The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Gặp gỡ anh Trần Dân Chí - tân sinh viên tài năng của Đại học New York

Post by: webams | 07/04/2020 | 3216 reads

PV: Cảm ơn anh Trần Dân Chí đã dành thời gian tham gia phỏng vấn với Ams Wide Web ngày hôm nay và xin chúc mừng anh đã trở thành một phần của Đại học New York! Anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi nhận tin trúng tuyển vào trường Đại học New York (NYU) được không ạ?

 

Dân Chí (DC): Tối hôm đó NYU có kết quả lúc bốn giờ sáng, và anh thức trắng đêm, cố gắng làm mọi thứ để quên việc đó đi. Đến lúc bốn giờ vào xem kết quả thì anh đã quá mệt rồi, nên lúc thấy chữ “Admitted” (Chấp nhận) là anh thở phào rồi tắt máy đi ngủ luôn.

 

Đến sáng hôm sau anh mới kiểm tra lại, rồi báo cho gia đình cùng chia vui. Hôm đó anh rất phấn khích, chỉ tiếc là vẫn chưa được gặp các bạn ở trường lớp do vẫn còn đang nghỉ dịch thôi.

 

 

Một hình ảnh đời thường của anh Trần Dân Chí trong bộ đồng phục trắng

 

 

PV: Lý do gì đã khiến anh chọn NYU là “điểm dừng chân" cho bốn năm tiếp theo ạ? Anh sẽ theo đuổi ngành học nào ở đây và anh đã có dự định gì để tiếp tục phát triển bản thân sau khi tốt nghiệp chưa ạ?

 

DC: Anh đã yêu NYU từ năm anh học cấp một sau khi đi New York, và anh dần yêu thành phố này. Từ đó đến giờ mọi thứ anh làm đều có đích đến là NYU; đặc biệt hơn nữa là khi NYU có ngành Truyền Thông và Media bậc nhất thế giới, cũng là ngành anh chọn vì niềm yêu mến điện ảnh và nghệ thuật từ bé. Anh biết rằng anh muốn làm việc trong ngành điện ảnh, nên sau khi học đại học xong thì anh dự định sẽ bắt đầu sản xuất và tích lũy kinh nghiệm về Truyền Thông trước khi quyết định bước đi tiếp theo.

 

Tỏa sáng trên sân khấu English Performance

 

PV: Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ du học, đâu là khoảng thời gian anh cảm thấy khó khăn nhất ạ? Anh đã vượt qua khoảng thời gian đó như thế nào ạ?

 

DC: Có hai khoảng thời gian anh thấy khó khăn nhất: thứ nhất là khoảng thời gian viết bài luận phụ, mỗi trường đều có các bài luận phụ riêng, và nói một cách khách quan, thì không phải trường nào anh cũng đăng ký vì “tình yêu với trường”, mà đơn thuần vì danh tiếng trường tốt hoặc ngành anh định học ở đó chất lượng. Nên các bài luận phụ có những bài anh không thực sự ưng ý hay không có cảm hứng viết, làm chậm quá trình rất nhiều. 

 

Thời gian anh thấy khó khăn thứ hai là quá trình đợi kết quả. Khi mình vẫn còn có thể viết, vẫn còn có thể nộp, thì mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát của mình. Nhưng khi deadline (hạn nộp) đã qua rồi, thì mọi thứ lại thuộc về quyền quyết định của trường. Hơn nữa, các bạn mình sẽ có những người đỗ cao hơn khiến mình cảm thấy áp lực, hoặc tệ nhất là bạn mình trượt và khiến cho cả bạn lẫn mình đều cảm thấy vô vọng. Anh may mắn là anh không phải trải qua cảm giác “rejected” (bị từ chối) trước khi có kết quả NYU, nhưng anh vẫn cực kì lo vì anh cứ nghĩ rằng “Đáng lẽ nên làm bài luận tốt hơn”, “Đáng lẽ có thể sửa CV hơn nữa”, v.v. Việc anh vượt qua được áp lực đó là hoàn toàn nhờ vào gia đình và các bạn, những người cùng hoàn cảnh và có thể thông cảm, động viên, hoặc giúp mình giải tỏa căng thẳng trong quá trình đợi kết quả.

