Đề xuất nhiều đổi mới quan trọng trong thi tốt nghiệp và thi đại học
“Đề thi không chỉ tập trung vào việc đánh giá học sinh (HS) biết cái gì mà quan trọng hơn là đánh giá HS làm được gì từ những điều đã biết, tức là tập trung đánh giá năng lực người học. Định hướng này buộc đề thi không thể chỉ kiểm tra trí nhớ mà phải yêu cầu vận dụng tổng hợp, thực hành, kiểm tra năng lực sáng tạo… của HS”.
Đây là hướng đề xuất hướng đổi mới thi - công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng cho giai đoạn tới của Bộ GD&ĐT.
Thừa nhận các kỳ thi còn lạc hậu
Theo Bộ GD&ĐT, thực trạng các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng ở Việt Nam có rất nhiều hạn chế, đòi hỏi bức thiết phải đổi mới. Thực trạng hạn chế này tập trung ở các yêu tố như: kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng vẫn còn cồng kềnh, nặng nề, tốn kém; chưa có hiệu quả cao và có nhiều điều bất cập, gây bức xúc trong xã hội.
Đề thi vẫn chủ yếu coi trọng ghi nhớ kiến thức, ít chú ý đến đánh giá năng lực vận dụng. Việc đề thi chỉ chú ý đến yêu cầu tái hiện kiến thức đã là nguyên nhân của tình trạng dạy học theo lối "đọc-chép", mở “lò luyện thi”, học tập đối phó…
Thời gian tới sẽ có nhiều đổi mới trong thi cử?
“Không coi trọng việc kết hợp kết quả đánh giá quá trình với kết quả thi tốt nghiệp THPT và với tuyển sinh đại học, cao đẳng; kết quả tốt nghiệp THPT và trúng tuyển vào trường đại học, cao đẳng chỉ phụ thuộc vào kết quả thi nên chưa đảm bảo khách quan, công bằng với người học” Bộ GD&DDT khẳng định.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, kết quả thi còn bị chi phối nhiều yếu tố chủ quan, cảm tính, nhất là đối với các môn khoa học xã hội; tình trạng học sinh quay cóp tài liệu, đặc biệt là chép bài của nhau trong khi thi vẫn còn khá phổ biến, dẫn đến kết quả đánh giá còn phiến diện, thiên lệch, thiếu khách quan.
Xét một cách tổng quát, đánh giá nói chung và thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng nói riêng ở Việt Nam còn lạc hậu từ mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện đến quy trình, cách thức xử lí, sử dụng kết quả; coi việc đánh giá kết quả học tập chỉ là việc cho điểm các bài thi, bài kiểm tra.
Thực tế, hệ thống đánh giá kết quả học tập ở nước ta gồm ba thành tố cơ bản là: Đánh giá trên lớp, tức là giáo viên thu thập thông tin hàng ngày về việc học sinh đã học thế nào, từ đó điều chỉnh hoạt động dạy và học. Các hình thức đánh giá là quan sát, kiểm tra miệng, kiểm tra viết, kiểm tra thực hành theo hai loại: Kiểm tra thường xuyên và Kiểm tra định kỳ. Thời gian các bài kiểm tra từ vài phút, 15 phút, 1 tiết hoặc hơn 1 tiết. Một số môn học như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Đạo đức chỉ đánh giá kết quả thông qua quan sát và nhận xét, góp ý.
Đánh giá qua các kỳ thi, hiện hành chúng ta đang có các kỳ Thi tuyển sinh lớp 10; Thi tốt nghiệp THPT; Thi tuyển sinh cao đẳng, đại học; Thi học sinh giỏi các cấp.
Và cuối cùng đánh giá kết quả học tập bằng cách tham gia chương trình đánh giá quốc gia, quốc tế: Thực hiện (có tính chất làm thí điểm) đánh giá quốc gia ở các lớp 5, 6, 9 và 11; tham gia chương trình đánh giá quốc tế là PISA và chương trình đánh giá khu vực là PASEC.
Có thể sẽ bỏ thi đại học
Trong đề xuất hướng đổi mới thi - công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng cho giai đoạn tới, Bộ GD&ĐT có nói trước hoản cảnh đất nước như hiện nay phải tìm ra một “bài toán” giải mã chất lượng học sinh, tìm thước đó chuẩn cho các bậc học, trong đó có thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Theo quan điểm đề xuất ngành GD&ĐT, trong thời gian tới đề thi không chỉ tập trung vào việc đánh giá HS biết cái gì mà quan trọng hơn là đánh giá HS làm được gì từ những điều đã biết, tức là tập trung đánh giá năng lực người học. Định hướng này buộc đề thi không thể chỉ kiểm tra trí nhớ mà phải yêu cầu vận dụng tổng hợp, thực hành, kiểm tra năng lực sáng tạo… của HS.
Việc thi - công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng cần kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình học tập (chủ yếu ở cấp THPT) và kết quả thi, kiểm tra kết thúc (để tốt nghiệp), kết quả thi, kiểm tra đầu vào (để tuyển sinh).
Cùng với việc đổi mới chương trình giáo dục THPT theo hướng tăng cường phân hóa, định hướng nghề nghiệp và chuẩn bị tốt cho học sinh học tiếp sau giáo dục phổ thông bằng cách có ít môn học bắt buộc, có nhiều môn học hoặc chủ đề để HS tự chọn; đồng thời triển khai phong phú các hình thức kiểm tra, thi và đánh giá trong quá trình dạy học, việc công nhận tốt nghiệp THPT, phải dựa trên kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục về phẩm chất và năng lực của học sinh và kết quả đánh giá cuối cấp học.
Trong đó, đánh giá kết quả học tập theo hướng học xong môn/lĩnh vực học tập nào thì đánh giá kết quả đạt chuẩn đầu ra môn/lĩnh vực đó; kì thi cuối cùng (thi tốt nghiệp) đề thi sẽ yêu cầu vận dụng tổng hợp kiến thức, kĩ năng của nhiều lĩnh vực/ môn học để giải quyết một vấn đề chung theo 02 lĩnh vực lớn là khoa học xã hội- nhân văn và khoa học tự nhiên hoặc cũng có thể chỉ thi 2 môn Toán và Ngữ văn.
Về tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ GD&ĐT cho biết có thể các trường tổ chức tuyển sinh theo hướng dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp THPT và có thể kiếm tra/ thi thêm một vài môn hoặc chuyên đề theo yêu cầu đào tạo của mỗi ngành, mỗi trường.
Bộ GD&ĐT cho biết, các đề xuất này sẽ khắc phục được cơ bản những hạn chế về kiểm tra, đánh giá và thi cử hiện hành. Kết quả kiểm tra, đánh giá thực chất hơn, công bằng, khách quan và trung thực hơn; giảm bớt sự cồng kềnh, tốn kém của một số kỳ thi; tác động tích cực trở lại việc dạy và học.
Cũng thừa nhận, trong giáo dục phổ thông nước ta, khoa học đánh giá còn lạc hậu, trình độ tổ chức đánh giá và quản lý, sử dụng kết quả còn thấp; năng lực giáo viên và cán bộ nghiên cứu về đánh giá còn hạn chế; thói quen và tâm lý học ứng thí, trọng bằng cấp còn nặng nề… Do đó cần phải có quyết tâm và các giải pháp phù hợp của các cấp quản lí và các cơ sở giáo dục, của cán bộ quản lí giáo dục và giáo viên thì việc đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá theo định hướng trên mới có hiệu quả.
(Theo GDTD)