Huân chương Lênin.

Hiến dâng cả đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc và cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đồng chí là một hình ảnh trong sáng của tinh thần cách mạng bất khuất và đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị.

Trên sáu mươi năm đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp cứu nước và giải phóng giai cấp công nhân, đồng chí đã tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối với cách mạng. Trước sự khủng bố tàn bạo của quân thù, đồng chí đã nêu cao khí tiết cộng sản chủ nghĩa. Trong nhiều năm bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo, đồng chí luôn luôn tỏ rõ lòng tin tưởng vững vàng của mình vào thắng lợi của cách mạng nước ta và cách mạng thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng; suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân".

Ban biên tập web