 

PV: Hoạt động ngoại khoá nào mang lại cho anh nhiều ý nghĩa nhất ạ? Theo anh, có cần thiết phải thành lập một dự án hay tham gia các hoạt động tầm cỡ quốc tế mới có thể gây ấn tượng với nhà tuyển sinh không ạ?

 

DC: Các hoạt động ngoại khóa của anh thì liên quan rất nhiều đến chuyên ngành anh chọn: về hoạt động trong trường thì anh là diễn viên, Giám đốc Âm nhạc và là một trong các đạo diễn của nhạc kịch English Performance 19: Facade, một trong những kỉ niệm và thành quả anh tự hào và trân trọng nhất; ngoài trường thì anh chủ yếu đi làm các phim ngắn, phim tài liệu ở trung tâm TPD, nhận các việc dựng, quay phim thuê và chạy đoàn quay MV cho một số ban nhạc và nghệ sĩ, chủ yếu là để lấy kinh nghiệm và được tiếp xúc với những con người đang làm chuyên nghiệp về ngành của mình, không chỉ trong khuôn khổ non-profit (phi lợi nhuận) hay student-run (do học sinh, sinh viên điều hành hoạt động). Ngoài ra thì anh còn học rất nhiều nhạc cụ, và hè năm 2018 anh đã được tiến cử tham gia một trại hè làm phim tại Hàn Quốc ở Đại Học Nghệ Thuật Dong-Ah, một trải nghiệm vô cùng đặc biệt.

 

Hoạt động ngoại khóa anh thấy ý nghĩa nhất đối với anh, đó là phim tài liệu anh làm về bà ngoại anh, và cũng là nội dung của bài luận cá nhân của anh. Đó là dự án anh làm từ đầu đến cuối một mình và quan trọng hơn là xuất phát từ tình cảm và lý do cá nhân, không có ý định hay mục đích “du học” nào cả. Phim tài liệu đó là “đứa con tinh thần” của anh, và may mắn là nó trở thành tiền đề cho hồ sơ của anh, một quyết định anh có chỉ sau khi phim đạt được một số giải thưởng liên hoan phim nhỏ tại Hà Nội hồi tháng 7, tháng 8 và anh nhận ra ban tuyển sinh cũng có thể liên hệ được với ý nghĩa của bộ phim anh làm.

 

Cá nhân anh thấy việc thành lập một dự án hay tham gia một hoạt động quốc tế không có ý nghĩa nếu như mình làm để “đánh bóng hồ sơ”, không phải xuất phát từ trái tim mình. Nó đẹp hơn khi mình viết vào hồ sơ, nhưng một bộ hồ sơ cũng chỉ dài ba trang, và nếu dự án hay hoạt động đó không có ý nghĩa với bản thân mình, thì nó cũng chỉ là các câu chữ về những việc mình không đầu tư đến thế về thời gian hay tinh thần, và các nhà tuyển sinh sẽ lập tức nhìn thấu được việc đó. Mọi người không nhất thiết phải tạo ra một cái gì đó mới có thể gây ấn tượng, hãy làm điều mình thích và dành thật nhiều thời gian để hoàn thiện điều đó, trường sẽ nhận ra mình có hợp với trường hay không.

 

Anh Trần Dân Chí cùng lớp học làm phim Teen FILMmakers của trung tâm TPD

 

PV: Theo anh, điều gì đã khiến hồ sơ du học của anh trở nên khác biệt và đã thuyết phục được hội đồng tuyển sinh nhận anh vào NYU ạ?

 

DC: Anh cũng không dám chắc, vì anh không nghĩ hồ sơ mình “khác biệt” đến thế, nhưng nếu phải chọn một điểm, thì anh nghĩ nó là sự sáng tạo và tâm huyết đầu tư của anh trong tất cả các hoạt động. Ví dụ như việc làm nhạc cho English Performance, một quá trình vô cùng khó; anh đã phải soạn các bản nhạc từ 5-7 tiếng mỗi ngày, học thêm các nhạc cụ mới để cho vào bản nhạc, đi thu với các bạn đến tận khuya chỉ để có một đêm thật hoàn hảo trên sân khấu; hay các phim ngắn anh làm, cũng phải gọi vốn, tìm đoàn, khảo sát địa điểm quay một tháng trước khi bấm máy, quay xong thì cắt phim, chỉnh màu cũng thêm một tháng nữa, chỉ để 9 phút phim cuối cùng.

 

Anh rất yêu việc anh làm (âm nhạc và điện ảnh), và anh tham gia những dự án của những người chuyên nghiệp, những người đang làm vì nguồn sống chứ không chỉ tích lũy, để anh có thể trải nghiệm môi trường làm việc vô cùng áp lực, để va chạm nhiều hơn, và từ đó anh dám nhận ra các thiếu sót và vị trí của mình trong xã hội và trong chuyên ngành mình đã chọn: anh chưa là gì cả. Việc anh xuất phát từ đó giúp hồ sơ của anh có tổng thể hơn, và anh nghĩ đó là điều khác biệt của anh.

 

PV: Anh có lời khuyên gì gửi tới các em khoá dưới đang chuẩn bị cho đợt nộp hồ sơ năm sau không ạ?

 

DC: Các em đừng lo sợ. Đợt nộp hồ sơ du học là một trải nghiệm vô cùng khó khăn, nhưng nó cũng là một thời gian cực kỳ đáng quý. Mình được nhìn lại những gì mình đã làm, hiểu được bản thân mình hơn, hiểu được điểm mạnh, điểm yếu và con người mình muốn trở thành một cách rõ ràng hơn. Mình cũng gắn bó với các bạn đồng hành hơn, và trân trọng công sức của bố mẹ trong việc đưa mình đi du học, tạo ra một động lực mới để mình thành công sau này.

 

Và thêm nữa, ngay cả khi các em vào được hay không vào được ngôi trường mà mình mong muốn, cũng đừng buồn: mình còn cả cuộc đời phía trước để quyết định mình là ai, thứ hạng hay danh tiếng ngôi trường chỉ là cái thước đo tạm thời ở tuổi 18 thôi. Miễn là sau quá trình app, các em hạnh phúc ở nơi mình quyết định sẽ dành bốn năm tiếp theo, và luôn có ý chí phấn đấu. Hãy luôn tìm lí do để vui vẻ nhé!

 

PV: Cảm ơn anh đã dành thời gian tham gia phỏng vấn với Ams Wide Web và thay mặt ban biên tập, xin chúc mừng anh đã chính thức trở thành tân sinh viên của Đại học New York và chúc anh thành công trong những dự định tiếp theo của mình ạ!

 

Đại học New York được thành lập năm 1831, có trụ sở tại thành phố New York, bang New York, Hoa Kỳ. Theo US News, trường thuộc top 29 Đại học tốt nhất Hoa Kỳ với tỉ lệ trúng tuyển chỉ khoảng 20%.

 

Các cựu sinh viên tốt nghiệp từ NYU đã giành tổng cộng ba mươi sáu giải Nobel, ba giải Turing, trên ba mươi Huy chương Quốc gia Hoa Kỳ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới, Nghệ thuật và Nhân văn, trên ba mươi giải Pulitzer, trên ba mươi giải Oscar, cùng với một số giải Russ, giải Gordon, giải Draper và huy chương Fields, cùng với hàng chục giải Emmy, giải Grammy và giải Tony. 

 

NYU có nhiều cựu sinh viên giành giải Oscar hơn so với bất kỳ trường đại học nào khác. Nhiều cựu sinh viên NYU nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới, trong đó có mười bảy tỷ phú hiện nay còn sống.

 

PV viết: Phạm Minh Anh - Văn 1821

Ảnh: Nhân vật cung cấp